Vào lúc 20h tối nay (21/6), Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
LTS: Trong số 152 tác phẩm vào chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI- năm 2021, Hội đồng chung khảo đã lựa chọn được: 10 giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích.
Trong đó, Báo NTNN/Dân Việt vinh dự được trao 4 giải: Giải A cho loạt bài "Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng" (của tác giả Đỗ Doãn Hoàng); Giải B cho loạt bài "Phá rừng pơ mu cổ thụ, "moi ruột" vườn quốc gia trên nóc nhà Đông Dương" (tác giả Hoàng Văn Chiên) và 2 Giải C cho loạt bài "Cơ chế nào bảo vệ cán bộ dám "xé rào" vì dân, vì nước?" (nhóm tác giả) và phóng sự ảnh "Toàn cảnh tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh gần 30 ngày qua" (tác giả Viết Niệm).
Đây là sự tôn vinh, ghi nhận xứng đáng những nỗ lực của nhóm phóng viên của báo NTNN/Dân Việt trong hành trình dấn thân vào điểm nóng, phản biện các vấn đề thời sự gai góc.
Thước đo hiệu ứng của phóng sự là các… án tù
Cách đây hơn 15 năm, khi chúng tôi nhóm họp với nhau để đồng sáng lập ra Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam, bấy giờ, đi điều tra những vi phạm… dễ lắm. Đụng đâu cũng gặp…
Bấy giờ tôi lái xe máy, đi từ Hà Nội vào tới Huế, tiếp xúc với nhiều lái buôn, với những người bắt bẫy thú rừng, hỏi gì họ cũng nói. Giả cách giao dịch là họ bám lấy khách sộp, cái gì cũng bô bô choang choác. Bấy giờ thiết bị ghi hình, ghi âm của nhà báo chưa tinh vi như bây giờ.
Song, tôi vẫn khiến độc giả buốt lòng với những tủ lạnh đen kịt, xếp chồng chất toàn tay gấu, đủ loài hoang dã được thợ săn cõng về nhà, buộc sau xe máy chở vèo vèo ra nhà hàng xả thịt bán buôn.
Có khi, ven quốc lộ, họ trói cả con gấu ngựa mở ra bán, họ chặt đầu con hoẵng máu me be bét, mắt con vật vô tội trợn trừng và hai cái răng nanh dài nhọn cong vênh thì sầu tủi chìa ra khỏi cặp môi oán thán.
Cái thời ấy đã lùi xa.
Dân buôn giờ ma lanh, tinh quái và manh động hơn nhiều. Thậm chí, các hội nhóm buôn chim trời vô cùng đông đúc, các trùm buôn gỗ lậu, các vựa tàn sát thú rừng quý hiếm trị giá tiền tỷ một con… đã bắt đầu dựng "hồ sơ" từng nhà báo trong nhóm chúng tôi.
Họ lan truyền nhau ảnh chân dung, số điện thoại thật và số điện thoại "ảo", biển số xe máy - ôtô, gương mặt và "danh phận" của từng nhà báo. Họ bảo nhau để "tránh xa", cũng có thể họ còn có nhiều mưu đồ mà chẳng nói thì ai cũng biết (ví như trả thù), khi mà một tuyến bài khiến 13 người bị cách tất cả các chức vụ, bị bắt giam, bị tạm giữ hình sự, bị xử tù giam, với mức án gần… 70 năm (bài tàn sát rừng nghiến ở Hà Giang).
Những trùm buôn thú rừng từ châu Phi về Tam Giác Vàng, sang Việt Nam, mỗi con hổ nhốt trái phép trong nhà có giá chợ đen tới hơn 1 tỷ đồng, thử hỏi họ thiếu gì mưu ma chước quỷ.
Sự việc "lộ sáng" với gần 20 năm tù dành cho các đối tượng liên quan (tính đến tháng 6/2022), và sự việc chắc chắn chưa dừng ở đó vì có đối tượng bị bắt chưa đưa ra xét xử. Chúng tôi cũng lo mình "lộ sáng" vì các lễ vinh danh dành cho nhóm điều tra sau tuyến bài…
Có những lúc chúng tôi bị gọi điện chửi bới, bị vác đá ném, bị đe dọa "tao xiên chết cả nhà mày"…
Có lúc, các đối tượng cao tay hơn: anh/chị xin chụp với chú một bức ảnh. Để sau này nếu phụ bạc nhau còn có thể đi tìm "ăn vạ" chứ. "Đời có vay có trả!".
