Năm 2021, anh còn đoạt giải Nhất tại Hội thi nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai với chiếc máy băm cỏ "4 trong 1".
Vươn lên từ nghèo khó
Chia sẻ với phóng viên, anh Cao Xuân Lâm cho biết, anh vốn xuất thân trong gia đình nông dân nghèo. Năm 1993, gia đình anh rời vùng quê Nghệ An vào xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc lập nghiệp. Ban đầu, trên diện tích gần 4ha, anh Lâm canh tác cây hoa màu và cây tràm lai để lấy chỗ chăn thả bò sinh sản. Sau nhiều năm chăm sóc, anh nhận thấy nuôi bò sinh sản cho hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2017, khi có dịp đi thăm quan mô hình nuôi bò chăn thả rừng của người dân tại tỉnh Ninh Thuận, anh Lâm "bừng tỉnh" nhận ra đây là cơ hội cho mình vươn lên làm giàu. Để có vốn đầu tư, anh gom góp tiền của gia đình và vay mượn thêm từ họ hàng để mua 40 con tơ về vỗ béo. Nhờ được chăm sóc tốt nên đàn bò tăng trọng rất nhanh, chỉ 6 tháng sau mỗi con đã đạt trọng lượng hơn 400kg, tăng gấp đôi so với thời điểm mua về.
Anh Lâm cho hay, từ khi sử dụng chiếc máy này, bình quân mỗi tháng anh tiết kiệm được gần 50 triệu đồng tiền công lao động. Hàng năm gia đình anh xuất bán 2 lứa bò, tổng số 400 con.
Bằng sự cần cù, ham học hỏi, tư duy đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, "tích tiểu thành đại", từ đàn bò 40 ban đầu, đến nay anh Lâm đã sở hữu đàn bò trên 200 con. "Tôi có thâm niên trên 10 năm nuôi bò, tuy nhiên chính thức chuyển sang nuôi theo phương pháp vỗ béo cách đây chừng 5 năm nay. Trước đây, mỗi năm gia đình chỉ nuôi từ 2 - 4 con bò sinh sản, nhưng thấy việc nuôi bò vỗ béo dễ đạt kết quả và đem về hiệu quả kinh tế cao, nên tôi quyết tâm đầu tư xây chuồng trại, rồi ra tận Phan Rang - Ninh Thuận mua 40 con, rồi tăng đàn lên 200 con bò, loại bò cỏ gầy đem về vỗ béo" - anh Lâm chia sẻ.
Anh Lâm cho biết, anh thường tìm chọn mua bò giống khoảng 10 - 12 tháng tuổi, đạt trọng lượng chừng 150 -200kg/con rồi đem về thúc nuôi trong thời gian từ 4 - 6 tháng, khi bò có trọng lượng tầm 300 - 500kg/con thì sẽ xuất bán. Với gần 4ha đất trồng cỏ, ngô và sắn hàng năm thì đây là nguồn thức ăn dồi dào cho bò. Ngoài ra, để bò nhanh lớn, đẹp, anh còn kết hợp cho bò ăn bã bia, cám dừa…
"Bò vỗ béo được nuôi nhốt tập trung nên chuồng trại cần phải sạch sẽ, thoáng mát. Nguồn thức ăn cho bò gồm cỏ voi, thân củ sắn, bã đậu, thân cây ngô lai… Tất cả đều được xay nhỏ, ủ lên men sau đó cho bò ăn, rất tốt. Khi đàn bò mua về thường suy kiệt, ốm yếu nên cần có chế độ ăn đặc biệt. Đồng thời, tôi tiêm ngừa các bệnh lý thường gặp như lở mồm long móng, tụ huyết trùng và các ký sinh trùng khác trên đàn bò" - anh Lâm chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của anh Lâm, mỗi tháng chi phí đầu tư cho một con bò ăn khoảng 500.000 đồng. Nếu được chăm sóc tốt thì mỗi ngày bò có thể tăng trọng lượng từ 1-1,2kg. Những năm gần đây, nhờ giá bò hơi ổn định, trên 80.000 đồng/kg nên công việc nuôi bò vỗ béo rất có lãi.
Sáng chế máy băm cỏ "4 trong 1"
Theo chia sẻ của anh Lâm, nhờ chăn nuôi bò vỗ béo khoa học đã giúp gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, với tiền lãi trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Không chỉ chăn nuôi giỏi, anh Lâm còn áp dụng khoa học vào chăn nuôi, trong đó nổi bật là việc anh sáng chế chiếc máy băm cỏ với công dụng "4 trong 1". "Nhu cầu về công lao động ngày càng tăng cao, trong khi đó việc thuê công khó khăn vì nguồn lao động tại địa phương thiếu, nhiều lúc không thuê được người. Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về các thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp, mày mò mua thiết bị về tự chế. Từ một chiếc máy cày thông thường, tôi đã đầu tư gắn thêm một dàn xúc và thiết kế thêm một cái máy băm làm tăng tính năng sử dụng của máy cày" - anh Lâm nói.
Theo đó, chiếc máy băm cỏ gồm 4 chức năng: Băm các loại cỏ, cây ngô, cây sắn, mía; trộn thức ăn; xúc thức ăn vận chuyển đến vị trí cho bò ăn và dọn phân bò. Việc chế tạo ra chiếc máy này, anh Lâm đã tận dụng triệt để những chế phẩm trong nông nghiệp như cây bắp, cây sắn, đọt mía, cỏ… làm giảm chi phí thức ăn cho bò. Ngoài việc băm thức ăn trong chuồng trại, chiếc máy còn di chuyển ra tận ruộng, rẫy để băm thức ăn giúp giảm chi phí vận chuyển và giảm nhân công. Trước đây, khi chưa sử dụng máy, nuôi 200 con bò phải mất 10 công lao động.
Anh Lâm cho hay, từ khi sử dụng chiếc máy này, trang trại đã giảm được 6 công lao động. Bình quân mỗi tháng anh tiết kiệm được gần 50 triệu đồng tiền công lao động. Nhờ sử dụng chiếc máy này mà hàng năm gia đình anh xuất bán 2 lứa bò, tổng số 400 con. Từ hiệu quả của mô hình, đến nay đã có hơn 30 hộ dân trên địa bàn học tập và làm theo anh Lâm.
Ông Hùng Ngọc Tùng - Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết, mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của anh Lâm là mô hình khá hiệu quả, tạo điều kiện cho nông dân ở Xuân Hòa có thu nhập cao hơn. 1 năm nuôi theo cách này xuất chuồng được 2 lần, trong khi đó nuôi bò sinh sản chỉ xuất bán được 1 lần. "Thông qua mô hình của anh Lâm, chúng tôi cũng đã tạo điều kiện cho bà con nông dân đến học tập trao đổi kinh nghiệm và đến nay đã có 14 - 15 hộ dân ở xã Xuân Hòa đã làm theo và đem lại hiệu quả. Trong thời tới chúng tôi sẽ xây dựng tổ hợp tác và từ cơ sở này hướng đến xây dựng hợp tác xã nuôi bò" - ông Tùng nói.