Nếu như cách đây hơn 1 năm, để vay tiền ngân hàng mua một bất động sản, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn và hưởng các ưu đãi về lãi suất. Nhưng đến hiện tại, không chỉ bị áp một lãi suất gia tăng mà nhà đầu tư, người mua nhà cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ngân hàng giải ngân.
Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế. Trước sự điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, bình quân lãi suất cho vay trong giai đoạn cuối năm 2021 chỉ dao động trong khoảng 5%/năm, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Nhờ vào mức lãi suất cho vay thấp "kỷ lục", nhiều người đã tranh thủ mua nhà trả góp. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã và đang có kế hoạch tăng lãi suất cho vay, điều này đã khiến nhiều người mua nhà như "ngồi trên đống lửa".
Chị Phan Huyền Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) có ý định vay ngân hàng mua nhà chung cư với lãi suất năm đầu tiên 5,5%/năm, sau đó thả nổi theo thị trường. Với khoản vay hơn 1 tỷ đồng, thời hạn vay trên 10 năm, chị Trang lo lãi suất cho vay sẽ tăng thời gian tới.
Đặc biệt, theo lời tư vấn của nhân viên kinh doanh bất động sản của công ty, trong 1 năm đầu tiên khoản vay sẽ được hưởng mức lãi suất thấp chỉ có 5,5%/năm.
"Nếu lãi suất thả nổi mà tăng cao thì số tiền phải trả gốc và lãi của vợ chồng tôi sẽ vượt quá khả năng thu nhập của hai vợ chồng. Vì vậy, dù rất ưng căn hộ chung cư, nhưng vợ chồng tôi vẫn chưa quyết định mua vào thời điểm này", chị Trang chia sẻ.
Trường hợp tương tự, anh Đức Huấn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) than khó vì tiếp cận vốn vay ngân hàng. Tháng 5/2022, anh Lâm đặt cọc vào lô đất ở Thạch Thất, Hà Nội với mức giá là 2,7 tỷ đồng. Anh dự tính vay ngân hàng 50% số vốn còn lại. Cứ tưởng rằng, việc vay ngân hàng dễ dàng nên anh Lâm tự tin ký hợp đồng đặt cọc xác nhận 30 ngày sau sẽ chuyển sang công chứng.
Thế nhưng, thực tế lại không như dự tính. "Tôi làm việc với tận 4 ngân hàng nhưng có tới 2 ngân hàng từ chối cho vay. Một ngân hàng đồng ý cho vay nhưng lãi suất năm đầu lên tới gần 10%. Nhưng năm sau thả nổi lãi suất lên tới gần 12%, và thời gian kéo dài cho vay tới 15 năm. Một ngân hàng khác chỉ cho tôi vay trong vòng 5 năm nhưng lãi suất ưu đãi hơn một chút nhưng thủ tục xác nhận vay vốn ngân hàng phải chuẩn bị phức tạp hơn"-anh Lâm nói.
Ghi nhận thực tế, trong tháng 6/2022, lãi suất cho vay không có nhiều biến động. Chỉ duy nhất Shinhan Bank điều chỉnh tăng gấp rưỡi lãi suất cho vay, từ 4,9% lên 8,2/năm.
Các ngân hàng khác vẫn duy trì mức lãi suất cho vay như cũ. Trong đó, MSB đang là ngân hàng có mức lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất, ghi nhận ở mức 4,99%. Khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi này cố định trong 3 tháng đầu.
Ở vị trí thứ hai là PVcomBank với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu. Lãi suất phải trả ở các tháng sau đó là 12%/năm. Theo sau đó là ngân hàng TPBank với lãi suất vay ngân hàng mua nhà từ 5,9%/năm.
Tuy nhiên, sự "ổn định" của lãi suất cho vay đang có nguy cơ bị "phá vỡ", nguyên nhân là do lãi suất huy động đang tăng nhanh.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất với mức cao nhất lên tới 0,8%/năm, cho kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng. Ngoài ra, kỳ hạn 3 tháng cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,5%/năm, kỳ hạn 24 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,4%/năm.
Ngân hàng Techcombank cũng tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng lên 2,75 – 3 %/năm, 3 tháng 3,2 %/năm, 6 tháng là 4,5 %/năm, 12 tháng là 5,3 %/năm… Tương tự, VPBank tăng thêm 0,3% lãi suất đối với tiền gửi các kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng, đưa lãi suất lên 6,4 %/năm.
Đối với nhóm ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước chi phối, lãi suất cũng nhích nhẹ, như BIDV thêm 0,1%/năm từ 12 tháng trở lên, lên 6%/năm. Trước đó, Vietcombank cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động online thêm 0,1%/năm ở một số kỳ hạn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định: Việc các ngân hàng tăng lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay là điều dễ đoán.
Bởi vì, trong năm 2021, do lãi suất tiết kiệm thấp, nên dòng tiền đã chảy từ ngân hàng sang các kênh đầu tư khác, như bất động sản và trái phiếu. Điều này đã tạo ra sức ép rất lớn cho các ngân hàng, khi huy động tiền gửi của người dân.
"Ngay trong tháng 5/2022, tăng trưởng tín dụng đã tăng 8,05%, thế nhưng, tăng trưởng tiền gửi chỉ tăng 4,5%. Điều này chứng tỏ, với mức lãi suất như hiện nay, người dân vẫn "chê" gửi tiền vào ngân hàng", ông Thịnh nói.
Vì lẽ đó, từ tháng 4/2022 cho tới nay, các ngân hàng đang có xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm, để thu hút dòng tiền từ người dân.
"Đương nhiên, khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động, thì sớm hay muộn cũng sẽ tăng lãi suất cho vay. Đó là chưa kể, vừa qua, hàng loạt các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, nếu các ngân hàng trong nước không tăng theo, đồng Việt Nam sẽ rất dễ bị mất giá, và điều này không tốt cho nền kinh tế", ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khi lãi suất cho vay tăng, những người đã vay tiền để mua nhà, mua xe trước đó, đương nhiên sẽ phải "cõng" thêm mức lãi suất mới. Dù vậy, áp lực lên vấn đề xử lý nợ xấu ở các ngân hàng không quá lớn.
"Lãi suất cho vay tăng là điều đã được dự báo từ trước, nhưng từ nay tới hết năm 2022, lãi suất có thể chỉ tăng thêm 0,5% – 1%, như vậy tác động của nó lên nợ xấu là không lớn", ông Thịnh chia sẻ.
Theo khuyến cáo của ông Thịnh, trước khi lựa chọn mua nhà trả góp, người dân phải tính toán mức lãi suất lâu dài, tránh trường hợp không thể thanh toán được theo tiến độ.
"Hiện nay, ngân hàng nào cho vay mua nhà đều có ưu đãi trong 1 – 2 năm, khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù lãi suất có thấp như năm 2021 đi chăng nữa, thì cũng phải tính đến việc lãi suất sẽ tăng cao trở lại", ông Thịnh nói thêm.