Dân Việt

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Đừng hỏi chuyện nuôi lợn nữa, chán lắm rồi (Bài 1)

Thiên Hương 08/07/2022 19:00 GMT+7
Chỉ tính trong nửa đầu năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 6 lần và là lần thứ 17 kể từ năm 2020. Gánh nặng chi phí ngày càng tăng khiến người chăn nuôi lâm vào cảnh vô cùng khó khăn. Nhiều người bị thua lỗ kéo dài, không chống cự nổi phải bỏ trống chuồng...

Giá thức ăn chăn nuôi phi mã, nông dân nuôi lợn chật vật xoay sở

Chỉ cho chúng tôi xem dãy chuồng nuôi lợn nái và lợn thịt đang bỏ không, mạng nhện giăng đầy, anh Trần Việt Dũng ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội) chán nản nói: Nhà báo đừng hỏi chuyện nuôi lợn nữa, chán lắm ấy. Nhà tôi nghỉ nuôi mấy tháng nay rồi.

Người chăn nuôi bỏ chuồng la liệt vì gánh nặng chi phí: Đừng hỏi chuyện nuôi lợn nữa, chán lắm rồi (Bài 1) - Ảnh 1.

Dãy chuồng nuôi lợn của gia đình anh Trần Việt Dũng ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã bỏ không nhiều tháng nay. Ảnh: V.D

Anh Dũng cho biết, gia đình anh đang nuôi cả trăm con lợn thịt gần 1 tạ và 20 con lợn nái thì dịch Covid-19 ập đến, giãn cách xã hội khiến giá lợn hơi giảm không phanh. Gọi thương lái vào bắt, họ trả giá rẻ mạt quá mà anh vẫn phải bán để gỡ lại vốn, tiếp tục tái đàn.

Đến tháng 4/2022, khi dịch Covid-19 tạm lắng, thị trường thịt lợn tiêu thụ mạnh hơn thì đàn lợn nhà anh Dũng lại bị dịch tả lợn châu Phi tấn công.

"Chỉ có mấy ngày mà lợn chết cả đàn. Suốt cả năm trời chăn nuôi vất vả, mong ngóng dịch ổn định, tưởng sẽ gượng dậy được thì lại gặp cú sốc này. Gia đình tôi bị thiệt hại quá nặng, do mất hết đàn lợn nái nên đành nghỉ chăn nuôi đã mấy tháng nay" – anh Dũng buồn rầu chia sẻ.

Ông Nguyễn Khanh, một người chăn nuôi heo tại huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) cho hay, giá heo hơi "mắc kẹt" ở mức 55.000 - 57.000 đồng trong vài tháng liền. Với mức giá này, người chăn nuôi bị lỗ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. 

Do vậy, trang trại của ông Khanh chỉ nuôi khoảng 50% công suất. "Khi giá thức ăn chăn nuôi tăng đợt 1 hồi đầu năm, người chăn nuôi đã mất lãi rồi. Nay giá thức ăn chăn nuôi lại tăng thêm lần thứ 6, đúng là càng nuôi càng lỗ. Đáng nói là chúng tôi không dám bỏ nghề, vì nếu bỏ thì không còn cơ hội gỡ gạc, rồi chuồng trại, hệ thống thiết bị sẽ hư hỏng hết", ông Khanh tâm sự. 

Mỗi ngày mở mắt ra, trại nuôi lợn thịt 10.000 con "mất" 300 triệu đồng tiền cám

Người chăn nuôi bỏ chuồng la liệt vì gánh nặng chi phí: Đừng hỏi chuyện nuôi lợn nữa, chán lắm rồi (Bài 1) - Ảnh 2.

Do bỏ trống chuồng suốt mấy tháng liền nên các thiết bị chăn nuôi tại trang trại của anh Trần Việt Dũng đã bắt đầu xuống cấp, hoen gỉ. Ảnh: V.D

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Công Bắc, chủ trang trại ở TP Sơn La (tỉnh Sơn La) cho biết: Thời gian qua, rất nhiều trang trại ở Sơn La đã bỏ trống chuồng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, trong khi giá heo hơi không tăng tương ứng. Thêm vào đó, giá xăng dầu tăng cao cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi, bởi cước xe vận chuyển, tiền cám, thuốc, nhân công đều tăng giá theo.

