Bắc Kạn hôm nay đang dần thay da, đổi thịt. Diện mạo ngành nông nghiệp Bắc Kạn đã nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là nhận thức của người nông dân khi hướng đến việc từ bỏ lối làm ăn nhỏ lẻ, liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác sản xuất...
Từ lối sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng được vùng chuyên canh trồng cây dong riềng, diện tích khoảng 800ha; hơn 2.000ha cây chè; hơn 3.000ha cây cam, quýt; 800ha cây hồng không hạt và nhiều loại cây đặc sản, đặc hữu khác.
Theo ngành chuyên môn của tỉnh Bắc Kạn, các sản phẩm trên được xác định là những mặt hàng nông sản chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Nếu như trước đó, sản phẩm nông sản của Bắc Kạn chủ yếu bán thô, thì đến nay, hầu hết đã được chế biến, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế cao. Một số mặt hàng như quả mơ, hay miến dong đã xuất khẩu được sang Nhật Bản và châu Âu.
Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Miến dong Tài Hoan, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn cho biết, để đưa được sản phẩm miến dong của HTX sang thị trường châu Âu cần phải thực hiện theo quy trình rất khắt khe, từ việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch đến các bước như xây dựng trang WEB, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc...
Có thể khẳng định, người nông dân Bắc Kạn đã nhìn nhận được vấn đề và vai trò của sự liên kết để có thể tạo ra được số lượng sản phẩm, tập trung nâng cao chất lượng từ đó sản phẩm cung ứng ra thị trường được tốt hơn.
Ông Đinh Duy Lý, Giám đốc HTX trồng cây ăn quả Khuổi Nằn (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ, trước kia làm nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra không hoặc khó tiêu thụ, dù sản phẩm chưa nhiều nhưng lại rất khó bán.
"Không bán được hoặc khó bán là do hàng hóa ít, tư thương không bõ công vào lấy. Bây giờ mình phải sản xuất theo chuỗi liên kết, hình thành HTX để có nhiều sản phẩm hơn, có vậy mới bán được", ông Lý nhận định.
Trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, phải hỗ trợ mạnh cho các HTX và cơ sở sản xuất để nâng cao khả năng quản lý và chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì. Bà Hoa khẳng định, đây chính là mắt xích để kết nối sản phẩm với thị trường xuất khẩu.
"Nhiệm kỳ này, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025 GRDP đạt 62 triệu đồng/người/năm. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế của tỉnh sẽ dịch chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu xuất khẩu tăng trưởng 10%/năm, chủ đạo là các mặt hàng nông sản", bà Hoa cho biết thêm.