Trong kết luận thanh tra số 39, Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ hàng loạt vi phạm về điều chỉnh quy hoạch, xây dựng tại dự án trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở để bán tại ô đất 3.7-CC (Hà Nội Center Point - 27 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) làm chủ đầu tư.
Cụ thể, ngày 21/5/2004, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 3153 lựa chọn nhà đầu tư, cho chỉ tiêu ô đất 3.7-CC là nhà ở cho thuê, mật độ xây dựng 26,8%, tầng cao 15-17-21 tầng.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc có tờ trình số 563 ngày 13/10/2008, UBND TP Hà Nội chấp thuận quy hoạch định hướng tại Văn bản số 3362/UBND-GT năm 2008 đã tiếp tục điều chỉnh ô đất 3.7-CC nhà ở cho thuê, tầng cao 15-17-21 tầng thành nhà ở 15-25 tầng (tòa 15 tầng đã xây dựng), là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 29 Nghị định 08/2005 của Chính phủ, khoản 3 Phần 6 Thông tư 07/2008 của Bộ Xây dựng.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc cấp Giấy phép quy hoạch số 213/GPQH ngày 30/8/2012 và có Văn bản số 3919/QHKT-TMB-PAKT(P2) ngày 31/8/2015, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc đã điều chỉnh ô đất 3.7-CC từ nhà ở thành hỗn hợp (văn phòng dịch vụ và nhà cho thuê), tăng mật độ xây dựng từ 26,8% thành 52%, tăng tầng cao từ 25 tầng thành 32 tầng là điều chỉnh không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; làm phát sinh tăng thêm dân số, vi phạm Điều 52 Luật Quy hoạch đô thị 2009.
Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ trong kết luận số 39, UBND TP.Hà Nội 1 lần điều chỉnh; Sở Quy hoạch - Kiến trúc 1 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật, đã điều chỉnh từ đất công cộng thành phố thành nhà cho thuê, thành nhà ở, rồi thành hỗn hợp (văn phòng dịch vụ và nhà cho thuê), mật độ xây dựng từ 26% thành 52%, tầng cao từ 15 tầng thành 32 tầng, làm tăng thêm dân số khoảng 1.060 người. Trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm.
Về Giấy phép xây dựng số 23/GPXD ngày 15/4/2016 do Sở Xây dựng cấp, ghi: Hệ số sử dụng đất, màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng theo tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác nhận tại Văn bản 1608/QHKT P4 ngày 7/5/2014, nhưng Văn bản 1608/QHKT-P4 không có các nội dung này nên không có cơ sở cho việc triển khai xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, về quản lý thực hiện xây dựng theo quy hoạch được duyệt, theo giấy phép xây dựng, kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, chủ đầu tư dự án Hà Nội Center Point sai giấy phép xây dựng, vi phạm điểm d khoản 2 Điều 106, khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng 2014. Cụ thể: Tại vị trí trục Y11, lắp dựng thêm 01 thang máy từ tầng 1 lên tầng 3; thay đổi vị trí phòng Ban quản trị tầng 1 từ trục X6-X7 sang trục X5A-X6.
Chủ đầu tư xây dựng sai phương án kiến trúc được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận tại Văn bản số 4370/QHKT-TMB-PAKT (P2) ngày 9/8/2016, vi phạm Khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng 2014. Cụ thể: Tại vị trí sảnh trục Y13 Trung tâm thương mại theo quy hoạch là sân vườn, cây xanh, thực tế lắp dựng khung thép mái kính để kinh doanh, diện tích khoảng 120m.
Vấn đề này, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Chủ đầu tư cần báo cáo vi phạm xảy ra sau khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, đề nghị UBND quận Thanh Xuân kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
Vào tháng 5/2017, tại văn bản Bộ Tài Chính trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thanh tra đối với 60 dự án "có vấn đề" trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại các đô thị lớn, Hà Nội là địa phương có số lượng dự án bị kiến nghị thanh tra đứng đầu bảng, với 24 dự án. Dự án Hà Nội Center Point trên lô đất ký hiệu số 3.7 CC đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, do Hacinco làm chủ đầu tư tiếp tục có mặt trong danh sách.
Dự án 3.7 CC trên đường Lê Văn Lương có quy mô 7.545 m2 được UBND TP. Hà Nội giao cho Hacinco từ năm 2004 để triển khai dự án thí điểm xây dựng nhà ở cao tầng cho thuê. Tuy nhiên, Hacinco chỉ triển khai được tòa B và đưa vào khai thác, trong khi tòa A bị "đắp chiếu" trong nhiều năm.
Không triển khai dự án, Hacinco cũng "chây ì" nghĩa vụ tài chính với lô đất này. Vì thế, năm 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội từng có kiến nghị UBND Thành phố thu hồi khu đất còn lại thuộc ô đất 3.7 CC và thay đổi quy hoạch để làm trường học theo kiến nghị của quận Thanh Xuân.
Bên cạnh đó, không ít lần cư dân tại dự án Hà Nội Center Point tố chủ đầu tư về chất lượng quản lý chưa tốt và những đề vi phạm pháp luật, vi phạm Hợp đồng của Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) là đơn vị quản lý vận hành, đồng thời là chủ đầu tư tòa nhà.
Dự án được bàn giao năm 2017 và theo phản ánh của cư dân thời điểm đó các vấn đề về chất lượng dịch vụ vẫn chưa được giải quyết. Theo nội dung đơn kiến nghị, nhân viên ở bộ phận hành chính, bảo vệ thiếu hòa nhã với dân. Nhân viên ở quầy lễ tân không được bố trí đầy đủ những phương án bố trí nhân sự của đơn vị quản lý vận hành; không kiểm soát người lạ ra vào khu vực dân cư; không hỗ trợ cư dân mang vác nặng khi ra, vào khu vực cửa và lễ tân.
Chưa dừng lại ở đó, chủ đầu tư còn bị tố không minh bạch về tài chính. Theo đó, đến ngày 24/12/2020 Hacinco vẫn chưa quyết toán xong kinh phí quản lý vận hành năm 2019; không minh bạch về phân bố chi phí quản lý vận hành nhất là ở phần diện tích riêng và phần diện tích sử dụng chung làm tăng chi phí quản lý vận hành cho phần căn hộ. Đồng thời, chưa trả lại cho cư dân số tiền thu từ việc trông giữ xe máy theo lượt kể từ khi ký kết hợp đồng với Ban quản trị của tòa nhà.