Trận Ngọc Hồi - Đống Đa: "Qua sông đốt thuyền, ăn xong lấp giếng"

MA Thứ ba, ngày 28/06/2022 11:31 AM (GMT+7)
Theo sách Hồ Thơm – Nguyễn Huệ – Quang Trung (1751-1792), vua cho tập trung lương thực “ra lệnh đốt sạch, khác nào qua sông đốt thuyền, lên cao chặt thang, ăn xong lấp giếng đập nồi, để quân sĩ liều chết với giặc”.
Bình luận 0

Ngày nay, khi nói đến chiến thắng Kỷ Dậu (1789) trước 29 vạn quân Thanh xâm lược, chúng ta lại nhắc nhớ đến chiến tích Ngọc Hồi – Đống Đa của vua Quang Trung vào ngày mùng 5 Tết cách đây 231 năm.

Trận Ngọc Hồi - Đống Đa: "Qua sông đốt thuyền, ăn xong lấp giếng: - Ảnh 1.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Để rồi, tại nơi ngày nay là Gò Đống Đa, cứ đến mùng 5 Tết, người dân lại mở hội vừa để tự hào về chiến công hiển hách của cha ông, về truyền thống chống ngoại xâm bất khuất từ ngàn xưa, vừa để tỏ lòng biết ơn những nghĩa sĩ Tây Sơn đã nằm xuống trong suốt chiến dịch giành độc lập mà lịch sử thế giới mãi mãi còn ghi.

Nghĩa sĩ Tây Sơn kẻ trước ngã, người sau nối – đập tan hoàn toàn quân xâm lược

Khâm định Việt sử thông giám cương mục, dẫu do Quốc sử quán nhà Nguyễn biên chép, coi Tây Sơn là “giặc”, nhưng cũng không thể không thừa nhận chiến thắng của quân tướng Tây Sơn ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789) như đoạn chép tường thuật dưới đây:

“Hồi trống canh năm sớm hôm sau. Văn Huệ xắn tay áo đứng dậy, đốc thúc bản bộ lùa quân rầm rộ tiến lên. Chính Văn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn trăm voi khỏe đi trước.

Tờ mờ sáng, quân Thanh lùa toán quân kỵ tinh nhuệ ồ ạt tiến. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, té chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Giặc lại lùa voi xông đến: quân Thanh, trong cơn gấp rút, không cứu nhau được, ai nấy rút vào trong lũy cố thủ. Bốn mặt đồn lũy quân Thanh đều cắm chông sắt, súng và tên bắn ra như mưa.

Giặc dùng những bó rơm to lớn để che đỡ mà lăn xả vào, rồi quân tinh nhuệ tiến theo sau. Kẻ trước ngã, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu. Các lũy quân Thanh đồng thời tan vỡ và quân Thanh đều chạy. Giặc đuổi đến đồn Nam Đồng, thừa thắng, ập lại giết chết. Quân Thanh bị chết và bị thương đến quá nửa.

Thế Hanh, tiên phong Trương Sĩ Long và tả dực Thượng Duy Thăng đều chết trận [trận Ngọc Hồi – Người dẫn chú]. Sầm Nghi Đống đóng đồn ở Loa Sơn (tục gọi Đống Đa), bị một tướng khác của giặc đánh. Quân cứu không có, Nghi Đống phải tự thắt cổ chết. Toán thân binh của Nghi Đống cũng tự ải chết theo đến vài trăm người [trận Đống Đa – Người dẫn chú]”.

Thắng lợi Ngọc Hồi – Đống Đa đã gần như ngay lập tức đánh bại hoàn toàn 29 vạn binh xâm lược của nhà Thanh, khiến quân giặc phải kẻ trước người sau thi nhau mạnh ai nấy chạy mà dong thẳng về nước. Một trận thắng giải quyết hoàn toàn không chỉ làm tan rã binh lực địch, mà cả về tinh thần, từ quân đến tướng đều thảng thốt vì bị bất ngờ. Sử cũ còn ghi sau khi hai viên tướng Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống tử trận, thế trận bảo vệ Thăng Long bị tan vỡ, “Tôn Sĩ Nghị không biết xoay sở ra sao”, chỉ còn nước nhổ đồn lũy vượt sông mà chạy ngược về nước.

Chiến thắng này không chỉ đuổi quân Thanh xâm lược về nước, mà về sau riêng với triều Thanh, cũng không một lần dám nuôi lại mộng đem quân xuôi Nam đánh Đại Việt vì khiếp sợ. Đồng thời với sự quay giáo chạy của quân Thanh, thì vương triều nhà Lê với vị vua hèn Lê Chiêu Thống cũng theo đó mà sụp đổ. Vua Lê tòng vong sang Thanh, triều đại được lập từ năm 1428 đến thời điểm 1789 đã theo đó đổ nhào. Đất nước sạch bóng ngoại xâm, mà triều cũ ruỗng nát cũng sụp đổ.

Anh linh Quang Trung còn mãi với nghệ thuật quân sự tài tình

Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa này chứng tỏ tài cầm quân, khiển tướng của vua Quang Trung Nguyễn Huệ với những nghệ thuật chiến dịch được vận dụng linh hoạt và tài tình.

Chỉ tính riêng trong trận đánh ngày mùng Năm, ta đã thấy được sự quyết tâm cao độ của vua Quang Trung trong hành động.

Theo sách Hồ Thơm – Nguyễn Huệ – Quang Trung (1751-1792), hay Giấc mộng lớn chưa thành, cho biết, trước khi đánh Ngọc Hồi, vua cho tập trung lương thực “ra lệnh đốt sạch, khác nào qua sông đốt thuyền, lên cao chặt thang, ăn xong lấp giếng đập nồi, để quân sĩ liều chết với giặc”. Hành động này được Cách mạng Tây Sơn cho là “biểu thị quyết tâm chiến đấu: Một là thắng hai là chết, chứ không chịu lùi”. Bên cạnh đó quân sĩ kỷ luật nghiêm minh, tinh thần chiến đấu cao. Bởi vậy nên tinh thần “Xem cái chết nhẹ tựa hồng mao” được phát huy cao độ khi thực chiến: “Kẻ trước ngã, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu”.

Trái lại với tinh thần của Tây Sơn, quân giặc ỷ binh đông, làm chủ Thăng Long nên tự mãn, lơ là thụ động dù ưu thế về lực lượng. Mà chẳng riêng gì trong chiến tranh, kẻ tự mãn ở sức mình, chẳng sớm thì muộn cũng chuốc lấy thất bại đó thôi.

Dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Quang Trung, quân Tây Sơn không chỉ ở sức mạnh tinh thần, ý chí quyết thắng, mà còn sử dụng phương tiện tác chiến làm cho địch bất ngờ. Với việc dùng tượng binh khiến địch không kịp trở tay nên mới có cảnh “Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, té chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau”.

Bên cạnh đó để đối phó với tên địch trên thành cao bắn xuống, quân Tây Sơn dùng 60 tấm ván gỗ ghép thành 20 tấm lá chắn lớn phủ rơm tẩm nước để ngăn tên cho quân tiến lên, thể hiện tinh thần, hành động quyết tâm mà cũng là sáng tạo trong tác chiến.

Theo nghiên cứu trong Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, việc đánh trước hết đạo quân Hứa Thế Hanh ở Ngọc Hồi góp phần tạo nên sự cô lập chiến trường, do đó khi đánh Đống Đa, quân của Sầm Nghi Đống không có quân tiếp viện. Hai cánh quân Hứa Thế Hanh và Sầm Nghi Đồng đều bị tiêu diệt, phòng tuyến bảo vệ Thăng Long bị vỡ, Tôn Sĩ Nghị hoàn toàn bị thụ động, nhuệ khí mất hết để rồi chỉ còn nước chạy giữ thân làm thượng sách. Việc chọn điểm tiến công, dự liệu tương lai chiến trận thể hiện nhãn quan quân sự chính xác của vị vua từng một thời là Long Nhương tướng quân giúp cho chiến thắng quân Thanh diễn ra trong thời gian ngắn, trước một lực lượng mạnh càng làm nổi bật thêm vai trò điều binh, khiển tướng, tài chỉ huy quân sự của vị anh hùng áo vải.

Dẫu thời gian qua đi, sự kiện xưa chỉ còn lại trong sách sử, nhưng dân ta không khỏi nhắc nhớ tới sự kiện lịch sử ấy với niềm tự hào, cũng là sự nhắc nhở hậu thế giữ vững thành quả của cha ông trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, không e sợ trước các thế lực ngoại bang có âm mưu xâm lược nước nhà. Còn vua Quang Trung cùng đội quân anh dũng của mình, dù người xưa khuất nẻo, nhưng như Hùng khí Tây Sơn của Lam Giang có lời:

Trận Ngọc Hồi - Đống Đa: "Qua sông đốt thuyền, ăn xong lấp giếng: - Ảnh 2.

Dấu xưa, tích cũ còn đó để ngày nay nơi gò Đống Đa năm xưa, dân ta lại hướng về nhớ tới chiến công hiển hách của cha ông, tự hào về truyền thống yêu nước, bất khuất chống giặc từ ngàn xưa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem