Hoàng hậu Bạch Ngọc là phi của vua Trần Duệ Tông (1337-1377), con gái ông Trần Công Thiệu ở làng Tri Bản (nay là xã Hòa Hải, Hương Khê, Hà Tĩnh). Bà nổi tiếng là người tài sắc, có công giúp vua trị vì đất nước và chống ngoại xâm nên được phong là hoàng hậu.
Năm 1377, hoàng đế Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành rồi tử trận. Lúc này, triều đình lập con trưởng của ông là Trần Nghiễn nối ngôi nhưng không bao lâu đã bị phế truất, giết chết. Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông bèn đưa con trai út lên ngai vàng - tức Trần Thuận Tông. Đến năm 1394, thái thượng hoàng qua đời, quyền hành trong triều rơi vào tay Lê Quý Ly - bố vợ Trần Thuận Tông.
Quan tướng trung thành nhà Trần biết Lê Quý Ly có mưu đồ chiếm đoạt ngôi vua đã bí mật bàn mưu diệt trừ nhưng bị bại lộ, hơn 370 người bị giết chết, lệnh cấm tụ tập được ban bố… khiến đất nước căng thẳng đột độ.
Trước nguy cơ ấy, Bạch Ngọc Hoàng hậu sợ tai họa sẽ ập đến bèn cùng hai anh trai và gia thần thân tín đem con gái là Công chúa Huy Chân và người hầu âm thầm rời khỏi kinh thành về quê cha ở phủ Đức Quang, lộ Nghệ An lánh nạn, sinh cơ lập nghiệp. Tổng cộng có 752 người.
Đáng nói, sau khi rời kinh thành, họ đã có gần 50 ngày đêm gian khổ khiến nhiều người kiệt sức, ốm đau mà chết dọc đường. Vì thế khi về đến quê, đoàn chỉ còn 172 người rồi chọn ngọn núi Trà Sơn (nay là vùng giáp 3 huyện Hương Khê, Can Lộc và Đức Thọ) ở ẩn.
Tại đây, Bạch Ngọc Hoàng hậu đã chiêu mộ được 3.000 người rồi lập nên nhiều làng xóm, khai khẩn 3.965 mẫu ruộng đất, xây dựng kho cất trữ lương thực và nhiều trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm...
Gia nhân, thuộc hạ của hai mẹ con Bạch Ngọc có đến nghìn người. Họ vừa lao động vừa sản xuất, rèn luyện vũ khí, tập luyện võ nghệ để bảo vệ xóm làng và trang trại. Đặc biệt, mọi việc điều hành công việc của bà đều có sự giúp đỡ đắc lực của con gái Huy Chân.
Với thành tựu đạt được, Bạch Ngọc Hoàng Hậu đã trở thành thế lực không nhỏ ở mảnh đất Nghệ An. Tuy nhiên bà rất khôn khéo trong việc che giấu tiếng tăm nên tránh được sự chú ý của quân Minh.
Năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn. Năm 1424, từ căn cứ địa Thanh Hóa, ông đã đưa quân vào Nghệ An chiếm được thành Trà Long (Tương Dương) và Đỗ Gia (Hương Sơn). Sau đó một năm, Đỗ Gia trở thành căn cứ quân sự chủ yếu của nghĩa quân Lam Sơn, sở chỉ huy của Bình Định Vương Lê Lợi đóng tại thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn.
Phụng mệnh của Lê Lợi, tướng Bùi Bị đem quân truy quyét giặc Minh ở vùng Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ (ngày nay). Trong quá trình làm nhiệm vụ, họ đã phát hiện ra trang trại Bạch Ngọc, liền mời về yết kiến vua. Bà đã cùng con gái đến thành Lục niên gặp vua. Tại đây, bà đã xin hiến toàn bộ tiền, lương thực, thực phẩm đã tích trữ được cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh, đặc biệt đồng thuận gả con gái cho Lê Lợi.
Lê Lợi liền cho quân lính sắm sửa lễ vật, chọn ngày lành tháng tốt đến xin cưới công chua Huy Chân về làm thứ thiếp. Ông còn cho xây điện Phượng Hoàng và Ngũ Long làm nơi cư ngụ cho hai mẹ con Hoàng hậu Bạch Ngọc.
Sau đại thắng của khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi lên làm vua (1428), nhớ công đức của Bạch Ngọc Hoàng hậu đã phong tước cho bà là Mậu Quận công, Bảo Chính công thần. Tuy nhiên bà một mực từ chối mọi bổng lộc, ân sủng của triều đình. Bà đã xin vua xây dựng chùa Am, cùng con gái và cháu ngoại tu hành tại đó. Ngày ngày, bà tụng kinh niệm Phật cầu cho đất nước bình an, nhân dân ấm no… Bà mất vào ngày 22/6 niên hiệu Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông.
Nhân dân trong vùng ghi nhớ công ơn đã an táng và lập miếu thờ Bạch Ngọc Hoàng hậu. Sau đó họ còn xây cất thành ngôi đền, thờ phụng hàng ngày đến tận ngày nay.