Còn nhớ những ngày đầu dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, từ những trường hợp dương tính đã đủ khiến nhiều người lo sợ. Cho đến khi số ca dương tính tăng lên nhanh chóng, tại Hà Nội, ngay trong đêm, thành phố ra chỉ thị thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ thị ban hành trong đêm, áp dụng từ sáng sớm hôm sau đã khiến nhiều người không kịp trở tay, đặc biệt là nhóm người yếu thế như sinh viên, lao động tự do, công nhân... Hàng nghìn người khó khăn về công việc, cuộc sống, bị mắc kẹt tại Hà Nội trong tình trạng chưa biết ngày mai sẽ ra sao.
Nhà báo Tống Hương - Phó trưởng Ban Bạn đọc Báo NTNN/Điện tử Dân Việt, phụ trách mảng từ thiện xã hội, bồi hồi nhớ lại: "Cuối tháng 7/2021, tôi liên tục nhận được những cuộc điện thoại cầu cứu, trong đó chủ yếu là những lao động nghèo và cả những em sinh viên. Có những người trong nhà chỉ còn đủ lương thực thực phẩm trong ngày, đến ngày mai họ sẽ phải nhịn đói".
Những ngày thực hiện Chỉ thị 16, người ta mới nhìn rõ hơn một góc khác của cuộc sống ở Hà Nội. Đó là sự khó khăn, thiệt thòi của tầng lớp yếu thế trong xã hội, với cuộc sống bấp bênh. Họ không có đủ điều kiện để tích trữ đủ lương thực, thực phẩm.
Bởi từ trước đó, không ít người bị mất việc. Không được đi làm đồng nghĩa với việc không có tiền để trang trải cuộc sống. Họ chủ yếu là những con người rời quê hương, lên Thủ đô để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn, kiếm được tiền để nuôi sống bản thân và gửi về giúp gia đình. Dịch Covid-19 ập đến, lệnh giãn cách xã hội, hạn chế đi lại đã làm cuộc sống vốn đã khó khăn của họ càng thêm khó khăn.
Có những người đã từ bỏ giấc mơ, từ bỏ mảnh đất phồn hoa để trở về quê hương, nhưng cũng có những người cố gắng bám trụ lại đến phút cuối. Để rồi không còn chuyến xe nào khi ấy đưa họ về quê hương…
Bà Phí Thu Hà – một bạn đọc tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện của Báo NTNN/Dân Việt, bày tỏ: "Mặc dù biết ở đâu cũng có người nghèo, nhưng tôi không nghĩ ngay giữa Hà Nội khi đó, ngay bên cạnh những khu chung cư, biệt thự sang trọng, lại có không ít những hoàn cảnh nghèo đói không khác gì những người ở tận vùng sâu xa, miền núi.
Họ sống lay lắt vì thiếu thực phẩm. Nhiều người thậm chí đối diện với nguy cơ vô gia cư vì không có tiền trả tiền thuê trọ. Khi tôi cùng đoàn thiện nguyện đến với xóm trọ trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ), đôi vợ chồng vừa khóc vừa nói với chúng tôi họ đã không được ăn cơm đã 2 tuần rồi. Họ chỉ dám nấu ăn chung mỗi bữa 1 gói mỳ tôm cùng rau dại hái quanh xóm".
Không chỉ tại Hà Nội, cùng lúc đó, tại Bình Dương và TP.HCM cũng rất nhiều người dân thiếu thốn nhu yếu phẩm thiết yếu, thậm chí có những gia đình có em nhỏ khóc lóc vì không được ăn đủ đầy…
Ghi nhận thực tế và trước những lời kêu cứu đó, những người làm công tác từ thiện xã hội của Báo NTNN/Dân Việt đã quyết tâm để không một ai bị bỏ lại phía sau. Bằng tất cả cố gắng, bỏ qua mọi nguy hiểm, họ xông pha để hỗ trợ những người dân gặp khó khăn đang mắc kẹt tại Hà Nội.
Nhớ lại những chuyến hàng cứu trợ được chuyển đến tòa soạn trong đêm, gái trai chẳng phân biệt yếu khỏe, ai cũng cố gắng bốc hàng thật nhanh, để ngay lập tức chia thành từng phần quà. Mọi công việc đều phải diễn ra nhanh chóng bởi có rất nhiều những người lao động và sinh viên mắc kẹt lại Hà Nội đang phải nhịn đói ngoài kia.
Mọi người đều cố gắng động viên lẫn nhau, không ai than vãn nửa lời. Cả ngày làm việc hết mình, đến khi được ăn những bát mì tôm pha vội nhưng ai cũng cảm thấy thật ngon. Anh Lê Minh Tiến (Ban Bạn đọc Báo NTNN/Dân Việt) chia sẻ: "Chúng tôi hiểu được công việc của mình khi ấy thật cao cả. Được ra đường để giúp đỡ mọi người đã là một niềm hạnh phúc lớn lao".
Với vai trò là một tờ báo đồng hành với người dân, chúng tôi hiểu rằng người dân càng khó khăn bao nhiêu, chúng tôi càng phải dốc hết sức mình để giúp đỡ người dân bấy nhiêu".
Nhà báo Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng biên tập Báo NTNN
Tại TP.HCM và Bình Dương, những thùng mỳ tôm, khẩu trang, hay chai mắm, gói muối, rau củ quả được gửi đi trong đêm trên những chiếc xe tải, đảm bảo kịp đến với bà con đang gặp khó khăn.
Nhà báo Tống Hương xúc động khi nhớ đến ngày mà cả đội làm công tác từ thiện xã hội đã thấm mệt vì làm việc với cường độ cao hàng chục ngày trước đó: "Khi đó tôi hiểu rằng cả đội đã có dấu hiệu xuống sức. Cùng với đó, việc chúng tôi đi tiên phong đã khiến nhiều nhóm từ thiện khác cũng vào cuộc, nên có thể chúng tôi dừng lại được rồi. Nhưng khi tôi hỏi các thành viên trong nhóm có muốn dừng lại không, tôi đã rất xúc động khi nghe mọi người nói rằng: Không, chị ơi, chúng em muốn làm đến cùng".
Thay vì dừng lại, tất cả đã lựa chọn việc tiếp tục cố gắng. Bởi ai cũng biết, công việc mình làm lúc này rất quan trọng. Biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn ngoài kia đang cần được trợ giúp.
Giữa đại dịch, người ta càng thấy rõ hơn về tình yêu thương, sự đoàn kết của con người Việt Nam. Có bạn sinh viên bị mắc kẹt lại Hà Nội, nhưng chỉ dám lấy bì gạo: "Cô cho con xin bao gạo thôi. Chai mắm của con vẫn còn, trứng con cũng còn vài quả, vậy chắc đủ để con cầm hơi đến khi đợt giãn cách này kết thúc. Cô chú hãy chia sẻ phần còn lại cho những người khó khăn hơn con".
Một người đàn ông nhỏ thó, sau khi nhận phần quà nhỏ mà báo trao, ông chia sẻ: "Tôi bị bệnh tim phải điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, từ ngày Hà Nội giãn cách, tôi không thể đi bán cây được nên không còn tiền thuê phòng trọ. Tôi đành lấy hiên nhà làm giường, nhờ người nhà bệnh nhân nấu giúp thức ăn cho 3 ngày rồi cho vào thùng đá để bảo quản, còn cơm thì tôi đi xin để ăn. Nay được báo giúp phần quà này tôi mừng lắm, vậy là tôi lại có gạo để nấu cơm, có trứng để ăn. Cảm ơn báo và các nhà hảo tâm rất nhiều".
Những chia sẻ đó đã thật sự chạm đến trái tim của đội từ thiện, truyền thêm sức mạnh và ý chí để các thành viên quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 ở Hà Nội hồi tháng 7-8/2021, Báo NTNN/ Dân Việt đã trao 20.000 suất quà hỗ trợ cho người lao động nghèo, sinh viên bị mắc kẹt (mỗi suất quà gồm gạo, mì tôm, trứng, mắm, muối, dầu ăn, khẩu trang…). Tại TP.HCM và Bình Dương, báo cũng đã hỗ trợ hàng nghìn khẩu trang và những suất ăn nghĩa tình cho các bác sĩ tuyến đầu chống dịch.