Cầu Thanh Trì quá tải gấp nhiều lần chỉ sau 15 năm
Cầu Thanh Trì được khởi công xây dựng vào ngày 30/1/2002. Sau 5 năm xây dựng, cầu Thanh Trì đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng từ năm 2007.
Theo thiết kế, cầu Thanh Trì có chiều dài 3.084 m, rộng 33,1 m, có 4 làn xe với vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Phần đường dẫn hai đầu cầu dài gần 12.000 m với 5 nút giao thông kết nối khác nhau và có tổng kinh phí 5.700 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản).
Tính đến năm 2022, cầu Thanh Trì được đưa vào sử dụng 15 năm. Với sự phát triển của kinh tế, số lượng phương tiện giao thông không ngừng tăng lên. Từ một cây cầu dự tính tốc độ lưu thông của phương tiện giao thông lên tới 100 km/h thì nay giảm xuống chỉ còn 60 km/h.
Cầu Thanh Trì hiện có lưu lượng phương tiện giao thông qua lại thuộc diện lớn nhất Hà Nội. Đây là cây cầu huyết mạch của tất cả các phương tiện có trọng tải lớn thường xuyên lưu thông theo hướng Quốc lộ 5, Quốc lộ 1.
Sau 15 năm được đưa vào khai thác, lượng phương tiện giao thông qua lại trên cầu Thanh Trì đã lên hơn 120 nghìn lượt xe mỗi ngày, quá tải gấp hơn 8 lần so với năng lực thiết kế. Từ nhiều năm nay tình trạng ùn tắc giao thông trên cầu Thanh Trì diễn ra như "cơm bữa", ngày nào lưu thông qua cầu Thanh Trì mà thông thoáng thì đó là một hiện tượng "lạ".
Không chỉ ùn tắc giao thông, số lượng người bỏ mạng trên cây cầu "tử thần" này cũng không phải ít. Theo con số thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, từ năm 2018 đến năm 2020 số vụ tai nạn có thiệt hại về người đã tăng 62% so với 2 năm trước đó.
Nhiều người hàng ngày khi lưu thông trên cầu Thanh Trì luôn phải nghe ngóng VOV giao thông, hoặc xem tình hình giao thông trên bản đồ. Nếu đen đủi người tham gia giao thông có thể mất hàng giờ đồng hồ chôn chân trên cầu vì tắc đường.
Thời tiết mát mẻ còn đỡ, không may gặp phải trời mưa giông hay nắng như đổ lửa của mùa hè Hà Nội thì không khác gì cảnh "đi đày". Anh Trịnh Văn Huân (Mỹ Đức, Hà Nội), một tài xế lái xe tải đường dài thường xuyên từ Lạng Sơn đánh hàng đi các tỉnh miền Trung chia sẻ:
"Mỗi chuyến đi tôi đều phải căn chỉnh thời gian sao cho phù hợp, khi lưu thông đến cầu Thanh Trì làm sao không rơi đúng vào giờ cao điểm sáng và chiều để tránh ùn tắc giao thông. Tuy vậy, nhiều lần khi đi đến giữa cầu thì có va chạm giao thông, vậy là nằm im tại chỗ hàng giờ đồng hồ để lực lượng chức năng xử lý".
"Người tính không bằng trời tính"
Khổ nhất vẫn là những người sống ở phía Đông Thủ đô, bên kia cầu Thanh Trì, một ngày 2 lần đi về trên cầu bằng xe máy.
"Theo tôi tên gọi "cầu tử thần" mà nhiều người vẫn hay dành cho cầu Thanh Trì cũng có phần đúng. Riêng tôi, mỗi lần đi công tác hay có việc phải đi qua cây cầu này đều phải có sự tính toán kỹ lưỡng để làm sao đi lại hanh thông.
Chẳng hạn, sáng mai có việc ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên thì phải tính xem đi như thế nào từ đêm hôm nay. Nếu công việc diễn ra vào 9h sáng chắc chắn phải dậy thật sớm, lên đường để 6h30 đã đi qua cầu Thanh Trì rồi. Còn công việc diễn ra muộn hơn hoặc chủ động về thời gian thì sẽ đi sau 9h sáng, như vậy mới may mắn làm chủ được thời gian làm việc", anh Phạm Tuyến (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ.
Theo thống kê của Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, 5 năm qua, trên cầu Thanh Trì đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông làm 21 người chết, 35 người bị thương.
Đó chỉ là những vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, còn những vụ va chạm giao thông nhỏ nhặt thì xảy ra như "cơm bữa". Tình trạng ùn tắc giao thông tại đây diễn ra thường xuyên, nhất là khi có tai nạn hoặc phương tiện đơn lẻ gặp sự cố.
Cũng trên cây "cầu tử thần" này, không chỉ có những vụ tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của nhiều người, những vụ va chạm giao thông liên hoàn khi nhiều xe đâm vào nhau... còn có thêm câu chuyện dở khóc dở cười như hàng loạt bác tài xuống xe tháo dỡ rào chắn ở dải phân cách để thoát thân khi không may đang đi ở làn có sự cố.