Xuất thân hiền tài
Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai, quê ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương sau đó chuyển đến làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông (cũ). Ông là con thứ trong một gia đình vốn truyền thống Đồ gia tri thức, cha là Nguyễn Phi Khanh, mẹ là Trần Thị Thái – con gái của Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần. Mẹ chẳng may mất sớm, Nguyễn Trãi phải sống nương nhờ ông ngoại nhưng đến năm 1390, Trần Nguyên Đán cũng qua đời, Nguyễn Phi Khanh phải vất vả một mình nuôi các con ăn học.
Duyên nợ với non sông
Là người ham học từ nhỏ, lại được người cha là Nguyễn Phi Khanh ra công rèn cặp theo khuôn khổ Nho giáo Khổng Mạnh, Nguyễn Trãi mau chóng tiếp thu và lại càng quyết chí học hành nên ông mau chóng trở thành người tài với nhiều kiến thức bác học, uyên thâm. Năm 1400, nhà Hồ mở khoa thi Nho học, Nguyễn Trãi tham gia và đỗ Thái Học sinh rồi sau làm quan cùng cha dưới triều Hồ. Năm 1407, triều Minh Trung Quốc cho quân sang xâm lược nước ta, nhà Hồ kháng chiến thất bại, Hồ Qúy Ly cùng nhiều chư thần bị bắt giải sang Trung Quốc, trong đó có Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi đi theo khóc đến tận của Nam Quang vẫn không chịu về, cha ông nói rằng: “Con phải trở về tìm cách cứu cha, rửa thù cho nước nhà chứ đi theo khóc lóc làm gì“.
Nghe theo tâm nguyện cháy bỏng của người cha, Nguyễn Trãi trở về nuôi chí báo thù cho nước nhà đang bị áp bức dưới ách thống trị của nhà Minh Trung Quốc. Cuộc đời kẻ nghĩa sĩ trong một thập niên sau đó có được nói đến trong những áng văn về sự phiêu bạt lênh đênh nơi chân trời góc bể.
Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cũng có ghi chép về Nguyễn Trãi như sau: Sau khi ra hàng nhà Minh, vua Minh là Truơng Phụ muốn trọng người tài bèn dụ dỗ ông nhưng Nguyễn Trãi từ chối nên suýt nữa bị chém đầu. Ông may mắn thoát chết vì được Thượng thư Hoàng Phú mến tiếc tài năng. Nhưng sau đó, ông bị giam lỏng tại Đông Quan. Lòng hận nhà Minh thâm độc, muốn tìm vị chân Chúa để thờ nhưng chưa biết tìm ở đâu, ông bèn trốn đi. Trong một đêm trú tại quán Trấn Vũ, được Thần báo mộng cho tên họ Lê Thái Tổ, ông lòng vui mừng bèn vào yết kiến Bình Định Vương ở Lỗi Giang xin được góp sức tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Kể từ ấy duyên nợ dân tộc của ông khởi sắc vẹn toàn sau một thập kỷ mong mỏi cháy lòng.
Làm nên đại thắng của nghĩa quân Lam Sơn
Ra mắt Lê Lợi, Nguyễn Trãi còn trao cho vị thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn bản “Bình Ngô sách”, trong đó Nguyễn Trãi vạch ra ba kế sách đánh quân Minh mà chủ yếu là “tâm công”, tức là đánh vào lòng người để đi đến chiến thắng. Sau khi xem “Bình Ngô sách” , Nguyễn Trãi được Lê Lợi phong cho chức Tuyên phong đại phu – Thừa chỉ Hàn Lâm viện, ngày đêm dự bàn việc quân, trù hoạch mưu lược, viết thư thảo hịch.
Năm 1423, Lê Vận và Lê Trăn được Bình Định Vương cử làm sứ giả, mang lễ vật là năm đôi ngà voi cùng thư do Nguyễn Trãi viết đi cầu hoà. Lời lẽ trong thư rất mềm dẻo, khôn khéo, tổng binh nhà Minh là Trần Trí chấp thuận ngay. Từ đây, mọi thư từ giao thiệp giữa quân Lam Sơn và quân Minh cũng như văn thư hiểu dụ các thành trì đều do một tay Nguyễn Trãi soạn thảo.
