Dân Việt

Tin mới nhất về cơn bão số 1 trên biển Đông: Bão số 1 cách Hoàng Sa 400km, nắng nóng ở Bắc Bộ chấm dứt

L.V.S 30/06/2022 11:53 GMT+7
Vào lúc 10 giờ ngày 30/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.

Tin mới nhất về cơn bão số 1 trên biển Đông

Cụ thể, theo thông tin mới nhận nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 01/7, vị trí tâm bão ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Tin mới nhất về cơn bão số 1 trên biển Đông: Bão số 1 cách Hoàng Sa 400km, nắng nóng ở Bắc Bộ chấm dứt - Ảnh 1.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,0 đến 20,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,0 đến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 02/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 120km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24-48 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 03/7, vị trí tâm bão ở khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 5-10km và cường độ có xu hướng suy yếu dần.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 01 nên khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4,0-6,0m, biển động mạnh.

Trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.

Bão số 1 cách Hoàng Sa 400km, nắng nóng ở Bắc Bộ chấm dứt

Chia sẻ về vấn đề nắng nóng, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) nhận định: Ngày 30/6, khi có tác động dải hội tụ nhiệt đới, vùng áp thấp nóng gây ra hiện tượng nóng ở Trung Bộ suy yếu, nắng nóng ở khu vực này sẽ giảm và khả năng kết thúc vào ngày đầu tháng 7.

Về dự báo xa, trong tháng 7/2022, theo đánh giá của cơ quan khí tượng thủy văn, ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung vẫn xuất hiện nhiều ngày nắng nóng. Tuy nhiên, khu vực này sẽ không xuất hiện những đợt nóng quá gay gắt; mức nhiệt ở Bắc Bộ dự báo dao động từ 35-37 độ, ở Trung Bộ phổ biến từ 36-38 độ, nhưng vùng núi phía Tây ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Trị - nơi có tác động của gió Phơn nhiệt độ cục bộ khả năng sẽ cao hơn mức phổ biến 1-2 độ.

Công tác ứng phó với bão số 1

Để chủ động ứng phó với bão số 1, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT - Văn phòng Ủy  ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN yêu cầu Ban Chỉ huy  PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau: 

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo cho chủ các  phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí,  hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh,  thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên Biển  Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) được xác định từ vĩ tuyến 15 đến 19 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 113,5 đến 117,5 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm  được điều chỉnh trong các bản tin dự báo). 

Tin mới nhất về cơn bão số 1 trên biển Đông: Bão số 1 cách Hoàng Sa 400km, nắng nóng ở Bắc Bộ chấm dứt - Ảnh 2.

Để chủ động ứng phó với bão số 1, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung

2. Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực  ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các  phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ  các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại bến. 

3. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi  có tình huống.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh  báo, thông tin kịp thời về diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ động triển khai các  biện pháp ứng phó. 

5. Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều  kiện cho ngư dân và tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. 6. Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện  pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. 

7. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan  thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tăng cường thông tin, truyền  thông về diễn biến ATNĐ và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả.  

8. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng  thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban  Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Mưa lớn và cảnh báo lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An

Đêm hôm qua và sáng nay (30/6), ở khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 29/6 đến 08h ngày 30/6 một số nơi trên 80mm như: Mường Pồn (Điện Biên) 152mm, Ngọc Sơn (Hòa Bình) 129.2mm, Việt Trì (Phú Thọ) 121.6mm, Hà Lang (Tuyên Quang) 116.6mm, Phúc Lợi (Yên Bái) 96.2mm, Minh Quang (Vĩnh Phúc) 84mm,…

Dự báo: Ngày và đêm nay (30/6), ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm) với lượng mưa tích lũy 24h phổ biến 30-70mm, riêng Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ có nơi trên 100mm.

Khu vực Hà Nội: Ngày và đêm nay (30/6), có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm).

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Cảnh báo: Đợt mưa lớn này ở Bắc Bộ còn có khả năng kéo dài và diễn biến phức tạp trong những ngày đầu tháng 7. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.