Dân Việt

Trải lòng của nhiều tài xế xe bus truyền thống Hà Nội sau "tâm thư" gây xôn xao mạng xã hội

Gia Khiêm 30/06/2022 06:12 GMT+7
Sau thời gian các tuyến xe bus chạy điện Vinbus đi vào hoạt động và nhận được nhiều lời khen từ nhiều người, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn nội dung được cho của một tài xế lái xe bus truyền thống nói lên nỗi lòng mình gây xôn xao.

Trải lòng của nhiều tài xế xe bus sau "tâm thư" gây xôn xao mạng xã hội 

Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện đoạn nội dung được cho "tâm thư" của một tài xế xe bus truyền thống gửi đến Tổng công ty vận tải Hà Nội gây xôn xao mạng xã hội. Cụ thể, "tâm thư" được chia sẻ trên nhóm Bus Hà Nội với nội dung gửi đến Tổng công ty vận tải Hà Nội cùng tất cả các Xí nghiệp trực thuộc Tổng công ty.

Hành khách nói gì khi trải nghiệm hai loại hình xe bus ở Hà Nội. Clip: Gia Khiêm

"Sau thời gian VinBus đi vào hoạt động ai ai cũng khen, nhà nhà, người người, tới chú xe ôm cũng khen". Theo người đăng tải, nhiều lái xe bus truyền thống "bị chửi" và tự nhận lý do một phần vì "ý thức của một số chúng tôi còn kém". 

Bên cạnh đó do "quy định phải đuổi giờ, đuổi từ đầu ca tới cuối ca vẫn âm giờ. Xin ăn cơm còn không quá 10 phút từ khi xe về bến… Bỏ lượt nào trừ tiền lượt ấy. Rất nhiều anh em chạy bus truyền thống qua VinBus chạy và họ đang làm rất tốt đó thôi. Không gì là không thay đổi được hết".

Trải lòng của nhiều tài xế xe bus truyền thống Hà Nội sau "tâm thư" gây xôn xao mạng xã hội  - Ảnh 2.

Người dân chờ xe bus ở trạm chung chuyển Long Biên, Hà Nội chiều ngày 29/6. Ảnh: Gia Khiêm

Cuối bài, người đăng tải nội dung cho rằng, rất nhiều tài xế bus truyền thống mong muốn được "cân nhắc lại lương" và mong muốn nên "học tập cách làm của VinBus, không phải tự nhiên mà họ làm được như vậy, lái xe bán vé gọi dạ bảo vâng. Phải thay đổi hết để giữ miếng cơm manh áo thôi. Cải thiện tiền lương lên, vi phạm phạt gấp 3 lên thì tự nhiên bus truyền thống sẽ khác, khác rất nhiều…"

Ngay sau khi nội dung được đăng tải đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Dân Việt đã trực tiếp trao đổi với nhiều tài xế xe bus truyền thống cũng như trực tiếp từng người dân hằng ngày tham gia đi lại để cảm nhận rõ hơn về thái độ phục vụ của hai loại hình vận tải này.

Trải lòng của nhiều tài xế xe bus truyền thống Hà Nội sau "tâm thư" gây xôn xao mạng xã hội  - Ảnh 3.

Hành khách bước lên xe bus truyền thống. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, một tài xế bus truyền thống tại Hà Nội chia sẻ, mỗi ca anh phải đáp ứng chạy đủ 7 lượt, khi nào đủ chuyến mới nghỉ. 

"Đường Hà Nội không tránh được cảnh tắc đường chưa kể lúc xe gặp trục trặc hỏng hóc. Tài xế xe bus khá áp lực, hết chuyến mới được nghỉ, chạy chưa xong thì vẫn phải chạy nếu không đủ chuyến bị trừ lương. Tôi đã tham gia làm vận tải 23 năm, trong đó khoảng hơn 15 năm bán vé và lái xe bus được 7 năm. Mỗi tháng 26,27 ngày công nhận mức lương hơn 8 triệu/tháng", tài xế này chia sẻ.

Theo tài xế trên, công việc của người lái xe bus thường được chia thành 2 ca. Nếu ca 1 anh phải dậy từ 3h30 sáng đi đến công ty chạy xe đến 14h chiều về. Ca 2 anh bắt đầu đi từ 12h30 đế gần 23h đêm mới về tới nhà. 

Trải lòng của nhiều tài xế xe bus truyền thống Hà Nội sau "tâm thư" gây xôn xao mạng xã hội  - Ảnh 4.

Xe bus điện VinBus thu hút nhiều người đi lại. Ảnh: Gia Khiêm

"Nhiều lúc do tắc đường xe chôn chân cả tiếng khi tham gia giao thông. Xe về đến bến bị âm giờ nên chúng tôi xin đi luôn. Nhiều hôm anh em tài xế, phụ xe không có thời gian ăn trưa", tài xế này nói.

Cùng chung nỗi niềm này, một tài xế xe bus khác chia sẻ, việc tắc đường tại Hà Nội là ảnh hưởng chung. Tuy nhiên, với lái xe bus truyền thống như anh nếu ngày chạy chưa đủ chuyến thì "phải cố cho đủ". 

"Có hôm đã tan ca làm rồi nhưng chưa đủ chuyến nên tôi cùng phụ xe phải chạy cố. Thậm chí anh em chạy thông luôn quên cả giờ ăn cơm. Như tôi toàn về nhà mới ăn bởi được nghỉ thời gian ăn trưa tối ít, nhiều lúc tắc đường về bến đi luôn để kịp chuyến, tan ca làm vẫn chạy bao giờ đủ lượt. Nếu muộn quá 20h15 trở đi thì không được chạy thêm lượt nữa. Như vậy mình sẽ bị mất lượt và hôm sau phải chạy bù", tài xế chia sẻ.

