Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận số 39, ngày 17/05/2022 về thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hà Nội; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội). Trong đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đã điểm mặt những công trình tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính do Vinaconex làm chủ đầu tư, sai phạm trong việc quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính thuộc địa giới hành chính quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân, có 2 khu chính. Trong đó, khu 34ha do Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - thời điểm đó là doanh nghiệp nhà nước) làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành kiểm tra 7 dự án, công trình.
Sau khi kiểm tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra Vinaconex xây dựng công trình sai bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận tại dự án trung tâm dịch vụ số 2, ô đất TN2. Cụ thể, theo quy hoạch công trình 3 tầng. Tuy nhiên thực tế, công trình được xây dựng với 3 tầng nổi và 1 tầng hầm (tầng hầm hiện trạng có tường ngăn thành các phòng, đang sử dụng làm phòng khám đa khoa và chỗ để xe). Quy hoạch là khu vực lối vào và sân vườn, hiện trạng là công trình một tầng, diện tích khoảng 135 m2.
Theo tổng mặt bằng và phương án kiến trúc: Tầng 1 là cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, không gian đa năng (thực tế là văn phòng, dịch vụ giáo dục), tầng 2 là phòng khám, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp (thực tế làm văn phòng), tầng 3 là lớp học thể dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp (thực tế là khu văn phòng, dịch vụ giáo dục đào tạo).
Vinaconex có trách nhiệm khi không quản lý, Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư Phúc Thanh xây dựng, cải tạo, sử dụng công trình sai tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được chấp thuận.
Cơ quan thanh tra đã đề nghị UBND TP.Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy theo thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm.
Tại dự án cải tạo, mở rộng quy mô đào tạo trường mầm non Lý Thái Tổ 2 tại ô đất NT2, chủ đầu tư là Vinaconex cũng bị chỉ ra việc xây dựng cải tạo 2 hạng mục công trình sai quy hoạch được duyệt. Đó là xây tường bao, mái tôn thành phòng khoảng 30m2 tại tầng 2 nhà hiệu bộ (theo quy hoạch là sân chơi ngoài trời). Tiếp đó là xây tường bao thành phòng tại tầng 1 nhà đa năng (theo quy hoạch là sân chơi liên thông với sân chơi ngoài trời). Bên cạnh đó, dự án cải tạo trường tiểu học Lý Thái Tổ, chủ đầu tư cũng xây dựng sai quy hoạch được duyệt với chỉ tiêu tối đa là 3 tầng, còn thực tế đã thi công xong 4 tầng.
Tiếp đến, tại khu công viên giải trí số 1 – lô đất CX2, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận, - Sở Quy hoạch - Kiến trúc 2 lần điều chỉnh, UBND TP.Hà Nội 6 lần điều chỉnh quy hoạch sai quy định của pháp luật, tính mật độ xây dựng sai, đã điều chỉnh ô đất CX2 từ trồng cây xanh, sân bãi thể thao, cho phép kết hợp các dịch vụ nhỏ phục vụ nhu cầu thể thao, sách báo, bưu điện... thành xây dựng công trình có diện tích xây dựng 226,2m2, mật độ 4,24%, cao 1 tầng, nhà phụ trợ bể bơi diện tích xây dựng 139,69m2, diện tích sàn 285m, rồi bổ sung bãi đỗ xe ngầm phía dưới vườn hoa cây cảnh, điều chỉnh từ bể bơi ngoài trời thành bể bơi có vách và mái che di động, điều chỉnh từ 2 tầng hầm thành 4 tầng hầm, thành nhà điều hành 2 tầng, bể bơi bốn mùa có mái che, 2 tầng hầm dịch vụ và đỗ xe, rồi điều chỉnh không xây dựng tầng hầm đỗ xe dưới diện tích công viên cây xanh, rồi bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng tại diện tích 2,682m2 ô CX2-A dẫn đến giảm diện tích cây xanh.
Vinaconex lập dự án khu công viên giải trí số 1 sai quy hoạch, UBND TP.Hà Nội cho phép Vinaconex chuyển nhượng dự án cho Công ty Cổ phần bể bơi thông minh khi Vinaconex lập, phê duyệt dự án sai quy hoạch.
Chủ đầu tư xây dựng công trình, hạng mục công trình sai quy hoạch, UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Trung Hoà, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận không xử lý triệt để các vi phạm.
Chủ đầu tư xây dựng công trình sai quy hoạch, chưa có đủ cơ sở để được miễn giảm tiền sử dụng đất.
Tại dự án Trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp và hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống tại ô đất CN do Vinaconex làm chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng phát hiện một số vi phạm.
Cụ thể, công trình đã hoàn thành và đưa sử dụng năm 2016, nhưng ngày 12/6/2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét điều chỉnh. Ngày 24/7/2018, Văn phòng UBND TP.Hà Nội có văn bản số 186 thông báo kết luận của UBND TP.Hà Nội thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục điều chỉnh.
