Từ ngày 18/6, Sở GTVT Hà Nội bắt đầu thí điểm tổ chức lại giao thông (phân luồng giao thông) một số nút giao hay xảy ra ùn tắc như Ngã Tư Sở, Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân - đường Nguyễn Thị Thập, Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh.
Việc phân lại luồng giao thông ở những điểm này đã được thông báo và cắm biển phân luồng rõ ràng. Tuy vậy, theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trong những ngày đầu tiên thực hiện phân luồng, nhiều người tham gia giao thông chưa kịp thích ứng với tình hình mới.
Anh Bùi Thái Nam ở phường Đại Kim, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay, tại nút giao Ngã Tư Sở hướng Nguyễn Trãi - Trường Chinh thường xuyên xảy ra ùn tắc theo hướng đường Trường Chinh đi đường Láng, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng và cuối giờ chiều.
Trước đây mọi người lưu thông từ Nguyễn Trãi (hướng đi Tây Sơn) đến nút giao này có thể rẽ trái sang đường Láng được. Tuy nhiên, hiện nay, với việc phân luồng mới, phương tiện phải rẽ phải sang đường Trường Chinh khoảng 700m mới được quay lại đi thẳng đường Láng hoặc rẽ phải đi Tây Sơn.
Tuy nhiên, với cách phân luồng mới anh Nam lo ngại tình trạng ùn tắc sẽ trầm trọng hơn, xung đột giao thông có thể vẫn tiếp tục xảy ra.
Tương tự, tại một nút giao khác cũng là điểm nóng ùn tắc giao thông, nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh (Nam Từ Liêm) được lực lượng chức năng đặt biển cấm các phương tiện rẽ trái từ Tố Hữu vào Vũ Trọng Khánh. Các phương tiện sẽ đi thẳng và quay đầu tại điểm mở cách 300m theo hướng Tố Hữu đi Vạn Phúc.
Với cách phân luồng mới này, chị Nguyễn Kim Phượng ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông cũng cho rằng, khu vực này thường xuyên xảy ra ùn ứ, trong khi đó tuyến đường nhỏ hẹp.
"Bởi vậy, tôi rất lo ngại việc phân luồng như thế có thể giải quyết được ùn tắc ở điểm này nhưng lại dồn phương tiện sang điểm khác và rồi có thể lại tắc ở đó", chị Phương bộc bạch.
Ông Khương Văn Tạo, chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về giao thông đô thị cho hay, đối với việc tổ chức giao thông có nhiều nguyên tắc khác nhau và sẽ tương ứng với từng điểm, vị trí giao thông, lưu lượng phương tiện.
Nguyên tắc thứ nhất là tổ chức giao thông đi theo quy luật giao thông tay phải, tay trái, tức là mọi người đi tự do. Nguyên tắc này áp dụng khi lưu lượng giao thông thấp.
Khi lưu lượng giao thông tăng lên, cơ quan quản lý sẽ tổ chức các đảo giao thông, tức là phân luồng, tổ chức hướng đi để cho các phương tiện tránh va chạm. Hình thức này có thể sẽ xuất hiện các hướng đi gây xung đột, ùn tắc.
Còn khi lưu lượng giao thông đông đúc, người ta tổ chức bằng các đèn tín hiệu giao thông để phân luồng phương tiện.
Đối với các nút giao thông ùn tắc, cơ quan quản lý sẽ tổ chức giao thông theo hướng khác mức, tức là dùng các cầu vượt, hầm đường bộ để giải quyết vấn đề ùn tắc.
"Thông thường với các điểm giao thông có lưu lượng giao thông quá lớn người ta thường tổ chức phối hợp giữa các hình thức như xây các cầu vượt, hầm đường bộ hoặc phối hợp với các đảo giao thông để làm sao giao thông qua khu vực đấy hợp lý nhất, không ùn tắc. Và các "điểm đen" về giao thông cũng vậy, cơ quan quản lý cần phải có nghiên cứu, tính toán cụ thể để đưa ra phương án hợp lý nhất", ông Tạo chia sẻ.
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, Sở GTVT Hà Nội đã từng tổ chức nhiều hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, đơn vị về việc phân luồng giao thông. Như vậy, trước khi thực hiện, họ đã có nghiên cứu, tính toán cụ thể và việc tổ chức này đều nhằm hướng tới mục tiêu giao thông thông thoáng.
Đối với từng điểm đen giao thông, ông Liên cho rằng, các đơn vị quản lý cần phải có nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện. "Và khi đã làm rồi cần phải có thời gian cụ thể, có thể là mất 1 tháng. Nếu như, lúc đó việc tổ chức, phân luồng đó tốt ta tiếp tục thực hiện, còn chưa ổn ta điều chỉnh", ông Liên nói.