Giai đoạn 2010-2020 thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, TP.HCM đã đào tạo cho khoảng 32.046 lao động (12.407 lao động nữ), đạt 118% so với Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020" đề ra.
Trong đó, đào tạo nghề cho thành viên Hợp tác xã, trang trại, lao động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 70%, an sinh xã hội là 10% và lao động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là 20%. Các nghề được đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp như: trồng và chăm sóc hoa lan, cây kiểng, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật nuôi heo, bò, tôm, cá, sản xuất muối, chế biến hải sản khô...
Anh Nguyễn Tấn Phong, ở ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh cho biết, gia đình tôi trước đây chỉ chuyên sản xuất cá thịt như cá tra, trê, lóc, điêu hồng… sống được nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2012, được sự quan tâm hỗ trợ của Trạm Khuyến nông Bình Chánh cho đi tập huấn, tham quan, học nghề về mô hình nuôi cá Koi, anh Phong bắt đầu tìm hiểu và nuôi thêm loại cá này. Đây là con cá được đánh giá là có giá trị kinh tế rất cao. Đến nay gia đình anh đã mở rộng được 2ha. Hiện nay, gia đình canh nuôi 04 loại cá: cá Koi, chép Nhật, Nam Dương và Ông Tiên.
"Với 2ha, trung bình mỗi tháng tôi thu lời cũng được khoảng 30 - 40 triệu/tháng bình thường trong năm. Còn các tháng Tết (từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau) thu cũng hơn 100 triệu mỗi tháng. Tính ra mỗi năm thu được 700 – 800 triệu", anh Phong nói. Ngoài ra, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 nhân công, mỗi ngày trả 200 ngàn đồng, bao cơm.
Theo anh Phong, phong trào nuôi cá cảnh tại địa phương đang phát triển rất mạnh, vì đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Hiện xã Bình Lợi đã thành lập được 01 tổ hợp tác nuôi cá cảnh với quy mô hơn 18ha, 20 hộ tham gia, trong đó có gia đình anh. "Đến với tổ hợp tác chúng tôi cùng nhau trao đổi, giúp nhau về kỹ thuật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, chia sẻ thị trường tiêu thụ và cùng nhau bảo vệ nguồn nước chung nhằm hạn chế dịch bệnh trên diện rộng", anh Phong thổ lộ.
Với kinh nghiệm nuôi cá cảnh trong thời gian dài, anh Phong đề nghị, là nông dân chỉ biết nuôi theo kinh nghiệm nên được sự quan tâm hỗ trợ của Trạm Khuyến nông quận và thành phố là điều rất đáng quý. "Sắp tới, chúng tôi cần hỗ trợ kỹ thuật, cách phòng và trị bệnh, giới thiệu các loại giống cá mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nguồn nước địa phương giúp người dân nơi đây sống ổn định với nghề nuôi cá kiểng, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống", anh Phong kiến nghị.
Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá hiệu quả đào nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: Số người có việc làm sau học nghề là 27.713 lao động/32.046 lao động được học nghề, đạt tỷ lệ 88,85%. Trong đó: số người được doanh nghiệp tuyển dụng là 1.102 lao động, 8.932 lao động có việc làm mới từ nghề đã học và tự tạo việc làm, 15.175 lao động tiếp tục công việc hiện tại. Tỷ lệ lao động làm đúng nghề đào tạo là 49,7%.
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố năm 2022. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 5.300 lao động nông thôn. Trong đó có 2.184 người học nghề nông nghiệp và 3.116 người học nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 85% trở lên. Trong đó, đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 4.676 người; đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cho 624 người.
Còn theo Công văn số 743 của UBND TP.HCM về xây dựng kế hoạch trung hạn đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là 8.111 người với tổng kinh phí thực hiện hơn 37 tỷ đồng. Mục tiêu là đào tạo nghề nông nghiệp đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, UBND thành phố còn đề xuất nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề do mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới và thực hiện Đề án 1956, thu nhập của người dân nông thôn TP.HCM tăng 2,72 lần. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt trên 63 triệu đồng.