Có khi, giao dịch xong, phóng viên trở về thì nhận được một ảnh chân dung chính mình được đối tác chụp trộm, gửi qua Zalo, kèm theo lời nhắn: "Nhớ đừng phụ lòng chị nhé". Chị chưa từng để đứa nào dám qua mặt.
Để có tuyến bài "kéo dài" xuyên lục địa với hơn 30 phóng sự, hồi âm, phỏng vấn, tranh biện (tính cả các tin hồi âm và video, tổng số khoảng 50 lần xuất bản) mang tên "Kinh hoàng các chiêu trò tàn sát thú rừng" (đoạt Giải A Giải Báo chí quốc gia năm 2021), nhóm điều tra của Báo NTNN/Dân Việt đã phải thật sự công phu, tốn kém, và thời gian thực hiện kéo cả năm ròng.
Thậm chí, chúng tôi phải "đánh đổi" nhiều mối quan hệ để xâm nhập được. Có đối tượng thẳng thắn: "Đó là một ổ buôn hổ và nhiều loại hàng quý hiếm khác, "bọn tớ" bị bắt với tang vật là một cá thể đã đủ bị khởi tố hình sự "ngồi bóc lịch" rồi. Rất "căng". Vì thế, nếu cậu muốn theo tớ vào đó mua hàng thì cứ "cược" đi".
Phóng viên giả đò hỏi: "Cược gì ạ?". Bên kia trả lời: "Cho biết nhà biết cửa của cậu, biết nhà bố mẹ cậu, rồi cậu đi cùng, mà có đứa nào dzich (tố cáo, "chơi đểu") bọn tớ, thì cậu lãnh mọi hậu quả. Ý là tớ sẽ tấn công cậu, tấn công bố mẹ cậu, con cái cậu".
Sau khi có được "thế giới các câu chuyện và hình ảnh", chúng tôi tiến hành làm báo cáo, dựng video, đem toàn bộ tư liệu đến gặp lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, gặp các điều tra viên và phối hợp với họ tìm cách đưa các đường dây tàn sát thú rừng Việt Nam và xuyên lục địa ra ánh sáng.
Vì lần trước, cũng ở địa bàn này, cũng chuyện về làng nuôi hổ, tôi và các cộng sự đã tố cáo mà không có một cuộc bắt giữ xử lý xứng tầm nào.
Thế nên, chúng tôi đã thòng phương án báo cáo lên Bộ Công an, thông tin với các tổ chức khác. Đặc biệt, chúng tôi tiếp tục cài người vào theo dõi các di biến động ở cơ sở, thậm chí có phương án tránh sự "bỏ qua" hay "tư túi" của ai đó…
"Phát súng hiệu" đầu tiên sau thời gian điều tra và nín thở chờ tín hiệu là vụ đối tượng buôn tê tê sống nguyên con bị tra tay vào còng.
Cơ quan công an, các điều tra viên cảm ơn nhóm phóng viên Báo NTNN/Dân Việt vì đã hỗ trợ họ ở hầu hết các công đoạn. Ở thời điểm đó, phóng viên không nghĩ có một vụ bắt giữ lớn nhất trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam với 24 cá thể hổ được giải cứu.
Sự việc "lộ sáng" với gần 20 năm tù dành cho các đối tượng liên quan (tính đến tháng 6/2022), và sự việc chắc chắn chưa dừng ở đó vì có đối tượng bị bắt chưa đưa ra xét xử.
Chúng tôi cũng lo mình "lộ sáng" vì các lễ vinh danh dành cho nhóm điều tra sau tuyến bài, do Tổ chức Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF), rồi cả Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam (SVW) tổ chức.
Loạt bài cũng được trao Giải nhất Báo chí cuộc thi VIEWS AWARDS về chủ đề bảo vệ động vật hoang dã, trước khi được trao Giải A Giải Báo chí quốc gia năm 2021.