Dân Việt

Trước ông Nguyễn Đức Chung, những cựu lãnh đạo cấp cao nào cũng kêu oan khi ra tòa?

Bách Thuận 21/06/2022 08:33 GMT+7
Sau khi bị tuyên án sơ thẩm trong vụ mua bán chế phẩm Redoxy 3C, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung kháng cáo kêu oan. Trước ông Chung, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng hay Trịnh Xuân Thanh… cũng từng kêu oan.

Hôm nay (21/6), Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bước sang ngày làm việc thứ 2, xét kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ mua bán chế phẩm làm sạch nước hồ Redoxy 3C trái quy định, gây thiệt hại 36 tỷ đồng ở Hà Nội.

Với cáo buộc phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", ông Chung bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù. Ông Chung kháng cáo, cho rằng, bản án sơ thẩm kết án mình phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là không đúng, bản thân không phạm tội này.

Trước ông Nguyễn Đức Chung, ông Trịnh Xuân Thanh, Tất Thành Cang cũng từng kêu oan - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung kêu oan trong vụ mua sắm chế phẩm Redoxy 3C. Ảnh: XA

Trở lại các diễn biến trước đó, lịch sử tố tụng từng ghi nhận nhiều trường hợp cựu quan chức, cựu lãnh đạo các công ty từng kêu oan khi bị đưa ra xét xử như cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh – cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) hay như mới nhất là bị cáo Tất Thành Cang – cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Cụ thể, trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" gây thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng, xảy ra tại Bộ Công Thương và một số đơn vị liên quan, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội trước đó đã tuyên phạt ông Vũ Huy Hoàng 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Trước ông Nguyễn Đức Chung, ông Trịnh Xuân Thanh, Tất Thành Cang cũng từng kêu oan - Ảnh 2.

Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng từng kêu oan. Ảnh: XA

Ông Hoàng sau đó kháng cáo, đề nghị cân nhắc giảm nhẹ hình phạt, xem xét toàn bộ hành vi của bị cáo trong vụ án để xác định lại tội danh. Trong phiên phúc thẩm, đối đáp lại quan điểm tranh luận của luật sư bào chữa cho ông Hoàng, phía Viện Kiểm sát xác định bị cáo Vũ Huy Hoàng phạm tội với ý thức chủ quan, hoàn toàn cố ý làm thất thoát 2.700 tỷ đồng. Vì vậy, việc truy tố, xét xử đối với bị cáo về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" là đúng người, đúng pháp luật, việc bị cáo kêu oan là không có cơ sở chấp nhận.

Hội đồng xét xử phúc thẩm sau đó xác định, bị cáo Vũ Huy Hoàng hiện mắc bệnh ung thư đang điều trị trong bệnh viện, hành vi phạm tội là do sai lầm không có động cơ vụ lợi.

Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận một phần kháng cáo và giảm cho bị cáo Hoàng 1 năm tù so với án sơ thẩm.

Trước ông Nguyễn Đức Chung, ông Trịnh Xuân Thanh, Tất Thành Cang cũng từng kêu oan - Ảnh 3.

Bị cáo Tất Thành Cang. Ảnh: N.Nhi/PLO

Với trường hợp của bị cáo Tất Thành Cang, ông này bị cáo buộc có sai phạm trong vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO cho Công ty Nguyễn Kim. Ông Tất Thành Cang bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Vị cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM sau đó kháng cáo kêu oan, khẳng định không làm sai chủ trương, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét hành vi của mình một cách khách quan, toàn diện.

Sau nghị án, với các hành vi vi phạm của các bị cáo, đồng thời xem xét, cân nhắc tất cả mọi tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 8 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" (giảm so với án sơ thẩm).

Còn với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại PVC, ông Thanh bị tuyên phạt 14 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", tù chung thân về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội danh là tù chung thân.

Sau án sơ thẩm, Trịnh Xuân Thanh kháng cáo kêu oan. Bị cáo Thanh cho rằng, bị cáo không tham gia vào các hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Theo đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại cho bị cáo về cả 2 tội danh nói trên và xem xét lại toàn bộ trách nhiệm hình sự, dân sự cho bị cáo.