Những người dân sống lân cận khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) không mấy ai lạ lẫm với bà lão ngoài 70 tuổi, dáng người rắn rỏi, giọng nói vang đều đặn mỗi ngày đi bộ hơn 10 vòng bờ hồ để nhặt ve chai. Nhưng ít ai biết, bà lão đặc biệt này còn không ít lần cùng công an bắt nhiều đối tượng móc túi, "tăm tặc".
Trái ngược với nhiều người khi thấy kẻ gian sẽ chọn cách im lặng, bà lão nhặt ve chai lại thích lo chuyện bao đồng hơn là khoanh tay đứng nhìn. Hơn 40 năm sống lang thang phố cổ Hà Nội, rất nhiều đối tượng móc túi theo đuổi "con mồi" thấy "mụ già" Nậm phải ngán ngẩm rời đi.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Nậm cho biết, ngần ấy thời gian ăn ngủ bờ hồ Hoàn Kiếm nên bà biết rõ đâu là khách du lịch, đâu là kẻ gian bởi bà đã nhẵn mặt nhóm móc túi, bán tăm lừa đảo.
Bà kể, cách đây khoảng 3 tháng, khi đang đi nhặt ve chai quanh bờ hồ, bà phát hiện gần chục đối tượng đang đi theo một nhóm bạn trẻ. Biết có chuyện chẳng lành, bà Nậm lặng lẽ bám theo rồi mượn điện thoại của người đi đường gọi cho Công an quận Hoàn Kiếm bắt sống được nhóm móc túi.
"Khi bị bắt, nhóm đối tượng còn cãi nhem nhẻm nhưng trước bằng chứng không thể chối cãi, công an đã đưa 4 - 5 người về trụ sở xử lý", bà Nậm tươi cười kể.
Ngoài những lần không ngại va chạm với nhóm đối tượng xấu, trong những buổi lang thang đi nhặt ve chai, bà Nậm nhiều lần nhặt được tài sản có giá trị như máy tính, ví tiền, điện thoại… của người dân để quên khi mải mê chụp ảnh rồi tìm cách trả lại bằng được.
"Có hôm 2h sáng tôi còn nhặt được túi xách trong đó có điện thoại, ví tiền. Không thấy ai quay lại nhận cũng chẳng biết họ là ai mà tìm. Những lần như vậy, tôi mang lên Công an phường Hàng Đào bàn giao. Không lâu sau đó người mất tài sản lên trình báo thì nhận lại được đồ.
Nhiều người cho tôi tiền để cảm ơn nhưng tôi không lấy vì nghĩ họ cũng vất vả lao động mới làm ra, không may đi chơi sơ suất bị mất, có nhặt được mình cũng sao nỡ lấy đi. Tôi lang thang kiếm sống thật nhưng chẳng bao giờ nảy sinh lòng tham đi lấy đồ của người khác. Nếu tham, sao tôi trụ lại được ở đây mấy chục năm trời", bà Nậm chia sẻ.
Nhiều năm lang thang kiếm sống quanh bờ hồ rồi phố cổ, bà Nậm được một gia đình ở gần trụ sở Công an phường Hàng Đào giúp, cho tắm gội nhờ. Xong xuôi bà lại ra khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm nhặt ve chai.
"Nhiều năm ở trên này rồi nên với tôi "tối đâu cũng là nhà, ngã đâu cũng là giường", kiếp sống lang thang mà, chẳng cần cầu kì. Được cái ông trời cho mụ già như tôi sức khỏe. Bao năm qua, nắng thì tôi ở dưới gốc cây, mưa thì ngủ vỉa hè may mà không ốm đau gì", bà Nậm cười.
Vừa nói chuyện phút chốc, bà Nậm lại nhìn xung quanh rồi vội đuổi khéo chúng tôi vì bà lão không muốn mọi người quanh đó dèm pha. Bà Nậm sợ mỗi khi có người đến hỏi chuyện lại nhận không ít lời dèm pha từ những người xung quanh.
"Có lúc có người mắng chửi, bảo tôi là "con mụ nhặt rác đầu đường xó chợ lại dương oai, diễu võ". Có người thì tránh, bảo tôi là "kẻ bao đồng", hở một chút là soi mói hoặc hung hăng, đánh đấm người khác", bà Nậm chia sẻ.
Khi xung quanh có nhiều người dèm pha, bà Nậm cũng vì thế mà ít kể với cho ai biết về gia đình của mình. Phần nữa vì bà lão sợ kể ra thì gia đình mình gặp nguy hiểm bởi không ít đối tượng xấu không ưa gì bà lão nhặt ve chai này.
Ít người biết tôi có 2 người con. Các con tôi ở quê đều đã có gia đình. Con trai cả 50 tuổi, bị tai biến nhiều năm nay. Trước còn nhặt được nhiều ve chai, cứ 3 tháng tôi lại gửi cho con vài triệu nhưng từ khi Covid-19, cuộc sống khó khăn nên tôi cũng không gửi được gì", bà Nậm ngậm ngùi.
Cách đây vài tháng, trong lúc ngủ ở ghế ven bờ hồ, bà Nậm bị kẻ gian móc mất hơn 20 triệu đồng. Đó là số tiền bà lão tích góp 2 - 3 năm từ việc nhặt ve chai mới có được.
"Để có số tiền đó, tôi phải đánh đổ mồ hôi công sức, nhặt nhạnh ve chai bán với giá 4 nghìn đồng/kg, dành dụm mà có được. Chính vì vậy, khi bị mất trộm tôi biết mình càng phải bài trừ những đối tượng trộm cắp, móc túi. Hễ cứ phát hiện đối tượng nào nghi vấn, tôi liền báo công an.
Người ta lo bị trả thù chứ riêng tôi thì không. Tôi nói với công an, nếu ngày nào tôi gặp chuyện, cứ tra hỏi những đối tượng móc túi quanh khu vực bờ hồ, kiểu gì cũng ra", bà Nậm cười xòa.
* Bài có sự biên tập ở title