Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng: “Chuyên án” chưa từng có trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam

Lam Anh – Chiên Hoàng Thứ sáu, ngày 13/08/2021 10:10 AM (GMT+7)
Như đã thông tin ở các bài trước, sau quá trình điều tra nhiều tháng ròng trên diện rộng, Nhóm Phóng viên Dân Việt đã trực tiếp đến trụ sở cung cấp tài liệu tới cơ quan Công an tỉnh Nghệ An.
Bình luận 0

Ban chuyên án được thành lập và nhanh chóng vào cuộc điều tra, đầu tháng 8/2021, nhiều đối tượng sa lưới pháp luật với tang vật là 24 cá thể hổ bị nuôi nhốt và vận chuyển trái phép, 4 cá thể tê tê còn sống nặng 21kg được "giải cứu". Gần như cùng thời điểm với việc phá án kể trên, Dân Việt đăng tải loạt bài điều tra "Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng".

Video: Hóa kiếp đủ loại "hàng rừng trong sách đỏ"

3 ngày, giải cứu 24 con hổ và 4 cá thể tê tê nặng 21kg

Sau khi Báo đăng, ngày 10/8 Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT) đã ban hành văn bản số 328/KL-ĐT gửi Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, đề nghị xử lý hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

Ngày 11/8, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi, xã Đô Thành, huyện Yên Thành) vì hành vi nuôi nhốt trái phép 14 cá thể hổ trưởng thành.

Với vụ 3 con hổ trưởng thành bị nuôi nhốt trái phép trong nhà bà Nguyễn Thị Định cùng xã Đô Thành, công an đã tạm giữ hình sự bà Định để điều tra.

Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng: “Chuyên án” chưa từng có trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam - Ảnh 2.

Loạt bài Báo điện tử Dân Việt đã thu hút được bạn đọc quan tâm, đặc biệt là các tổ chức bảo tồn Quốc tế và trong nước. Ảnh: Dân Việt

Trước những đóng góp của Báo điện tử Dân Việt và Nhóm phóng viên, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) đã tặng Giấy khen và các phần quà nhằm tri ân Báo điện tử Dân Việt và nhóm phóng viên điều tra đã có nỗ lực quan trọng trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thái (người vừa nhận Giải thưởng danh giá Goldman, được mệnh danh là "Giải Nobel Xanh" của thế giới) - Giám đốc SVW nhấn mạnh: "Chúng tôi rất ấn tượng với những đóng góp của Báo điện tử Dân Việt trong việc điều tra phanh phui các vụ việc chặt phá rừng quy mô lớn, săn bắt chim hoang dã trên diện rộng và đặc biệt là săn bắt động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép trên khắp cả nước. Chúng tôi ghi nhận và mong muốn đưa những câu chuyện tích cực trong công tác bảo tồn để xây dựng niềm tin với cộng đồng".

"Đặc biệt, chưa bao giờ trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam mà trong 3 ngày có 3 chuyên án, tang vật tịch thu 24 cá thể hổ và 4 cá thể tê tê như vừa diễn ra ở tỉnh Nghệ An, trong đó, như mọi người đều biết, có sự đóng góp không nhỏ từ các thông tin điều tra tâm huyết và tố cáo kiến nghị hiệu quả của nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt.

Điều này thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Biên tập và tinh thần dũng cảm, nhiệt huyết của phóng viên. Chúng tôi tri ân những đóng góp đó" - ông Thái nhấn mạnh.

Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng: “Chuyên án” chưa từng có trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam - Ảnh 3.

Tổng Biên tập Báo NTNN/Điện tử Dân Việt (phải) trao quà lưu niệm cho ông Nguyễn Văn Thái. Ảnh: Lê Hiếu.

Phó Chủ nhiệm UB KHCN&MT của Quốc hội: "Gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương"

TSKH Nghiêm Vũ Khải là Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII và XIV, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp KH&KT Việt Nam, sau khi đọc loạt bài trên đã tâm đắc: "Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đặc biệt là khâu truyền thông (trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD, bảo tồn thiên nhiên môi trường) là rất quan trọng. Như việc mà các nhà báo của Dân Việt với tuyến bài "Kinh hoàng…" kể trên là rất đáng hoan nghênh".

