Âm Lệ Hoa là vị hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc được phong thụy hiệu, nổi tiếng bởi vẻ xinh đẹp và tính cách nhu mì nhân hậu. Cuộc hôn nhân giữa Âm Lệ Hoa cùng Quang Vũ Đế là chuyện tình khiến bao người ngưỡng mộ, ao ước.
Âm Lệ Hoa sinh trưởng tại quận Nam Dương, Tân Dã (gần tương ứng với Nam Dương, Hà Nam ngày nay). Theo Hậu Hán thư, nhà họ Âm có nguồn gốc từ hạ khanh Quản Trọng trứ danh của nước Tề trong thời Xuân Thu, sau sang cư ngụ nước Sở thì được phong làm Âm đại phu, từ đó sửa sang họ Âm.
Âm Lệ Hoa từ nhỏ đã xinh đẹp, duyên dáng, hơn nữa tính tình dịu dàng, hiếu thuận, ở quê hương Nam Dương, Tân Dã tiếng lành đồn xa. Mấy đời nhà họ Âm nổi tiếng hiếu thuận, hiền từ, Âm Lệ Hoa bảy tuổi mất cha, mỗi lần nhớ đến phụ thân nàng sẽ rơi lệ, cho đến mấy chục năm sau vẫn như thế.
Lưu Tú là cháu chín đời của Hán Cao Tổ Lưu Bang, nhưng qua nhiều đời đã không có quan tước, chỉ còn một ít ruộng đất, miễn cưỡng có thể xem như phú nông. Chàng có quan hệ thông gia với nhà họ Âm, anh rể kiêm tri kỷ của chàng – Đặng Thần là thân thích với mẫu thân Đặng thị của Âm Lệ Hoa. Khi Lưu Tú còn làm việc nhà nông, buôn bán lương thực cho gia tộc, chàng thường đến Tân Dã gặp vị anh rể này để tâm sự, chính mối quan hệ này đã giúp chàng dắt chỉ đỏ.
Lưu Tú lớn hơn Âm Lệ Hoa mười tuổi. Lúc mới gặp, Âm Lệ Hoa còn là cô bé ngây thơ, chưa đến tuổi đàm hôn luận gả, trong khi Lưu Tú vừa qua tuổi đôi mươi, khí khái hào hùng phấn chấn, lịch sự tuấn tú, trong sử sách có ghi lại. Lưu Tú vừa thấy đã yêu Âm Lệ Hoa, mà tiểu cô nương này cũng rất có thiện cảm với chàng.
Lúc đó, Lưu Tú thật nghĩ mình không xứng, đối với mỹ nhân ngày đêm mong nhớ không dám có tâm tư bày tỏ, chỉ biết thành thật, chăm chỉ, tự tin giao tiếp, hy vọng mỹ nhân quan tâm, để ý.
Cuối cùng, tấm chân tình của Lưu Tú cũng cảm động được mỹ nhân. Năm Canh thủy nguyên niên, Lưu Tú và Âm Lệ Hoa kết hôn.
Sau khi hai người kết hôn, khắp nơi xuất hiện bạo loạn, khởi nghĩa. Âm Lệ Hoa thấy Nam Dương không có gì để Lưu Tú phát triển, bèn đề nghị chồng chuyển đến Hà Bắc, còn mình ở lại để chăm lo gia đình.
Năm Canh Thủy thứ 2, để củng cố lực lượng quân đội trong chiến dịch tiêu diệt Vương Lang, Lưu Tú kết hôn với Quách Thánh Thông, chất nữ của quân phiệt Chân Định vương Lưu Dương.
Năm Canh Thủy thứ 3, Lưu Tú đã rời bỏ Canh Thủy Đế, tự xưng là Hoàng đế triều Hán, cải nguyên Kiến Vũ, tức Hán Quang Vũ Đế. Cuối năm đó, khi chiếm được Lạc Dương làm kinh đô, Lưu Tú đã cử 300 thuộc hạ đến hộ tống Âm Lệ Hoa đến kinh thành, phong làm Quý nhân, cùng tước vị với Quách Thánh Thông.
Kỳ lạ là Quách Thánh Thông xuất hiện, không làm ảnh hưởng đến tình cảm của Lưu Tú dành cho Âm Lệ Hoa. Vị khai quốc hoàng đế vẫn hết mức yêu thương vợ cả, còn có ý định tấn phong nàng làm hoàng hậu.
Thế nhưng lúc đó Âm Lệ Hoa chưa sinh hạ hoàng tử, còn Quách Thánh Thông đã sinh cho Lưu Tú một hoàng tử là Lưu Cương. Thực tế, lúc đó các đại thần trong triều đều cảm thấy người vợ cả Âm Lệ Hoa của hoàng đế vô cùng thừa thãi, khó chấp nhận.
Thấy vậy, Âm Lệ Hoa cũng không hề làm to chuyện, thậm chí liên tục khuyên Hán Quang Vũ Đế nên lập Quách quý nhân làm hoàng hậu. Lý giải hành vi kỳ lạ này của Âm Lệ Hoa, nhiều sử gia cho rằng, Âm Lệ Hoa không chỉ xinh đẹp còn thông tuệ, dĩ nhiên hiểu được rằng chuyện lập hậu có thể ảnh hưởng đến sự bền vững của ngôi vị hoàng đế.
Nàng hiểu rõ, chồng mình đã làm vua một nước, không thể hành động tùy ý nữa rồi. Âm Lệ Hoa cam tâm tình nguyện chỉ là một quý nhân nho nhỏ, tương đương với việc hạ từ vợ cả xuống làm một thiếp thất.
Thế nhưng, mất cái nọ sẽ được cái kia. Mặc dù chỉ là quý nhân, Âm Lệ Hoa lại được Hán Quang Vũ Đế cực kỳ sủng ái, trân trọng. Dần dần, quần thần trong triều cũng bị nhân cách cao thượng, cách đối nhân xử thế hợp tình hợp lý của Âm Lệ Hoa thuyết phục, âm thầm công nhận vị mỹ nhân này là người nhân nghĩa, lương thiện lại khéo léo.
Về sau, khi đã dần thâu tóm được toàn bộ quyền lực, Hán Quang Vũ Đế quyết định phế bỏ Quách hoàng hậu, đưa hồng nhan tri kỷ của mình lên thay, gọi là Âm Hoàng hậu, chính thức lấy lại địa vị vốn có của mình.
Trong Hậu Hán thư có ghi chép, Âm Lệ Hoa có phong thái dịu dàng, tính cách nhẹ nhàng cung kính, “không thích nô đùa, tươi cười đúng lúc đúng chỗ”, là một vị Hoàng hậu hiền huệ hiếm có.
Từ đó, Hán Quang Vũ Đế và Âm Hoàng hậu tình chàng ý thiếp, dù trải qua nhiều biến cố vẫn nắm chặt tay nhau vượt qua. Đến cuối đời, Hán Quang Vũ Đế vẫn chỉ dành tình yêu chân thành nhất, sâu nặng nhất cho Âm Hoàng hậu.
Sau khi bà mất, Âm Hoàng hậu được chôn bà trong lăng mộ Hoàng đế Lưu Tú. Sử sách vẫn còn ca ngợi bà "hữu ái thiên chí", nghĩa là nhân ái; lương thiện vô cùng, không muốn làm đau kẻ khác.
Hậu thế đánh giá bà rất cao, không chỉ do tính tình nhân hậu đúng mực của bà, mà còn do chính bà đã đề ra quy tắc "Hậu cung không can dự chính trường", giúp các triều đại sau tránh nhiều rắc rối.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.