Ngày 15/11/2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có văn bản số 7028 hướng dẫn thủ tục điều chỉnh quy hoạch, đã điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 ô đất có chức năng dịch vụ thành gara, văn phòng, thương mại, dịch vụ; diện tích đất từ 3.611m2 thành 3.465m2, diện tích xây dựng từ 1.774,2m2 thành 1.686m2; mật độ xây dựng từ 40,75% thành 49%, tầng cao từ 3 tầng thành 24 tầng.
Do việc điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán sự đáp ứng hạ tầng, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kết luận việc này vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009.
Cũng tại dự án này, cơ quan thanh tra phát hiện chủ đầu tư xây dựng sai tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận.
Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính có diện tích 32ha, do Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư, được phê duyệt lần đầu năm 1998, năm 2001 khởi công xây dựng, và đến 2006 đưa vào vận hành. Đây là dự án từng được coi là một trong những "khu đô thị thương mại kiểu mẫu đầu tiên" ở TP.Hà Nội.
Trước khi có kết luân thanh tra của Bộ Xây dựng, Vinaconex cũng không ít lần bị cư dân khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính lên tiếng phản đối và bị cơ quan chức năng thanh tra vi phạm, xử phạt do cố tình "xé nát" quy hoạch được phê duyệt.
Cụ thể, cuối năm 2008, cư dân khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân chính đã phản ánh bức xúc về việc Vinaconex xây nhà hàng trên diện tích đất lưu không giữa hai tòa nhà chung cư cao tầng 24 T1, 24T2 để trục lợi. Thanh tra Chính phủ sau đó đã vào cuộc kiểm tra toàn diện và kết luận Vinaconex đã xây dựng vi phạm quy hoạch (tại khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính) với tổng diện tích trên 5.500m2 so với quy hoạch chi tiết được UBND TP.Hà Nội phê duyệt năm 2001.
Trong đó, diện tích xây vượt tại các tòa nhà chung cư cao tầng là hơn 2.000m2, xây dựng ngoài quy hoạch được phê duyệt 6 nhà văn phòng trên diện tích gần 2.500m2 đất lưu không nối giữa các tòa nhà chung cư cao tầng. Vinaconex cũng sai phạm khi xây 4 nhà hàng trên diện tích hơn 1.000m2 đất lưu không nằm cạnh 2 tòa nhà chung cư cao tầng 24T1, 24T2. So với khung giá hiện hành của UBND TP.Hà Nội thì giá trị quyền sử dụng đất đối với các diện tích xây dựng vi phạm quy hoạch trên là hơn 84 tỷ đồng.
Tháng 8/2009, Bộ Tài chính quyết định thu hồi gần 900 tỷ đồng tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam Vinaconex, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, số tiền Vinaconex phải nộp lại gồm: Hơn 810 tỷ đồng tiền thặng dư bán cổ phần lần đầu; 6,7 tỷ đồng tiền vốn nhà nước còn tại doanh nghiệp; 73,4 tỷ đồng tiền vốn nhà nước tăng thêm từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến khi chuyển thành tổng công ty cổ phần; 3,9 tỷ đồng tiền Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 chưa nộp; 3,3 tỷ đồng tiền giá trị quyền sử dụng của 513,4m2 đất tại số 53 Lạc Long Quân (Hà Nội).
Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998 của khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính thể hiện, mật độ xây dựng tại khu đô thị này là 34,88% với 8 tòa nhà cao trung bình từ 6,7 - 7,5 tầng. Sau gần 20 năm, qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, đến nay, mật độ xây dựng khu Trung Hòa - Nhân Chính đã tăng lên hơn 50%, với 16 tòa nhà cao tầng, chiều cao từ 17 - 34 tầng, dân số cũng tăng chóng mặt lên gấp 3-4 lần.
Sự quá tải về dân cư là một trong những nguyên nhân khiến khu đô thị xuống cấp nhanh chóng, thiếu không gian vui chơi, giải trí. Mật độ xây dựng tăng nhanh, nhưng hầu hết các tòa chung cư ở đây chỉ có một tầng hầm để xe, dẫn đến việc thiếu chỗ để xe trầm trọng. Phần lớn ô tô của cư dân hiện nay phải gửi tại bãi trông giữ ngoài trời hoặc dưới lòng đường. Thậm chí, toàn bộ phần vỉa hè, sân chơi các tòa đều bị chiếm dụng để làm bãi đỗ xe.
Tuy nhiên vào thời điểm đó, chủ đầu tư Vinaconex còn có ý định xây dựng thêm một tòa nhà văn phòng kết hợp bãi đỗ xe thông minh 18 tầng tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, dẫn đến sự phản đối kịch liệt của cư dân.