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: Đúng như tựa đề bài báo "Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng", tôi thấy rằng không chỉ tình trạng buôn bán, mà cả săn bắt, sử dụng ĐVHD, hợp pháp hóa ĐVHD thành động vật nuôi nhốt để buôn bán, bất kể động vật hoang dã trong sách đỏ hay ngoài sách đỏ ở nước ta hiện nay… rất phức tạp, khó kiểm soát và đáng báo động.

Không chỉ động vật sống mà cả sản phẩm từ ĐVHD, gồm đủ: thịt, da, vảy, răng, mật, xương… đều được buôn bán, sử dụng trái phép; tội phạm trong lĩnh vực này manh động, trang bị đủ loại vũ khí không thua gì tội phạm về ma túy".

Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng: “Chuyên án” chưa từng có trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trong một lần phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy đặc biệt nhấn mạnh: "Tôi cho rằng, cần thực hiện nghiêm pháp luật về ĐVHD gắn với trách nhiệm người đứng đầu địa phương; Gắn trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên trong việc nuôi nhốt, tiêu thụ, sử dụng ĐVHD.

Đồng thời, siết chặt quản lý nhà nước, hạn chế cấp phép, tăng cường giám sát, tiến tới cấm nuôi nhốt ĐVHD.

Cần bổ sung các căn cứ khoa học về công dụng thật sự của việc sử dụng ĐVHD để tuyên truyền hiệu quả trong cộng đồng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chia sẻ thông tin, tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong điều tra, khảo sát, giám định, bảo tồn ĐVHD và phòng chống tội phạm về buôn bán, tiêu thụ, sử dụng ĐVHD".

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Nhà báo điều tra trúng và tiếp sức cho cơ quan chuyên trách

Đặc biệt, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội, sau khi đọc loạt bài của Dân Việt, lại chia sẻ tâm sự về vai trò của báo chí với các vấn đề nóng của xã hội: Báo chí điều tra phải trúng, dũng cảm và đa chiều.

"Những việc làm của nhóm nhà báo điều tra ở Báo điện tử Dân Việt đã rất kịp thời. Báo chí điều tra rất cần thiết và nó nên đa chiều để góp nhiều hơn những tiếng nói hữu ích cho cộng đồng. Ví dụ, không chỉ điều tra, tố cáo, xử lý, ngăn chặn là chuyện săn bắt, sát hại thú rừng; mà cần phải triệt phá cả các đường dây vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD ở quy mô lớn hơn…

Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng: “Chuyên án” chưa từng có trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam - Ảnh 6.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội. Ảnh: NVCC

Báo chí, tôi nghĩ, cần điều tra, đưa ra thông điệp "trúng" và thuyết phục, cho nên cần hai vế cân đối, như tôi đã nói: "chống" và "xây". Ý là không ai không muốn làm giàu, nhưng cần mưu sinh và làm giàu lương thiện. Cho nên (việc giết hại ĐVHD để mưu sinh, kiếm tiền) chỉ là cái cớ, là sự ngụy biện. Nói cách khác, cần phải hướng kiến thức, suy nghĩ, cảm xúc của những người đã rơi vào "cạm bẫy" đó một cách tích cực. Để làm sao giúp họ thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn vi phạm đó. Ví dụ, họ biết nghĩ đến khi con cái họ lớn lên, chúng tự sẽ buồn và mặc cảm vì cha mẹ chúng đã mưu sinh bằng cái nghề giết chóc động vật vô tội và đang bị luật pháp cấm, đang bị cả thế giới kêu gọi bảo vệ đó. Tóm lại, không phải một nghề tử tế.

Cho nên, cần đánh động dư luận, nâng cao nhận thức. Đồng thời, phải có một liên minh của các cơ quan chuyên trách, các tổ chức xã hội và cả những người đi tiên phong (như nhóm nhà báo thực hiện loạt bài dài kỳ "Kinh hoàng các chiêu trò tàn sát thú rừng" của Dân Việt) mới được. Chứ không thể chỉ tất tật dựa vào các cơ quan chuyên trách. Theo tôi, tôi nghĩ cần phải có tổ chức xã hội để nối tay tiếp sức cho các cơ quan chuyên trách".

Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng: “Chuyên án” chưa từng có trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam - Ảnh 7.

Thú rừng bị săn bắt, giết thịt và buôn bán. Ảnh do phóng viên Dân Việt chụp tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Lam Anh

Phó Giám đốc CITES Việt Nam: Cảm ơn nhóm PV "dũng cảm, nhiệt huyết"

Tại Tọa đàm "Từ vụ tịch thu hổ nhìn lại việc kiểm soát nuôi nhốt, buôn bán và cứu hộ, bảo tồn hổ tại Việt Nam" do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức sáng 24/8/2021 (với sự tham dự và phát biểu của các PV Điều tra Dân Việt), TS. Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã giành lời khen ngợi và cảm ơn nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã dũng cảm, dấn thân, nhiệt huyết thực hiện loạt bài điều tra vừa rồi.

TS Mạnh cung cấp thêm thông tin: "10 năm gần đây cơ quan chức năng của Việt Nam đã bắt giữ nhiều vụ việc nuôi nhốt, mua bán hổ và các sản phẩm từ hổ trong nước. Ngoài ra chúng tôi cũng nhận được thông tin: từ Nam Phi, Công Hòa Séc… có công dân Việt Nam mua bán hổ bị phát hiện và bắt giữ. Tại Việt Nam điểm nóng nuôi nhốt, buôn bán hổ được xác định là khu vực Miền Trung như Báo điện tử Dân Việt vừa phản ánh trong tuyến bài công phu vào đầu tháng 8/2021".

Trước đó, Báo điện tử Dân Việt đã thông tin, sau khoảng một năm điều tra khu vực nuôi nhốt hổ trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An (và nhiều vùng khác nữa), cuối tháng 4/2021 chúng tôi đã liên hệ với Ban giám đốc Công an tỉnh Nghệ An và làm việc trực tiếp với các điều tra viên để cung cấp thông tin, hình ảnh nhằm ngăn chặn vi phạm. Ngày 4/8/2021 lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra, thu giữ 17 cá thể hổ trưởng thành tại 2 hộ dân ở xã Đô Thành. Trước đó, ngày 1/8/2021 lực lượng chức năng cũng thu giữ 7 cá thể hổ nhỏ bị vận chuyển trái phép trên địa bàn huyện Diễn Châu. Cùng ngày, cũng theo phản ánh của nhóm phóng viên trước đó, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An cũng bắt đối tượng Cao Xuân Hùng, ở xã Diễn Lâm với tang vật là 4 cá thể tê tê có trọng lượng 21kg.

Ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT TƯ: Họ nuôi 14 con hổ trong 1 nhà, cán bộ không biết, vì sao?

Phóng sự Điều tra dài kỳ "Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng" (khởi đăng từ 4/8/2021) của Dân Việt đã tạo hiệu ứng xã hội đặc biệt, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả. Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKTTW đã bày tỏ sự quan tâm, nhiều tình cảm với các vấn đề mà tác phẩm đặt ra.

Ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh: "Theo tôi, các anh (nhóm Phóng viên) đã có công rất lớn trong vụ tố cáo (dẫn tới xử lý) các đối tượng vi phạm, giải cứu động vật quý hiếm rồi, những giờ các anh cố gắng làm sao để tuyên truyền hiệu quả hơn nữa qua truyền thông, thậm chí đưa các kiến thức này vào nhà trường.

Thậm chí, để các cháu học sinh về nhà nói, góp ý với cả bố mẹ những điều chúng học được. Còn tất nhiên, chúng ta có cả một hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, cần quản lý và giám sát chặt chẽ để không xảy ra hoặc xử lý dứt điểm các vi phạm ở lĩnh vực này.

Xin hỏi: lỗ hổng ở đâu mà lại để người ta nuôi cả một đàn hổ trong nhà - giữa khu dân cư mà không ai phát hiện ra hoặc… có ý kiến gì.

Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng: “Chuyên án” chưa từng có trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam - Ảnh 9.

Ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương. Ảnh: Nguyễn Đức

Có thể thấy là bộ máy cơ sở của chúng ta ở chỗ này chỗ khác đang có dấu hiệu "tê liệt". Hoặc họ đang không thực hiện được vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở đó? Thế cho nên: trách người dân 1, thì phải trách tổ chức, lãnh đạo ở cơ sở đó… 2.

