Lạm phát hàng năm tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức kỷ lục mới là 8,6% trong tháng 6. Số liệu được Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat công bố mới đây, trong bối cảnh các tổ chức quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay do lo ngại giá hàng hóa, nhất là lương thực và thực phẩm có nguy cơ đẩy lạm phát lên cao hơn nữa.
Theo Eurostat, mức tăng giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng Euro đã tăng cao hơn so với mức kỷ lục 8,1% được ghi nhận trước đó trong tháng 5 và đang ở mức cao nhất kể từ năm 1999. Phân tích các yếu tố chính của lạm phát cho thấy giá năng lượng đã tăng vọt 41,9% trong tháng 6 so với 39,1% của tháng 5, trong khi giá thực phẩm, rượu và thuốc lá cũng tăng từ 7,5% lên 8,9%. Nguyên nhân chính là do chi phí lương thực và năng lượng tăng cao trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ucraina và các mối đe dọa về nguồn cung khí đốt tiếp tục đẩy giá các hóa đơn lên cao.
Tại cuộc họp đặc biệt của Hội đồng châu Âu hồi cuối tháng 5 vừa qua, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 6 với Nga, đặc biệt trong đó bao gồm lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga vận chuyển qua các đường ống. Cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây đã khiến giá dầu liên tục thiết lập các kỷ lục mới từ đầu năm đến nay và hiện ở mức 120 USD/ thùng. Việc tăng giá năng lượng đang đẩy lạm phát trong khu vực đồng Euro lên cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% trong trung hạn, buộc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.