Từ chuyện nam sinh quên laptop 22 triệu ở trạm xe bus gây tranh cãi: "Có nên bán trâu, lúa để mua cho con?"

Tào Nga Thứ hai, ngày 20/06/2022 11:54 AM (GMT+7)
Câu chuyện một sinh viên năm nhất lên mạng xin giúp đỡ tìm lại chiếc máy tính 22 triệu đồng mà "khó khăn lắm bố mẹ bán con trâu và tạ lúa gửi tiền mua" đang gây tranh cãi.
Bình luận 0

Nam sinh quên máy tính 22 triệu đồng ở trạm xe bus

Tối muộn ngày 19/6, mạng xã hội râm ran chuyện một sinh viên năm nhất đã chia sẻ bài viết nhờ cộng đồng mạng "ra tay" sau khi quên máy tính 22 triệu đồng ở trạm xe bus.

Cụ thể, nam sinh này cho biết hiện đang học năm nhất và khó khăn lắm bố mẹ bán được con trâu và tạ lúa gửi lên để có tiền mua cái laptop đi học. "Tối em có đi mua chiếc laptop trị giá 22 triệu đồng vừa xong, lúc ra về em có bắt xe bus cạnh sông Tô Lịch. Khi ngồi chờ xe bus, em lên xe vội lại bỏ quên túi có máy tính trong đó", nam sinh chia sẻ.

Nam sinh mong ai nhặt được máy tính thì xin được chuộc lại vì "đó là tài sản khó khăn bố mẹ mới mua cho em đi học". Bạn cũng cho biết đã ngồi cả tối mong ai đó quay lại trả mà không thấy phép màu nào xảy ra.

Nam sinh quên máy tính 22 triệu đồng ở trạm xe buýt nổ ra tranh cãi "Có nên bán trâu, lúa để mua cho con?" - Ảnh 1.

Nam sinh quên máy tính 22 triệu đồng ở trạm xe bus ngồi chờ ai đó nhặt được trả lại. Ảnh: Hà Nội

Chỉ sau thời gian ngắn đăng tải thông tin, bài viết nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều người cho biết, nếu không tìm được máy tính có thể góp tiền để nam sinh này mua máy mới. Rất may, sau đó, người nhặt được đã đem trả lại chiếc máy tính quý giá này cho bạn.

Tuy nhiên, cùng với niềm với nam sinh tìm được đồ mất, cộng đồng mạng cũng đã nổ ra tranh cãi: "Tại sao bố mẹ nghèo mà nam sinh này lại mua hẳn chiếc máy tính 22 triệu đồng? Tại sao nam sinh không mua máy ít tiền hơn đỡ gánh nặng cho cha mẹ? Năm thứ nhất cần gì phải dùng máy tính xịn"... Đây cũng là câu chuyện đáng lưu tâm bởi lâu nay cha mẹ dù có khó khăn, phải bán trâu và lúa thì cũng dành mọi điều tốt đẹp hết cho con.

Thấy gì qua việc cha mẹ bán trâu và lúa để mua máy tính cho con?

Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đã nêu quan điểm về vấn đề này: "Qua sự việc "Lời thỉnh cầu" của sinh viên năm thứ nhất bỏ quên chiếc máy tính 22 triệu đồng tại bến xe bus, tôi không bình luận theo hướng phê và chê nhân vật mà chỉ muốn đưa ra một góc nhìn cho các bạn trẻ khi dấn thân độc lập sống xa nhà.

Chúng ta không phủ nhận tình thương con, hy sinh tất cả vì con của cha mẹ là một nét đẹp truyền thống; mọi người muốn giúp bạn trẻ mua lại máy tính thể hiện là sự tương thân – tương ái. Nhưng chúng ta có thể nhìn theo một góc mới là độc lập – trưởng thành và chịu trách nhiệm của thanh niên ngày nay.

Nam sinh quên máy tính 22 triệu đồng ở trạm xe buýt nổ ra tranh cãi "Có nên bán trâu, lúa để mua cho con?" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên. Ảnh: NVCC

Thực tế tâm lý của cha mẹ Việt Nam đang làm chậm đi nhịp phát triển lối sống tự lập của con trẻ. Trong hành trình cuối cùng của tuổi teen từ 18 đến 23 tuổi, cha mẹ cần điều chỉnh để chính mình không mắc cảm giác thất vọng, hoặc tội lỗi khi con cần chu cấp tiền ăn ở, trang thiết bị máy tính như bạn trẻ trong trường hợp này.

Như vậy, có 3 thách thức mà cha mẹ phải gặp trong thời gian để cùng con nên người: Đánh giá con có thực sự cần máy tính đắt tiền và tốc độ cao để cho phù hợp dùng ngay trong năm thứ nhất hay chưa? Hay con dùng đó vào việc giải trí hoặc dùng máy tính làm vật để chứng minh mình đã có công cụ cho biết mình sẵn sàng cho học tập hay để bạn bè biết mình cũng không thua kém gì? Cha mẹ có thể cho con thấy hoàn cảnh thực của gia đình mình và đặt câu hỏi có cần thiết phải bán trâu bò hay phải đi vay mượn để đáp ứng như cầu của con. Bạn có thể đặt những câu hỏi để con có thể trả lời, tìm giải pháp.