Tranh thủ thời gian hoà hoãn hiếm hoi, Lê Lợi dẫn quân về Lam Sơn, nhanh chóng củng cố lực lượng. Năm 1424, nhà Minh biết rằng không thể chiêu dụ Lam Sơn đầu hàng, bèn bắt giữ sứ giả Lê Trăn, tuyệt giao với Lê Lợi, làm cho cuộc khởi nghĩa bước vào một giai đoạn mới. Sau đó nghĩa quân liên tiếp giành thắng lợi tại Tân Bình, Thuân Hóa, Nghệ An, quân Minh chỉ còn cố thủ chờ cứu viện.
Nguyễn Trãi đã viết hàng chục bức thư gửi vào thành Đông Quan chiêu dụ Vương Thông, gửi đi Nghệ An chiêu dụ Thái Phúc cũng như dụ hàng các tướng lĩnh nhà Minh ở Tân Bình, Thuận Hoá và một số thành trì khác. Với lời lẽ sâu ngọt như con dao sắc mà hợp tình nghĩa lý, ông đã hết sức thành công trong việc dụ tướng Việt quay đầu lại với chính gia. Sách lược đúng đắn đến từng chi tiết của họ Nguyễn cũng đã làm tan nát 10 vạn quân Minh khi sang cứu viện. Nghĩa quân Lam sơn đại thắng, lấy lại thành Đông Quan, diệt hết quân Minh, Đại Việt nước nhà đầy khí thế, nhà Lê được thành lập từ đó.
Để bố cáo với cả nước về chiến thắng quân Minh, vua Lê giao cho Nguyễn Trãi viết lên Bình ngô đại cáo. Bài viết được người đời ví như tuyên ngôn độc lập thời bấy giờ, làm bàn dân trăm họ Việt hạnh phúc và tự hào vô cùng. Nguyễn Trãi sau đó tâm huyết phục sự triều Lê rồi xin về ở ẩn tại quê hương Chí Linh.
Về với cội nguồn
Về với hùng thiêng nước biếc, với núi non hùng vĩ của vùng đất Chí Linh, sống một cuộc đời thanh đạm của kẻ Nho gia gắn cùng nguồn cội tư tưởng của Phật và Đạo ông đã tạo nên những áng thơ ca hùng vĩ, được ngợi ca qua bao năm tháng. Nhưng những năm tháng đó lại gắn liền với vụ án Lệ Chi Viên thảm khốc và oan trái, làm gia đình ông bị chu di tam tộc. Con người trung nghĩa ấy đã phải chôn mình trong cát bụi vì bị khép tội giết vua trong một lần Lê Thái Tông về miền đông đi tuần năm 1442. Mãi tới 22 năm sau, vào tháng 8 năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu giải oan cho ông, bãi bỏ lệnh truy sát của triều đình với gia quyến Nguyễn Trãi và ra lệnh bổ dụng con cháu ông làm quan.
Nếu như người Việt tự hào biết ơn Nguyễn Trãi thời Lê đã góp công lớn khôi phục giang sơn xã tắc, thì cho tới 3 thế kỷ tiếp đó, vào thời hưng thịnh của chúa Nguyễn, bắt đầu xuất hiện cái tên Đào Duy Từ (1572-1634), từng được ví là một bộ óc vĩ đại xuất thân từ tầng lớp bình dân Thanh Hóa.
Khó khổ không lạc mất anh tài
Sớm mồ côi cha, ngay từ bé ông đã tỏ ra là người thông minh sáng dạ hơn người. Năm 21 tuổi, Duy Từ đỗ giải Á nguyên trong khoa thi Hương năm 1593 đời vua Lê Thế Tông (1567 – 1584). Đến kỳ thi hội, Duy Từ được các giám khảo gật gù khen ngợi về bài luận xuất sắc của ông. Thế nhưng sau đó ông phải lột mũ, tước áo Á nguyên vì bị người tố cáo là xuất sinh trong gia đình phường chèo – dạng “xướng ca vô loài”, vốn bị kỳ thị thời ấy. Mẹ ông, bà Vũ Thị Kim Chi, vì phẫn uất thắt cổ tự tử mà chết, Đào Duy Từ buồn đau quá nên lâm bệnh nặng nằm liệt tại nhà trọ.
Vận mệnh đổi thay
Vận mệnh Duy Từ đổi thay khi may mắn gặp Nguyễn Hoàng. Sau khi được đọc bài vở của Duy Từ, Nguyễn Hoàng đã biết đây chính là nhân tài hiếm thấy. Nguyễn Hoàng thiết tha bậc hiền tài nên âm thầm giúp đỡ tài chính chạy chữa cho Duy Từ, rồi mời ông vào Nam giúp mình. Sau khi Duy Từ khỏi bệnh, Nguyễn Hoàng đàm thơ ẩn ý mời ông vào Nam, Duy Từ kính cẩn nhận lời. Vài năm sau ông xa quê vào đất Đàng Trong kiếm cơ lập thân.
Vào Nam, Duy Từ mới đầu xin vào chăn trâu cho một phú ông có tên Trần Đức Hòa tại xã Tùng Châu – vốn là người thân thiết với Nguyễn Phúc Nguyên, con trai Nguyễn Hoàng. Đây chính là thời gian Duy Từ nghe ngóng tình hình, nuôi mưu chí quyết. Phú ông Trần Đức Hòa nhận ra tài cao học rông của Duy Từ, biết ông không phải người thường nên giữ ông lại và gả con gái cho. Khi Trần Đức Hòa xem bài Ngọa Long cương của Đào Duy Từ liền nói rằng: “Đào Duy Từ là Ngọa Long đời này chăng?“
Một hôm, Trần Đức Hòa đem bài Ngọa Long Cương cho Nguyễn Phúc Nguyên xem, chúa Nguyễn liền nhận ra hiền tài liền mời Duy Từ vào cung. Nghe họ Từ cao hàm hùng luận, Chúa Sãi vui mừng khôn tả bèn phong tước cho Duy Từ làm Nha úy nội tán trông coi việc quân cơ ở trong ngoài, tham lý quốc chính. Từ đấy Đào Duy Từ nói gì Chúa Sãi cũng nghe. Ông bày mưu vạch kế giúp Chúa Nguyễn làm nên nhiều việc lớn. Chúa Nguyễn thường nói với mọi người: Đào Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay.
Công lao mãi ghi nhớ
Có nhân tài phụng sự, chúa Nguyễn may mắn được vị quân sư tài giỏi bên mình, nên đã thắng lợi trong cả hai cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn – cuộc chiến Đàng Trong và Đàng Ngoài (1627 và 1630). Năm Tân Mùi (1631), theo lời Đào Duy Từ, Chúa Nguyễn lại cho đắp một cái lũy nữa kiên cố hơn, dài 18 km bắt đầu từ núi Đâu Mâu qua cửa biển Nhật Lệ tiến lên phía đông bắc đến làng Đông Hải. Nhờ có hai cái lũy trên, Chúa Nguyễn đã ngăn chặn được quân Trịnh trong bảy lần giao tranh trong đó có hai lần năm 1627 và 1630 và năm lần sau khi Đào Duy Từ đã mất.
Đào Duy Từ là anh tài quân sư mãi được người đời ngợi ca, công lao to lớn đặt nền móng vững chắc cho nhà Nguyễn lưu truyền 9 chúa 13 đời vua. Ông coi trọng các đạo lý làm người từ đó vận dụng sâu sắc vào chiến lược, mưu kế đầy tài hoa riêng biệt: “Mưu phạt tâm công”.