Như ở Nghệ An, các vấn đề quá nóng (buôn thú rừng trên diện rộng ở nhiều nơi) mà loạt bài điều tra này phản ánh: xin hỏi Tỉnh ủy Nghệ An liệu có biết không? Nếu không biết và không hành động hiệu quả, thì đó là bệnh quan liêu. Bác Hồ khi xưa đã lên án rất nhiều bệnh quan liêu này. Nếu còn ở tình trạng cao hơn, tức là ai đó bảo kê cho các sai phạm về bẫy bắt, nuôi nhốt, buôn bán, sử dụng động vật hoang dã, thì quá tồi tệ.

Thế nên cái đáng lo lắng là sức chiến đấu và năng lực của bộ máy lãnh đạo. Năng lực ở đây là sự hiểu biết về môi trường, hiểu biết về luật pháp. Sức chiến đấu ở đây là cần nghiêm khắc, khách quan, trung thực, nêu gương, kiểm tra, giám sát, không bị ràng buộc bởi những thứ cá nhân kiểu "họ hàng, quen biết" mà để cho vi phạm tồn tại.

Các nhà báo cứ "rung chuông", điều tra phát hiện đi. Sau đó báo cho cấp tỉnh, nếu cấp tỉnh không đồng tình thì anh báo lên Trung ương. Chúng ta cần nghiêm khắc và dùng toàn bộ sức mạnh của hệ thống chính trị để hành động vì mục tiêu tốt đẹp trong bảo vệ môi trường sống.

Tôi cứ nghĩ thế này: Con hổ nặng như thế, làm sao mà "bé như cái kim" được.

Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng: “Chuyên án” chưa từng có trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam - Ảnh 10.

Thú rừng được các đối tượng buôn bán đưa ra chào hàng với nhóm phóng viên tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Lam Anh

Cũng có những người, họ muốn nhân dịp này để thổi phồng lên cái yếu kém của chúng ta trong quản lý, trong xử lý vấn đề. Không phải ta cứ "chửi" cho sướng miệng mà ta phải điều tra, kiến nghị chính sách trên tinh thần xây dựng.

Làm sao để "tệ nạn" này không xảy ra nữa. Phải "gõ cửa" các cơ quan tổ chức Đảng và chính quyền, đặc biệt là mặt trận tổ quốc các cấp để huy động tổng lực, xử lý các vấn đề một cách hiệu quả và minh bạch nhất.

Đại hội XIII của Đảng cũng đã nói rồi, vấn đề môi trường là một trong những vấn đề đáng báo động và cần được đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: Lời hiệu triệu từ bỏ các tham vọng ích kỷ

"Mỗi người hãy biết hy sinh các tham vọng ích kỉ của mình một ít, giúp thiên nhiên được bảo tồn và phục hồi cho chúng ta và thế hệ mai sau" - GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam chia sẻ với Dân Việt về "những hình ảnh tàn sát thú rừng".

"Nạn buôn bán động vật hoang dã thực sự là một vấn đề nóng. Việt Nam ta cũng là một trong những điểm thế giới cảnh báo tình trạng buôn bán động vật hoang dã, họ đã có nhiều động thái quan trọng nhằm kiềm chế tình hình.

Việc buôn bán động vật hoang dã từ các nước Lào, Campuchia, Myanmar chuyển sang Việt Nam rồi Việt Nam buôn bán sang các nước khác hoặc tiêu thụ trong nước… cũng dần được xiết chặt.

Chính phủ cũng rất quyết tâm thực hiện điều này, cụ thể, trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như Luật Lâm nghiệp năm 2017 đều cấm tuyệt đối các hành vi trên.

Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng: “Chuyên án” chưa từng có trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam - Ảnh 11.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam. Ảnh: Hoàng Chiên

Theo tôi, để cải thiện tình hình còn khá là phức tạp như loạt bài của Dân Việt đã chỉ ra, thì các lực lượng hải quan, công an, kiểm lâm phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa. Vì tính chất xuyên quốc gia, sự siêu lợi nhuận của loại tội phạm buôn bán "hàng rừng" này.

Bài toán đặt ra là: bây giờ làm sao có hành động cụ thể để tuân thủ các chủ trương hết sức đúng đắn trên. Không chỉ nói mà phải làm thật sự cho mục tiêu đó. Phải có những chính sách, pháp luật và thứ căn bản nữa là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho dân, bằng mọi giá phổ biến một cách hiệu quả giá trị quý báu của loài động vật trong hoang dã đối với con người và sự phát triển bền vững của thiên nhiên. Nó có các chức năng về sức khoẻ, sinh thái; văn hóa và cả tâm linh.

Nó có nhiều chức năng và các giá trị đôi khi còn màu nhiệm nữa. Từ đó, cùng với nâng cao nhận thức, kêu gọi vận động, cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý, thậm chí xử lý hình sự, nhằm kiềm chế các tham vọng ích kỉ, muốn "ăn thịt" hết các loài hoang dã, muốn buôn bán vận chuyển chúng để trục lợi, bất chấp các hậu quả mà cả cộng đồng và thế hệ mai sau phải gánh chịu.

Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng: “Chuyên án” chưa từng có trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam - Ảnh 12.

Nanh hổ, răng hổ, các sản phẩm liên quan đến hổ được các đối tượng buôn bán trưng ra để gạ chúng tôi mua, trong ngày hai bên gặp nhau tại xã Đô Thành, trước thời điểm công an phá án giải cứu 17 cá thể hổ trưởng thành. Ảnh: Dân Việt

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Nên sử dụng chất thay thế tương đương các sản phẩm từ động vật hoang dã

TSKH Nghiêm Vũ Khải là Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII và XIV, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp KH&KT Việt Nam. Sau khi đọc loạt phóng sự "Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng" trên Dân Việt.

"Tôi thấy rằng, dịch COVID-19 đang và sẽ khiến mọi người thấm thía hơn, sự cân bằng đa dạng sinh học bị phá hủy đang làm phát sinh các loài có hại tạo mầm mống để sinh ra các bệnh, dịch và những tổn thất không thể nào đo đếm được.

Thế giới sinh vật xuất hiện hàng trăm triệu năm luôn có sự tiến hóa, cân bằng tự nhiên. Khi con người phá hủy cái cân bằng ấy sẽ tạo ra những hệ lụy hiện tại và nguy cơ tiềm ẩn. Những hành vi của người đương thời có thể đem lại những hậu quả tai hại cho thế hệ mai sau - điều mà không ai muốn.

Tôi xin nêu một ví dụ về văn hóa sống hài hòa của người Nhật.

Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng: “Chuyên án” chưa từng có trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam - Ảnh 13.

TSKH Nghiêm Vũ Khải là Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII và XIV, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp KH&KT Việt Nam. Ảnh: NVCC

Chúng ta vẫn khuyến khích sử dụng các bài thuốc gia truyền, thuốc đông y, các phương pháp chữa bệnh truyền thống. Không phải một sớm một chiều mà chúng ta có thể xóa bỏ nhận thức về công hiệu như "thần dược" của những bài thuốc gia truyền, trong đó có nói đến các sản phẩm từ ĐVHD. Các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc là nơi tồn tại tập quán này từ xa xưa.

Tuy nhiên, ví dụ như Nhật Bản, người ta đã sản xuất những chất thay thế tương đương với sản phẩm từ ĐVHD. Tuy không còn các thành phần từ ĐVHD nhưng các loại thuốc, thực phẩm chức năng đó vẫn được người "có thói quen" dùng ĐVHD kia… tin dùng!

Như một loại thuốc trợ tim, trước đây người Nhật sử dụng nhiều thứ chiết xuất từ ĐVHD, gần đây họ sử dụng các thứ khác không phải ĐVHD mà công dụng vẫn tốt và được nhiều người tin dùng.

Tôi có thời gian dài làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản nên tôi biết đây là một quá trình thay đổi rất khó khăn. Từ trách nhiệm, thái độ ứng xử quốc gia đối với Công ước Washington (CITES) đến ý thức của người dân tạo nên một sức ép lên Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách buộc họ phải thay đổi.

Và cuối cùng, các nghiên cứu khoa học và công nghệ đã giúp giải bài toán khó ấy một cách thành công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem