Các rủi ro liên quan đến kinh tế vĩ mô chi phối lớn lên thị trường
Tuần qua, Cục dữ trữ Liên Bang Mỹ (Fed) thông báo quyết định tăng lãi suất lần thứ ba kể từ sau quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay do đại dịch.
Cụ thể, Fed quyết định tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, lên mức 1,5% - 1,75% (đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994). Ngoài ra, Fed cũng hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế 2022 (từ 2,8% xuống 1,7%) trong khi nâng dự báo lạm phát cho cả năm 2022 (tăng từ 4,3% lên 5,2%).
Trong ngắn hạn, có thể thấy kỳ vọng về đợt tăng này phần nào đã được phản ánh trong những phiên vừa qua sau khi số liệu lạm phát ở Mỹ trong tháng 5 đạt mức cao đạt 8,6%, và vượt kỳ vọng của thị trường 8,2%.
Dài hạn hơn, cũng cần lưu ý, quá trình tăng lãi suất của Fed vẫn chưa chấm dứt khi mức lãi suất trong dài hạn cũng được Fed nâng lên 3,8% và dự kiến mức tăng trong cuộc họp tháng 7 có thể lên tới 75 điểm cơ bản.
Theo các chuyên gia nghiên cứu tại Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhìn chung các biện pháp tăng lãi suất giai đoạn này hướng tới mục tiêu kìm hãm sự gia tăng của cầu, trong khi áp lực lạm phát chủ yếu do giá cả hàng hóa, nguyên nhiên liệu tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng và bất ổn địa chính trị làm sụt giảm nguồn cung.
Do đó mức độ hiệu quả của việc tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát có thể không cao và thậm chí có thể tác động ngược theo chiều hướng tiêu cực, đặc biệt khi xét tới chi phí lãi vay, khiến cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp càng khó khăn hay nói cách khác, tình trạng thiếu hụt nguồn cung càng thêm trầm trọng.
Tổng hợp lại, với định hướng chính sách "diều hơn" hơn, các chuyên gia duy trì quan điểm đồng USD lên giá so với ngoại tệ mạnh khác. Từ đó dẫn đến khả năng VND giảm giá tương đối so với USD.
Điều này cho thấy bài toán khó trong tương lai đối với Ngân hàng Nhà nước khi đảm bảo mục tiêu liên quan đến lạm phát và sự cân đối trong tương quan về chính sách tiền tệ so với các quốc gia khác khi nhiều NHTW đã tăng lãi suất nhằm ứng phó với lạm phát.
Theo đó, không loại trừ khả năng NHNN có thể cân nhắc sử dụng thêm công cụ lãi suất trong giai đoạn tới. Đối với thị trường chứng khoán, VCBS cho rằng các rủi ro liên quan đến kinh tế vĩ mô vẫn sẽ tiếp tục chi phối lớn lên thị trường trong giai đoạn tới.
Trước đó, các chuyên gia phân tích tại chứng khoán VnDirect cũng cho rằng, việc Fed đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, dư địa để NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đang ngày một thu hẹp. Nếu NHNN có "xuất chiêu", theo các chuyên gia khả năng cao sẽ diễn ra vào quý IV/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5%.
Thông tin tới PV Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu điều hành linh hoạt kiểm soát lạm phát góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Tú cho biết, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo đó, NHNN điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần ổn định thị trường tiền tệ.
Về điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Thông tin thêm tại cuộc họp, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, sau khi Fed điều chỉnh lãi suất ngày 15/6 với mức điều chỉnh lớn nhất kể từ 1994 trở lại đây, thị trường trong nước biến động rất nhẹ, lãi suất huy động và cho vay được duy trì ổn định. Đây là một sự nỗ lực rất lớn trong điều hành và NHNN đã thực hiện đúng tôn chỉ bám sát điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát.
Theo thống kê của NHNN, riêng trong năm 2021 có tới 113 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Trong khi đó tại thị trường trong nước, NHNN và các ngân hàng thương mại vẫn thực hiện 3 đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Mức hạ lãi suất tại Việt Nam theo đó cũng là mức giảm nhiều nhất trong khu vực ASEAN.
Xu hướng tăng lãi suất vẫn còn tiếp tục gia tăng và riêng trong 5 tháng đầu năm 2022 đã có 144 lượt tăng lãi suất trên thế giới. "Điều này cho thấy việc chúng ta duy trì được mặt bằng lãi suất như hiện tại là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh hiện tại để hướng tới mục đích giữ lãi suất cho vay hợp lý, không gây gánh nặng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp và người dân"- ông Quang nói.