Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 sẽ diễn ra vào cuối tuần này, ngày 7-8/7. Ngoài việc nắm những quy định về các vật dụng khi đi thi cũng như quy định trong phòng thi, có một việc thí sinh cần lưu ý đó là tô phiếu trả lời trắc nghiệm khi làm bài thi tổ hợp.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, ngoài môn Ngữ văn thì tất cả các môn khác đều là thi trắc nghiệm. Vì vậy, cách tô phiếu trả lời trắc nghiệm thi THPT chuẩn là vấn đề hết sức quan trọng đối với thí sinh.
Cách tô phiếu trả lời trắc nghiệm thi tốt nghiệp THPT 2022 chuẩn nhất: Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, về phiếu trả lời trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần lưu ý các điều dưới đây.
Thí sinh cần giữ phiếu trả lời trắc nghiệm cho phẳng, không bôi bẩn, không làm nhàu, rách nát.
Thí sinh phải ghi đầy đủ, rõ ràng các mục từ mục 1 đến mục 8.
Số báo danh ghi tại mục 7 là 6 chữ số cuối.
Tại mục 7 và 8, ngoài việc ghi chữ số vào ô trống, thí sinh nhất thiết phải tô kín các ô tròn trong bảng số phía dưới tương ứng với chữ số đã ghi.
Phần trả lời: Số thứ tự các phương án trả lời (A, B, C, D) là tương ứng với thứ tự câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi. Đối với mỗi câu trắc nghiệm, thí sinh chọn và tô kín một ô tròn tương ứng với một phương án trả lời mà thí sinh cho là đúng.
Thí sinh không được tô vào phương án có số thứ tự không tương ứng với câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi.
Sau đây là các lỗi thí sinh thường gặp khi tô phiếu trả lời trắc nghiệm, cùng xem và rút kinh nghiệm cho bản thân để tránh mắc lỗi:
Thí sinh không tô số báo danh, tô nhầm số báo danh người khác, hoặc tô không đúng quy cách, tô số báo danh không tồn tại khiến hệ thống chấm thi không thể nhận biết được.
Thí sinh không tô mã đề thi, hoặc tô nhầm, tô sai quy định.
Việc tô sai mã đề thi có hai trường hợp xảy ra:
Nếu mã đề không tồn tại: Máy quét sẽ báo lỗi và cán bộ chấm thi sẽ rút bài thi ra để kiểm tra đối chiếu với giấy tờ lưu để điều chỉnh cho đúng với mã đề. Sau khi điều chỉnh xong sẽ tiếp tục cho vào máy chấm bình thường.
Nếu mã đề tồn tại (túc trùng với mã đề khác): Máy vẫn chấm bình thường và kết quả của thí sinh sẽ thấp hơn so với thực tế. Khi đó thí sinh cần làm đơn phúc khảo và nêu rõ lý do phúc khảo để Hội động tuyển sinh có thể dễ dàng kiểm tra và đối chiếu.
Tô đáp án bằng bút mực, bút bi hoặc bằng 2 màu mực trong một bài thi.
Tô quá nhạt, không hết ô.
Tẩy không sạch đáp án: Vì bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy, nếu thí sinh thấy đáp án vừa tô sai mà tẩy không sạch, máy sẽ nhầm lẫn thí sinh chọn 2 đáp án và như thế là vi phạm quy chế, sẽ không được tính điểm.
Nhiều thí sinh khi làm bài trắc nghiệm có thói quen khoanh tròn gạch đánh dấu vào đáp án. Nếu trên phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh không tô hết diện tích ô tròn mà chỉ gạch chéo, đánh dấu ký hiệu riêng thì đáp án đó sẽ không được chấp nhận.
Tô nhầm, tô 2 đáp án.
Ngoài ra, theo tư vấn từ Cổng thông tin kỳ thi THPT, sau khi thi xong cán bộ coi thi sẽ gọi các thí sinh lên nộp bài, ghi mã đề tương ứng với số báo danh, họ tên và ký vào 1 tờ giấy. Lúc này SBD - Mã đề đã được khớp lại 1 lần.
Trường hợp phần bút mực của số báo danh ghi trên phiếu điền đáp án bị lệch so với tờ giấy lúc ký, cán bộ coi thi sẽ gọi thí sinh lên và có điều chỉnh lúc này.
Trường hợp thí sinh tô sai số báo danh trên phiếu trả lời trắc nghiệm (phần viết số bằng bút mực đúng). Khi chấm thi, nếu phần mềm chấm thi thấy bất thường, cán bộ chấm thi sẽ soát lại 1 lần nữa để kiểm tra lại phần các thí sinh ghi bút mực, phần tô bút chì và tờ giấy các thí sinh ký lúc nộp bài.
Quá trình chấm thi trắc nghiệm sẽ có quy trình kiểm dò để phát hiện những thông tin sai. Trong quá trình dò, máy sẽ phát hiện ra những lỗi như số báo danh trùng nhau, mã đề không tồn tại… Khi phát hiện lỗi này, bộ phận chấm thi trong đó có sự giám sát của công an sẽ sửa lại lỗi và đưa vào chấm bình thường.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022- Tăng cường các giải pháp chống gian lận. Clip: VTV24