Trải lòng của nhiều tài xế xe bus truyền thống Hà Nội sau "tâm thư" gây xôn xao mạng xã hội  - Ảnh 5.

Nhiều tài xế xe bus truyền thống cho biết, nhiều khi phải cố gắng chạy cho đủ lượt chuyến. Ảnh: Gia Khiêm

Trước chia sẻ cho rằng nhiều tài xế xe bus truyền thống "chạy ẩu, thái độ phục vụ chưa tốt", nam tài xế bày tỏ: "Không phải tài xế xe bus nào cũng vậy. Như tuyến của tôi vẫn luôn thân thiện với hành khách. Có hành khách thì tài xế, phụ xe, công ty vận tải mới trụ và phát triển được".

Nhiều tài xế cho biết, công việc lái xe bus nhiều lúc áp lực và mong muốn mức lương cao hơn. Họ chia sẻ, làm nhiều năm nhưng lương luôn dao động ở khoảng 7-9 triệu đồng/tháng.

"Chúng tôi mong muốn lương của mình sẽ được cải thiện tốt hơn. Khi có lương ổn định chăm lo cho gia đình ắt hẳn nhiều tài xế sẽ tận tình hơn trong công việc", một số tài xế bus truyền thống bày tỏ.

"Thượng đế" nói gì khi trải nghiệm hai loại hình xe bus 

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Hoan (trú tại Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, vẫn thường xuyên lựa chọn đi xe bus. Bà Hoan hay đi tuyến xe bus số 50, 18. 

Trải lòng của nhiều tài xế xe bus truyền thống Hà Nội sau "tâm thư" gây xôn xao mạng xã hội  - Ảnh 6.

Bà Nguyễn Thị Hoan (trú tại Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ về tài xế, phụ xe bus truyền thống. Ảnh: Gia Khiêm

"Nhìn chung tôi thấy thái độ phục vụ của tài xế, phụ xe đa phần đều tốt, không có vấn đề gì cả. Chỉ có một vài trường hợp chưa mặn mà với khách. Tôi nhớ có lần khách lên một xe bus phụ xe không buồn nhìn ai, ngồi xem điện thoại và cũng bị sót 2 trường hợp không bán vé. Sau đó đại diện xí nghiệp có người lên kiểm tra vé thì bị phát hiện. Phụ xe ấy chắc chắn sau bị kiểm điểm và bị phạt", bà Hoan chia sẻ.

Tiếp lời bà Hoan, một người dân khác chia sẻ, bản thân đã trải nghiệm hai loại hình xe bus truyền thống và VinBus. "Không chỉ riêng tôi mà nhiều người cũng sẽ cảm nhận rõ thái độ phục vụ của hai loại hình vận tải này. Lên xe VinBus mát hơn, sạch sẽ hơn. 

Tài xế, phụ xe chào hỏi thân thiện, có vấn đề thắc mắc gì họ cũng sẽ tận tình hướng dẫn. Bên cạnh đó, họ để mọi người lên không vội vàng, không hề gấp gáp. Còn xe bus truyền thống ngược lại. Nhiều tài xế, phụ xe có thái độ phục vụ chưa tốt. Có tài xế khi ra vào bến phóng vù vù khiến người ngồi trên xe chao đảo", nữ hành khách chia sẻ.

Trải lòng của nhiều tài xế xe bus truyền thống Hà Nội sau "tâm thư" gây xôn xao mạng xã hội  - Ảnh 7.

Bà Phạm Thị Liên cho biết, tài xế phụ xe VinBus phục vụ khách lịch sự tuy nhiên nhiều tuyến đường chưa được trải rộng xe. Còn xe bus truyền thống có nhiều lựa chọn, thuận tiện đi lại các địa điểm. Ảnh: Gia Khiêm

Bà Phạm Thị Liên cho biết: "Tôi đã trải nghiệm hai loại hình xe bus trên. Tôi thấy VinBus các tài xế phụ xe phục vụ khách lịch sự, xe sạch sẽ, mát, đi lại nhẹ nhàng nhưng nhiều tuyến đường chưa được trải rộng. Còn xe bus truyền thống có nhiều lựa chọn, thuận tiện đi lại các địa điểm. Thái độ phục vụ của bus truyền thống có nhiều phụ xe rất tốt nhưng bên cạnh đó những người chưa có văn hoá lắm khi nói chuyện với hành khách, đặc biệt những người cao tuổi, thiếu sự tôn trọng". 

Nhiều hành khách mong muốn có sự thay đổi về thái độ phục vụ cũng như việc không xảy ra chạy ẩu đối khi tham gia xe bus truyền thống.

Trao đổi với PV Dân Việt, một vị đại diện Tổng công ty vận tải Hà Nội cho biết, đơn vị đã nắm được "tâm thư" được cho của tài xế đăng tải lên mạng xã hội gây xôn xao vài ngày qua.

"Về vấn đề này chúng tôi chưa thấy người lao động nào trong đơn vị có ý kiến. Chúng tôi cũng đang rất muốn tìm người đăng tải thông tin để trao đổi. Còn tại đây là môi trường vui vẻ, rất tốt", vị đại diện này cho hay.

Trước chia sẻ của PV về việc có khảo sát một số tài xế xe bus mong muốn đơn vị xem xét tăng mức lương, vị đại diện này cho biết thêm: "Chúng tôi chưa thấy có ai có ý kiến về vấn đề này, thi thoảng công ty tổ chức Hội nghị người lao động nếu ai có ý kiến, nguyện vọng gì sẽ đề xuất".