Ông Bắc thông tin: "Khoảng 1 tuần nay, giá heo hơi nhích dần lên, từ chỗ 56.000 - 57.000 đồng/kg tăng lên 60.000 - 61.000 đồng/kg. Mức giá này giúp người chăn nuôi "dễ thở" hơn nhưng chả thấm tháp vào đâu, mới gọi là hòa vốn. Do chi phí chăn nuôi tăng nên giá heo hơi phải đạt 62.000 - 63.000 đồng/kg nông dân mới có lãi". 

Cũng theo ông Bắc, đối với người chăn nuôi ở Sơn La, do cung đường xa, đi lại khó khăn hơn các tỉnh miền xuôi nên nông dân rất thiệt thòi. 

"Cước vận chuyển luôn cao hơn, cám heo cũng đắt hơn, nhưng giá heo hơi thì lại rẻ hơn. Chúng tôi vẫn xuất bán heo hơi song toàn phải bù lỗ thôi" - ông Bắc nói. 

Trước đây, 3 trang trại của ông Bắc nuôi 1.600 nái, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá heo hơi ở mức thấp thời gian dài nên ông Bắc giảm đàn nái xuống 1.500 con, cộng với 10.000 con heo thịt. 

"Tính riêng tiền cám heo, mỗi ngày mở mắt ra trang trại của tôi tiêu tốn 300 triệu đồng. Trước đây, khi giá xăng chưa tăng thì cước xe chở cám là 360 đồng/kg, nhưng giờ tăng lên 550 đồng/kg. Đã vậy lái xe còn báo xin tăng thêm. Tình hình này kéo dài khiến người chăn nuôi rất mệt mỏi. Trại của tôi nuôi quy mô lớn, quản lý tốt còn đỡ, chứ các trại nhỏ, phải vay vốn ngân hàng thì khó trụ nổi" - ông Bắc nhẩm tính. 

Được biết, hồi cuối tháng 6 ông Nguyễn Công Bắc xuất bán lứa lợn thịt với giá 56.000-57.000 đồng, chưa đủ để hòa vốn. "Dự báo thời gian tới, giá heo hơi sẽ tăng lên, do nguồn cung thiếu hụt đẩy giá lợn hơi tăng cao. Nghe vậy tôi cũng mừng, cố gắng duy trì đàn nái, xem vài tháng nữa diễn biến ra sao thì tính tiếp" - ông Bắc chia sẻ.

Người chăn nuôi bỏ chuồng la liệt vì gánh nặng chi phí: Đừng hỏi chuyện nuôi lợn nữa, chán lắm rồi (Bài 1) - Ảnh 4.

Vừa gượng dậy sau dịch Covid-19, nhiều trang trại lại phải gồng gánh với đủ loại chi phí tăng giá, chưa kể dịch tả lợn châu Phi vẫn đang hoành hành. Ảnh: V.D

Theo một số chủ đại lý thức ăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sơn La, hơn 1 năm qua giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 50%. Ông Vũ Xuân Tài, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi trên đường Chu Văn Thịnh, thành phố Sơn La, cho biết: Năm 2021, thức ăn chăn nuôi đã có 11 lần tăng giá, liên tiếp từ đầu năm 2022 đến nay, các công ty lại thông báo tăng giá cám lợn và cám gà, mỗi lần tăng thêm từ 300 - 400 đồng/kg. Tính ra, giá cám tăng thêm từ 5.000 - 7.500 đồng/bao 25kg so với cuối năm 2021. 

Giá cám heo, giá cám gà tăng cao khiến người chăn nuôi trên địa bàn chật vật xoay sở, buộc phải giảm đàn, giảm mua cám công nghiệp... 

Từ ngày 1/7, một loạt doanh nghiệp thông báo tăng giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho heo con và thức ăn đậm đặc với mức tăng 400 đồng/kg, tương đương tăng 10.000 đồng/bao 25 kg. Đối với các loại thức ăn còn lại cho heo, bò, gà thịt, vịt thịt và gà, vịt đẻ tăng 300 đồng/kg, tương đương tăng 7.500 đồng/bao 25 kg.

Lý do được các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đưa ra cho quyết định tăng giá bán sản phẩm là do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhập khẩu khó khăn, giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, kéo theo giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi phải tăng theo...