Tâm lý mặc cảm của cha mẹ không đủ điều kiện thường nghĩ: Cho con bằng bạn bằng bè. Nuôi con là phải đầu tư cho con tốt nhất thế mới là hoàn thành nghĩa vụ làm cha mẹ. Quyền quyết định phụ thuộc vào bạn nhưng bản thân cha mẹ cũng đang vất vả, xoay xở, bươn trải. Sao không nghĩ các bạn đã làm rất tuyệt vời như nhưng bậc cha mẹ giàu có rồi. Phần còn lại là con mình cùng chung tay thôi.

Tâm lý đầu tư thật tốt con mới thành tài: Việc dồn toàn bộ sức lực, tiền của thậm chí vay mượn để cho con mua máy tính thể hiện cho thấy một giả định chưa chắc đã thành sự thật vì trong những hoàn cảnh đó những bạn trẻ sẽ mang tâm lý dựa dẫm mà chưa chắc đã dùng đúng sự đầu tư của cha mẹ vào để toàn tâm cho hai chữ "thành tài". Nếu chúng ta để ý sẽ thấy những tấm gương tài năng thường là do cha mẹ rèn con tính độc lập và vượt khó.

Từ câu chuyện chiếc máy tính tôi muốn kết nối giúp các con trẻ bắt đầu hành trình độc lập sống xa nhà để học tập xa hơn với mái trường đại học hay cao đẳng. Đó là thử thách lớn giúp con trưởng thành, các bạn trẻ có thể có 3 quan niệm chưa đạt chuẩn trong cuộc sống tự lập trách nhiệm của mình:

Các con tư duy theo quan hệ nhân quả đơn giản mà chính mình không thể chứng minh để thuyết phục có máy tính tốt thì học tốt. Điều này chỉ chứng minh là mình sẵn sàng với sự hoàn hảo nhưng chiếc máy tính đó cũng không hẳn hoàn hảo vì chỉ sau một năm nữa công nghệ phát triển, máy tính đó cũng lại bị lỗi thời. Ngoại trừ những chương trình học năm đầu tiên cũng là những phần cơ bản và việc dùng máy tính cho IT hay các phần mềm chuyên dụng nhưng đa phần năm thứ nhất là học kiến thức đại cương nên máy tính chuẩn cao chưa thể dùng hết công năng ngay trong năm thứ nhất.

Thế nên lời khuyên các bạn là có thể lên trường học xong hãy tính xem cho hợp lý để đầu tư.

Sống tự lập là sự lựa chọn của các bạn trẻ: Những người con sống tự lập thì sức mạnh của tự chịu trách nhiệm trước lựa chọn của mình khi thương cha mẹ nên đặt câu hỏi có cần thiết phải bán hết công cụ sản xuất như trâu, bò để hy sinh cho mình.

Các bạn trẻ thực sự tự lập có thể mua máy cũ ban đầu, giá rẻ hơn rồi tìm cách nâng cấp nếu bạn học IT, hoặc bạn có thể mua trả góp khi mình đi làm thêm để trả dần. Bởi là sinh viên chẳng ai không muốn trải nghiệm làm thêm, thực tập, dạy thêm để kiếm tiền cả. Một giả định thao túng cha mẹ mà không cảm giác thấy tội lỗi: Cha mẹ thiếu hiểu biết có thể mở lòng để con trẻ mình thao túng tình cảm cha mẹ qua những việc đòi hỏi quá sức khi sống xa nhà.

Hiện tượng các con trẻ bao giờ cũng theo một thời thượng thích mốt, thích đồ hàng hiệu mà lại chưa nhìn tới hoàn cảnh của cha mẹ để đưa ra một lựa chọn kém cỏi thì khó có thể bứt mình ra với kỹ năng độc lập sống xa nhà.

Việc sử dụng máy tính hiệu quả: Cuối cùng, luôn có giá trị đặt ra câu hỏi đầu tư cơ bản vào một chiếc máy tính đắt tiền để đánh giá việc tiêu tốn tiền bạc của cha mẹ và thời gian, năng lượng của bạn có sử dụng đúng mục đích.

Câu hỏi mà chúng ta có thể dễ tìm lời giải đáp là một chiếc máy tính "pro" có công năng và dung lượng như máy tính bạn sử dụng được bao nhiêu phần trăm cho công việc, học tập.

Sự việc khi tìm thấy máy tính giúp em học sinh nghèo cho thấy giá trị truyền thống của chúng ta vẫn luôn là tốt đẹp. Chúng ta cần góc nhìn của sự thực để giúp duy trì nó và giúp con trẻ chúng ta phát triển khác biệt tỏa sáng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem