Sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, Bộ LĐTBXH xây dựng đề án đổi mới đào tạo nghề lao động nông thôn
Sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, Bộ LĐTBXH xây dựng đề án đổi mới đào tạo nghề lao động nông thôn
Nguyên An
Thứ sáu, ngày 03/06/2022 13:32 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với ND ngày 29/5 vừa qua, nhiều nông dân đã đặt câu hỏi liên quan đến việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có trả lời như sau.
Để nông thôn trở thành "lực hút" lao động trẻ chất lượng cao
Hiện nay, rất nhiều lao động ở vùng miền núi từ người trẻ đến trung niên bỏ làm nông nghiệp để đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Khi đến các bản làng có thể dễ nhận thấy đa số là người già và trẻ em. Ngoài ra, giới trẻ hiện nay có xu hướng làm các ngành nghề có lương hàng tháng thay vì sản xuất nông nghiệp (cũng có những người trẻ bỏ phố về rừng - tuy nhiên số lượng rất nhỏ so với lượng bỏ rừng xuống phố).
Với xu hướng phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững, có trách nhiệm thì đòi hỏi yêu cầu về mặt công nghệ. Nên giới trẻ được coi là những nhân tố chủ chốt khi việc tiếp cận công nghệ và thông tin ở người già, đặc biệt là người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với ND ngày 29/5 vừa qua, nhiều nông dân có hỏi: "Vậy theo Thủ tướng, giải pháp nào để thu hút lượng lao động trẻ ở lại phát triển nông nghiệp, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc? Và giải pháp nào để thúc đẩy/nâng cao năng lực cho người nông dân, đặc biệt nông dân dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp?"
Đối với câu hỏi trên, lãnh đạo Bộ LĐTBXH trả lời: Ngày nay, xu hướng lao động trẻ tìm đến các tỉnh, các địa phương có điều kiện về kinh tế, môi trường và mức sống tốt hơn đang ngày càng phổ biến. Đã có một số thôn, bản, xóm, làng, số lao động trẻ ít đi, số người già, trẻ em ngày càng chiếm tỷ lệ cao. Đây là một áp lực lớn với địa phương và là một thách thức đối với việc hoạch định chính sách an sinh xã hội.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất về khu vực nông thôn, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, chính sách về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần giúp người lao động, đặc biệt là lao động trẻ có thể tìm được việc làm, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập để ổn định đời sống, phát triển kinh tế tại quê hương, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới.
Để thúc đẩy, nâng cao năng lực cho người nông dân, đặc biệt là nông dân dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các chương trình, dự án, đề án phát triển khoa học kỹ thuật áp dụng cho khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động để đáp ứng với yêu cầu trong sản xuất, trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đáp ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như:
- Chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg.
- Chính sách hỗ trợ đào tạo cho người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg.
- Ngoài ra, lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ đào tạo nghề trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.
Bên cạnh vấn đề về việc thu hút lượng lao động trẻ ở lại phát triển nông nghiệp thì vấn đề về giải pháp để chuyển đổi lao động, để người dân ly nông nhưng không phải ly hương cũng được rất nhiều nông dân quan tâm.
Trước câu hỏi gửi tới Thủ tướng: "Chứng kiến từng đoàn người ở quê hương tôi và các nơi khác phải đi xe máy vượt cả mấy nghìn km để bỏ về quê do tác động bởi đợt COVID-19 vừa qua, chúng tôi thấy rất đau xót. Tình trạng này có một phần nguyên nhân là do các nông dân khi ra thành phố làm công nhân chủ yếu phải ở thuê trọ, chưa có chính sách hỗ trợ về nhà ở và an sinh xã hội để ổn định cuộc sống lâu dài.
Mặt khác, khi về quê họ cũng không có việc làm, thu nhập. Xin hỏi và kiến nghị với Thủ tướng: Chính phủ sẽ có những giải pháp nào để giúp người nông dân lên thành phố ổn định cuộc sống hơn, đặc biệt là có giải pháp để chuyển đổi lao động, để người dân ly nông nhưng không phải ly hương?
Lãnh đạo Bộ LĐTBXH trả lời: Đại dịch COVID-19 xảy ra từ đầu năm 2020 với những diễn biến phức tạp, khó lường, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tác động mạnh đến đà khôi phục hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước đã có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, trong đó, số người về các tỉnh, thành phố từ Hà Nội là 447.100 người; từ Thành phố Hồ Chí Minh là 524.000 người; từ các tỉnh phía Nam là 594.000 người và từ các tỉnh, thành phố khác là 676.000 người (chủ yếu là lao động tự do, khu vực phi chính thức) tạo sức ép lớn lên giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020); Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021); Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, theo đó có các nhóm chính sách như: hỗ trợ tiền mặt cho một số nhóm lao động; hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động vay vốn ưu đãi; kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại; đầu tư các cơ cở chăm lo đối tượng yếu thế bị tổn thương do dịch; chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phát triển nhà ở xã hội cho công nhân nghèo, lao động nhập cư.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ); xây dựng Dự án kết nối cung - cầu lao động; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, mở rộng và duy trì việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ đối với người sử dụng lao động, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch (từ nguồn tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho NHCSXH, đến nay, NHCSXH đang tổng hợp nhu cầu vốn của các địa phương).
*Giải quyết lao động nông nghiệp, thu hút đầu tư trong nông nghiệp, cơ cấu đầu tư để người dân "ly nông bất ly hương" là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, để thực hiện cần thực hiện tổng thể, đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp, trong đó, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, phát triển hạ tầng nông thôn, cơ sở sản xuất kinh doanh tại chỗ… có ý nghĩa quyết định.
Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bên cạnh việc chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các gói hỗ trợ an sinh xã hội, Bộ đã và đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện đồng bộ có hiệu quả các chính sách phát triển thị trường lao động, kết nối việc làm (thông qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm); hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho các đối tượng người lao động nói chung nhất là lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số và miền núi,... thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Đào tạo nhân lực trẻ đáp ứng "nông nghiệp 4.0"
Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Về vấn đề này, nhiều nông dân bày tỏ băn khoăn gửi tới Thủ tướng: Thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều chương trình cho người dân vay vốn phát triển sản xuất, tuy nhiên vẫn có nhiều người dân khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khiến tín dụng đen vẫn còn đất để tồn tại. Tôi xin được hỏi Chính phủ có biện pháp gì để lãnh đạo, chỉ đạo các ngành liên quan, địa phương thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng về ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn?
Về vấn đề này, Bộ LĐTBXH trả lời: Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng về ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn và nhằm đảm bảo bảo phù hợp các chính sách tín dụng mới được ban hành, giải quyết những vướng mắc trong thực tế của chính sách tín dụng ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ, ngành liên quan tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Theo đó, nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/người lao động không phải bảo đảm tiền vay và thời hạn cho vay lên 120 tháng, đồng thời, nâng lãi suất vay vốn từ bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo lên bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo, góp phần làm giảm kinh phí hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách nhà nước, giúp Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được nhiều nguồn vốn hơn; quy định trích 10% số tiền lãi thu được từ cho vay Quỹ quốc gia về việc làm để bổ sung vào nguồn vốn. Ngoài ra, các địa phương cũng tăng nguồn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay.
Kết quả, từ đầu năm 2020 tới 31/12/2021, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã được bổ sung gần 17.000 tỷ đồng; tổng nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm là 39.946 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm là 4.584 tỷ đồng), tạo mở nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho lao động nói chung, lao động trở về địa phương nói riêng.
Nhằm bảo đảm phục hồi và phát triển thị trường lao động đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, trong đó, dự kiến bố trí tối đa 10.000 tỷ đồng từ nguồn tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, mở rộng và duy trì việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ đối với người sử dụng lao động, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch (đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đang tổng hợp nhu cầu vốn của các địa phương).
Nguồn lao động nông nghiệp trong nông thôn thiếu, đa số là các lao động già, hết tuổi lao động; tình trạng thiếu hụt lao động trẻ, khỏe ở nông thôn rơi vào thời điểm đầu vụ gieo trồng và thời điểm thu hoạch đã cản trở sản xuất vụ đông. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nói chung và vụ đông nói riêng thấp hơn so với các ngành nghề khác nên một bộ phận nông dân không thiết tha với đồng ruộng khiến việc phát triển sản xuất vụ đông gặp nhiều khó khăn.
Muốn thực hiện thành công việc chuyển đổi số, xây dựng thế hệ nông dân thông minh thì công tác đào tạo nghề rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho nông dân còn mang tính hình thức.
Trước thực trạng đó, nhiều nông dân cũng bày tỏ kiến nghị tới Thủ tướng về vấn đề cần có chính sách đột phá về đào tạo nghề cho nông dân, để hình thành một thế hệ nông dân làm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới cũng đặt ra những thách thức khi các tiêu chí, cách thức thực hiện phải khác so với giai đoạn trước.
Nhiều nông dân cho rằng, chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 cần hướng tới việc khai thác các nguồn vốn văn hóa ở các vùng miền, tạo động lực để người dân khơi dậy các giá trị văn hóa bản địa, phát triển du lịch sinh thái, từ đó nâng cao đời sống vật chất của người dân mà vẫn gìn giữ được các giá trị bản địa.
Điều này càng đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa với các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi còn lưu giữ rất nhiều bản sắc văn hóa độc đáo, là nguồn tài nguyên vô tận để khai thác, phát triển du lịch cộng đồng.
Về vấn đề này, Bộ LĐTBXH trả lời: Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mang lại nhiều kết quả, hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo chuyển biến tích cực về việc làm, thu nhập khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, xây dựng Đề án "Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn", trong đó, tập trung các giải pháp đột phá, khai thác các nguồn vốn văn hóa ở các vùng miền, tạo động lực để người dân khơi dậy các giá trị văn hóa bản địa, phát triển du lịch sinh thái, từ đó nâng cao đời sống vật chất của người dân và đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Nội dung đổi mới cần tập trung vào các vấn đề:
1. Đổi mới trong công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, khởi nghiệp cho lao động nông thôn.
2. Đổi mới phát triển chương trình, giáo trình, học liệu.
3. Đổi mới trong việc tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
4. Đổi mới về cơ chế chính sách khuyến khích, huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; gắn kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn với việc làm, doanh nghiệp và thị trường lao động.
5. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
6. Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.