Tràn lan xâm phạm bản quyền
Họ lấy lại video từ bản điện tử của báo và "không mua, không hỏi một lời và cũng không đề tên tác giả", Nam nói. Ngoài đăng trên web du lịch, những người "trộm clip" còn đẩy lên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá thương hiệu của mình.
Sau một tháng khiếu nại, công ty quản lý web du lịch sợ bị Google "đánh giá xấu" nên tìm gặp, xin anh Nam không "báo cáo" và họ sẽ tự gỡ clip. Anh đồng ý nhưng cho hay, rất đau lòng khi sản phẩm công phu, tốn kém về cả thời gian lẫn tiền bạc của mình bị "đánh cắp trắng trợn".
"Họ lấy lại cũng được, nhưng đáng ra phải ghi nguồn, ghi tác giả", anh nói.
Chụp ảnh và quay video cho các báo nhiều năm, Nam cho hay những tác phẩm media thường bị sao chép, trộm qua nhiều hình thức khác nhau, kể cả khi tòa soạn đóng logo. Đó có thể là copy nguyên trạng hoặc đảo chiều ảnh, cắt cúp, làm nhòe logo, chú thích sai nội dung ảnh…
Đối tượng copy đa dạng, từ các kênh Youtube, những trang tin tổng hợp, web nước ngoài và đáng buồn, là từ chính các đồng nghiệp tại cơ quan báo chí khác. Phóng viên khi gặp tình trạng tác phẩm của mình được "phổ biến rộng" cũng chỉ biết an ủi nhau: "Mình có chụp đẹp, quay tốt người ta mới copy".
Cơ quan chức năng hiện chưa có thống kê cụ thể về tình trạng xâm phạm quyền tác giả trên báo chí, nhưng tình trạng này khá phổ biến. Số liệu năm 2021, các kênh K+, VTVCab đã yêu cầu hạ, xóa 15.400 đường link, 30.000 video trên Facebook, 8.000 video trên Youtube vì vi phạm bản quyền; Báo Tuổi Trẻ phát hiện, khiếu nại hơn 16.000 tác phẩm của mình bị các trang tin tổng hợp lấy nguyên văn...
"Không có biện pháp triệt để"
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Công ty Truyền thông Lê, cho hay, chưa xác định được quy mô tình trạng vi phạm bản quyền báo chí, nhưng về hình thức, nó xảy ra tràn lan, rất nhiều. Người vi phạm có thể copy nguyên trạng hoặc một phần bài báo; làm biến tướng bài gốc hoặc dùng thủ thuật đánh lừa công cụ phát hiện vi phạm bản quyền. Ví dụ, có công nghệ phát hiện việc "ăn trộm ảnh" nhưng người vi phạm lại dùng cách "lật ảnh để đánh lừa".
Nguyên nhân tình trạng này theo ông Vinh, đầu tiên phải kể đến: "Việc copy về quá dễ dàng, hơn nhiều so với tự sản xuất". Các cơ quan báo chí cũng không có biện pháp triệt để nào bảo vệ bản quyền của mình, dù đóng logo vẫn có thể bị cắt cúp; một số nơi rất cố gắng, dùng công nghệ cấm tải ảnh nhưng người muốn lấy lại "chụp màn hình".
Thứ 2, khi sự việc vi phạm bản quyền báo chí được phát hiện, cũng "không có sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính tòa soạn bị vi phạm cũng như cơ quan chức năng", theo ông Vinh. Ông cho hay, phổ biến nhất là phóng viên khi phát hiện tác phẩm của mình bị trộm sẽ: "Kêu ầm ĩ lên trên mạng xã hội, mong người vi phạm ngại rồi gỡ bỏ".
Cách trên chỉ áp dụng được khi bên vi phạm là những toà soạn khác hoặc web của cơ quan nhà nước. Với những trang, kênh không rõ địa chỉ, thuộc dạng "trọc đầu, không có tóc", người bị xâm phạm tác quyền chỉ còn cách "thôi kệ".
Nguyên nhân thứ 3, luật pháp chưa có quy định cụ thể đi kèm "chế tài mạnh" để xử lý vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Ngay trong 10 quy định đạo đức người làm báo Việt Nam cũng không có nội dung nào "cấm xào xáo của đồng nghiệp". Ông Vinh cho rằng, nên bổ sung thêm những quy định bảo hộ quyền tác giả với sản phẩm báo chí.
"Khó xử lý vi phạm"
Đây là ý kiến của luật sư Bùi Phan Anh, Công ty Luật Sen Vàng. Theo luật sư, tình trạng tác phẩm báo chí "bị đánh cắp tràn lan" gây ảnh hưởng xấu tới chính tác giả và tòa soạn, thậm chí làm giảm doanh thu.
"Với thông tin độc, hấp dẫn, lượng đọc cao sẽ giúp báo chí có doanh thu tốt. Nếu thông tin đó bị nhiều nơi khác dẫn lại không xin phép, bạn đọc sẽ bị chia sẻ khiến đơn vị giữ bản quyền bị giảm lượt truy cập, tương ứng giảm doanh số quảng cáo", luật sư nhận định.
Dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản hướng dẫn, luật sư Phan Anh khẳng định phóng viên và cơ quan báo chí khi đăng tải sản phẩm thông tin sẽ: "Có đầy đủ quyền nhân thân và quyền tài sản, được pháp luật bảo hộ".
Tuy nhiên, khi tác phẩm của mình bị xâm phạm quyền sở hữu, rất khó để đòi lại công bằng. Theo luật, hành vi xâm phạm tác quyền có thể bị xử lý từ chế tài hành chính, dân sự đến hình sự nhưng cả 3 đều có khó khăn riêng.
Về hành chính, khi nhà báo bị copy tác phẩm có quyền khiếu nại tới chính cơ quan xâm phạm bản quyền của mình hoặc đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý. Thế nhưng, trường hợp bên xâm phạm là cơ quan báo chí khác, họ sẽ ngại không muốn nhắc vì nể nang đồng nghiệp.
Với chế tài dân sự, một vụ kiện liên quan tác quyền thường: "Kéo dài hàng năm tới 10 năm với hàng loạt hoạt động từ thẩm định, xác định thiệt hại, sơ thẩm, kháng cáo, phúc thẩm… nên ít ai dám làm".
Điều 225 Bộ luật Hình sự cũng nêu, người xâm phạm bản quyền có thể bị phạt tiền, cải tạo, thậm chí phạt tù nếu xâm phạm ở "quy mô thương mại" hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên. Khó khăn ở đây, theo luật sư Phan Anh là chưa có hướng dẫn, giải thích thế nào là "quy mô thương mại". Do vậy, nếu video, ảnh trên báo bị những công ty, đơn vị có chức năng kinh tế dẫn lại, như trường hợp của phóng viên Nguyễn Nam ở trên, sẽ rất khó trình báo, đề nghị xử lý.