Đối thoại Biển lần thứ 8 với chủ đề "Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: thúc đẩy hợp tác biển ở Đông Nam Á" trong 2 ngày 28 – 29/6 là dịp để nhấn mạnh lại giá trị của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) sau 40 năm, cũng như thảo luận những khía cạnh hợp tác tiềm năng đối với khu vực Đông Nam Á.
Điểm nhấn trong Đối thoại lần này là sự tham gia của hai Thẩm phán từ Toà án Luật biển Quốc tế (ITLOS) - Thẩm phán Rudiger Wolfrum (Đức) và Thẩm phán Kriangsak Kittichaisaree (Thái Lan) với hai phát biểu dẫn đề về tiềm năng của các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế được thiết lập theo UNCLOS và vai trò, sự phát triển trong tương lai của UNCLOS.
Thúc đẩy sử dụng hòa bình các vùng biển
Các vấn đề cốt lõi được thảo luận tại Đối thoại biển lần thứ 8 là: (i) một số vấn đề pháp lý và hàng hải chưa được nghiên cứu đầy đủ liên quan đến việc thực thi UNCLOS ở Đông Nam Á; (ii) giảm thiểu phát thải từ các hoạt động vận tải và sáng kiến vận tải không phát thải; (iii) nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia giáp biển nửa kín và (iv) bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển trong các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia.
Qua bốn phiên thảo luận cởi mở và thực chất, các phát biểu khoa học nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển trong duy trì trật tự pháp lý trên biển, đề cập tới những khía cạnh có liên quan trực tiếp đối với khu vực Đông Nam Á, hướng tới các giải pháp giải quyết bất đồng, tăng cường hợp tác và đưa ra các khuyến nghị chính sách thiết thực cho các quốc gia trong khu vực.
Trong phát biểu dẫn đề, Thẩm phán Wolfrum điểm lại những thách thức mới nảy sinh sau 40 năm UNCLOS được thông qua, liên quan đến biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, nhân quyền trên biển và sự phát triển của các công nghệ mới. Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia đều khẳng định và tin tưởng mạnh mẽ rằng UNCLOS vẫn còn đầy đủ giá trị và có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề mới nảy sinh trên biển.
Tại Đối thoại, nhiều chuyên gia từ không chỉ các quốc gia ven biển mà cả các quốc gia không giáp biển đã chia sẻ các kinh nghiệm và sáng kiến hiện có nhằm thúc đẩy việc sử dụng hòa bình các vùng biển và tăng cường hợp tác hàng hải. Đại sứ Mai Sayavongs (Viện Đối ngoại, Bộ ngoại giao Lào) đề cập đến thực tiễn của Lào là quốc gia không có biển với quyền được hưởng tự do quá cảnh, tiếp cận và đi ra biển, bày tỏ kỳ vọng Lào sẽ có thể tham gia thiết thực hơn vào các hoạt động kinh tế biển, đặc biệt với sự hỗ trợ từ các quốc gia láng giềng như Việt Nam.
GS. Kentaro Nishimoto (Trường Luật, Đại học Tohoku, Nhật Bản) khẳng định việc một quốc gia chưa tham gia hay phê chuẩn UNCLOS không làm ảnh hưởng đến vấn đề phân định biển hay khả năng hợp tác giữa các nước tại khu vực.
Trong phiên 2, các diễn giả tập trung thảo luận về khuôn khổ pháp lý nhằm ứng phó với vấn đề ô nhiễm trên biển. Theo đó, hiện nay, vấn đề ô nhiễm biển nói chung và giảm phát khí thải nhà kính đã được quy định trong nhiều điều ước quốc tế. Mục tiêu giảm phát thải nhà kính từ hoạt động hàng hải được nhận định là nhiệm vụ khó khăn đặt ra đặt ra cho các quốc gia, cho các tổ chức quốc tế như IMO mà còn với các chủ thể trong ngành công nghiệp hàng hải. Một số học giả còn chia sẻ chính sách của một số quốc gia trong nỗ lực giảm phát khí thải như Malaysia, Singapore…
Thách thức mới với UNCLOS
Trong bài phát biểu dẫn đề, Thẩm phán ITLOS Kriangsak Kittichaisaree cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nhiều thách thức mới đặt ra cho Công ước UNCLOS 1982, bao gồm: (i) việc khai thác các tài nguyên vi sinh vật tại thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý; (ii) biến đổi khí hậu và nước biển dâng; (iii) vấn đề đảm bảo quyền con người trên biển và (iv) công nghệ mới và tự hành cũng như những vùng xám trong UNCLOS.
Thẩm phán cho rằng Công ước UNCLOS tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong luật biển quốc tế, ITLOS và các cơ chế giải quyết tranh chấp quy định trong UNCLOS có thể tiếp tục áp dụng UNCLOS để giải thích cho những bước phát triển mới trong vấn đề luật biển chưa được điều chỉnh trong UNCLOS.
Trong phiên 3, các diễn giả thảo luận về nghĩa vụ hợp tác quốc tế tại các vùng biển kín và nửa kín được quy định trong điều 123 UNCLOS cũng như thực tiễn, mô hình hợp tác trên biển tại một số khu vực như Biển Đông.
Có ý kiến cho rằng hiện nay sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với quy chế biển kín và nửa kín còn hạn chế. Cũng có ý kiến cho rằng Điều 123 được quy định một cách mập mờ, do đó, đây là một thách thức lớn trong việc khuyến khích các quốc gia trong việc thực thi nghĩa vụ hợp tác, nhất là tại các khu vực có những bất đồng tranh chấp và thiếu lòng tin.
Vì vậy, một số học giả đã đưa ra một số khuyến nghị tăng cường hợp tác như: các quốc gia ven biển nên chăng đưa ra các nghĩa vụ "thực chất" để tăng cường hợp tác tại các vùng biển kín và nửa kín, hay có thể mời các quốc gia không có biển tham gia vào các dự án hợp tác; tăng cường hợp tác về nghiên cứu khoa học biển giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế, v..v..
Phiên 4 tập trung thảo luận về vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển trong các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ). PGS. Jacqueline Joyce F. Espenilla (Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển, Đại học Philippines) đã đề cập đến việc làm thế nào để Thoả thuận BBNJ có thể cân bằng các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia để khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia và các nguồn lực có thể được chia sẻ một các bền vững cho tất cả mọi người.
Bà cho rằng Thoả thuận BBNJ ngụ ý tầm quan trọng của việc phản ánh tiếng nói và lợi ích khác nhau của tất cả các bên liên quan đến đại dương. Một số ý kiến khẳng định vai trò của các nước đang phát triển như nhóm G77-Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á trong quá trình đàm phán xây dựng hiệp định về BBNJ.
Phát biểu bế mạc tại Đối thoại, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá cao các ý kiến trao đổi khoa học, thẳng thắn và các đề xuất kiến nghị thu nhận tại Đối thoại sẽ góp phần vào việc nâng cao nhận thức và duy trì hoà bình ổn định tại Biển Đông.