Anh Hồ Việt (40 tuổi) sinh ra và làm việc tại sinh ra và lớn lên tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum). Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2007, anh Việt xin vào làm giáo viên giảng dạy môn mỹ thuật cho một trường THCS tại đây được 10 năm rồi sau đó chuyển công tác xuống thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum).
Chia sẻ về cơ duyên khởi nghiệp với thịt hun khói, anh Việt cho biết: "Sống ở Đăk Glei nhiều năm, tôi đã học hỏi, biết được nhiều phong tục tập quán, đời sống, ẩm thực của người đồng bào ở đây. Đặc biệt trong đó có món thịt hun khói của người Giẻ Triêng. Tôi thấy bà con làm món thịt hun khói này rất ngon, đậm đà. Chính vì vậy, khi chuyển về huyện Đăk Hà sinh sống, tôi đã tự làm và sau đó biếu người thân, bạn bè ăn thử. Ăn một vài lần, họ khen tấm tắc nên đã đặt tôi làm để bán".
Đến cuối năm 2019, vì muốn dồn toàn bộ sức lực vào việc phát triển sản phẩm thịt hun khói nên anh Việt đã quyết định xin nghỉ dạy. Cũng từ đây, anh đã mở nên một cơ sở thịt hun khói ngay giữa trung tâm thị trấn Đăk Hà.
Theo anh Việt, quãng thời gian đầu để tạo ra món hun khói, anh gặp khá nhiều khó khăn. "Theo cách làm xưa của bà con Giẻ Triêng ở Đăk Glei, thịt họ tẩm ướp rất mặn nên không thể nào ăn được. Hơn nữa, người Giẻ Triêng ở đây họ chỉ có mỗi cách bảo quản thịt bằng cách treo gác bếp, như vậy thịt sẽ rấ khó ăn và mau hư. Tôi suy nghĩ phải làm sao để thịt vừa vị, thơm ngon mà lại bảo quản được lâu", anh Việt trăn trở.
Sau thời gian loay hoay tìm kiếm, anh Việt đã phát hiện ra rằng, bí quyết để cho ra thịt hun khói thơm ngon chính là nằm ở cường độ lửa, khói.
"Bà con Giẻ Triêng ở Đăk Glei thường xuyên dùng củi dẻ để miếng thịt hun khói có vị thơm, đậm đà, mang đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, khi xuống Đăk Hà thì không có loại củi này. Qua nhiều lần thử nghiệm, tôi dùng củi cây cà phê đốt lấy khói hun thịt rồi điều chỉnh lửa to, nhỏ phù hợp thì thấy thịt rất thơm, ngon mà lại không bị hư. Chính điều này tạo nên nét riêng cho món thịt hun khói của tôi mà không nơi nào cỏ", anh Việt chia sẻ.
Để làm món thịt hun khói, anh Việt thường sử dung loài heo sọc dưa thả rông của người bản địa. Anh thường lấy phần nạc, đùi, vai. Thịt được thái dọc theo từng thớ riêng và sau đó được ướp với các gia vị như bột rễ tranh, tiêu rừng, sả, ớt….khoảng 30 phút rồi xiên que vào treo lên bếp.
"Khi treo xiên thịt lên gác bếp thì chúng ta phải làm thật nhanh để giảm thời gian tiếp xúc với môi trường và giữ cho thịt được tươi, ngon. Xiên nào khô trước thì đảo xiên phía trên xuống cho chín đều. Cứ trở đều trên bếp như thế đến 2 ngày 2 đêm là có thể mang ra sử dụng được", anh Việt nói.
Theo tính toán của anh Việt, khoảng 3,2 kg thịt heo tươi sẽ làm ra 1kg thịt hun khói. Sau khi làm được thịt ngon, anh bắt đầu chế biến muốn chấm ăn kèm. Muối được làm từ các nguyên liệu tiêu rừng, muối hạt, ớt, sả (tất cả được giã ra, sấy khô và trộn lại với nhau). Xé từng miếng thịt chấm với muối "đặc biệt" cảm giác thật tuyệt vời.
Về cách bảo quản, sản phẩm thịt hun khói được hút chân không rồi để vào tủ lạnh. Khi ăn, người dùng chỉ cần nướng chín lại trên bếp thì mùi vị vẫn như thịt mới ra lò.
Hiện, giá mỗi kg thịt hun khói được anh bán với giá 625 ngàn đồng. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh xuất bán từ 6-7 tạ thịt, đặc biệt vào cao điểm Tết nguyên đán thì lên đến 5-6 tấn thịt.
Bên cạnh phục vụ những khách hàng ở gần, sản phẩm thịt gác bếp của anh Việt còn được tiêu thụ rộng rãi ở các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định…Không những vậy, anh còn ký hợp đồng tiêu thụ với các chuỗi cửa hàng kinh doanh như Annam Gourmet, Halort Mart, Big Sky Food.
Bên cạnh việc chế biến ra sản phẩm thịt hun khói, anh Việt còn liên kết với các hộ đồng bào dân tộc tiểu thố tại xã Đăk Psi, Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) hay xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy). Cụ thể, anh cấp giống heo sọc dưa hoàn toàn miễn phí cho các hộ nghèo tại các địa phương trên để họ chăm sóc. Đến khi heo trưởng thành, anh quay lại thu mua của các hộ này.
"Tôi thu mua heo của bà con với giá rất cao, khoảng 130-150 ngàn đồng/kg heo trưởng thành trong khi ngoài thị trường chỉ có 80-100 ngàn đồng/kg mặc cho có những ngày giá heo rớt. Nhờ vậy mà mỗi năm, họ thu về khoảng 50 triệu đồng từ việc bán heo cho tôi. Số tiền này tuy không phải là nhỏ nhưng cũng đủ để họ trang trải cuộc sống, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững. Cũng nhờ việc làm này mà đến nay tôi đã giúp cho nhiều hộ dân tại các địa phương trên thoát nghèo", anh Việt chia sẻ.
Cũng theo anh Việt, ngoài việc cấp giống heo cho các hộ dân thì thời gian rảnh rỗi, anh còn vào tận làng hướng dẫn bà con cách làm, vệ sinh chuồng trại, cách chế biến thức ăn cho heo. Đồng thời, anh cũng thuê một bác sĩ thú ý thường xuyên kiểm tra tình hình sức khỏe con heo của các hộ dân nhằm có biện pháp chữa trị kịp thời.
Về dự định sắp tới, anh Việt cho biết, anh sẽ phát triển mô hình du lịch cộng đồng mà ở đó quảng bá các nét văn hóa, truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số và các món ăn ẩm thực, trong đó có thịt hun khói để thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, trải nghiệm. Qua đây, anh cũng tạo thêm công ăn, việc làm cho các hộ đồng bào để họ có thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống.