Hôm nay kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 -9/7/2022). Nhân dịp này PV Dân Việt có trao đổi với PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đặc biệt đóng góp của ông qua tác phẩm "Tự chỉ trích"- một tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn rất sâu sắc về xây dựng Đảng.
Nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng ở xã Phù Khê (nay là phường Phù Khê), huyện Từ Sơn (nay là TP.Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh.
Ông tham gia cách mạng từ khi còn là học sinh trường Bưởi (Hà Nội). Sau khi bị đuổi học, ông về quê mở trường dạy học, liên lạc mật thiết với nhà cách mạng Ngô Gia Tự và tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để hoạt động.
Ông gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng (một trong 3 tổ chức cộng sản tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) khi mới 17 tuổi. Năm 18 tuổi, ông là Bí thư Đặc khu ủy Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hòn Gai-Uông Bí.
Trải qua quá trình hoạt động, đến tháng 3/1938, ở tuổi 26, ông được cử làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Một năm sau, ông viết tác phẩm nổi tiếng "Tự chỉ trích" để đấu tranh phê bình trong Đảng.
Thưa PGS, dưới góc độ nghiên cứu lịch sử của Đảng, ông thấy tác phẩm Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết năm 1939, có ý nghĩa như thế nào?
- Về tác phẩm Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, có thể nói đây là một tác phẩm có giá trị về xây dựng Đảng, nghĩa là khẳng định quy luật tự phê bình và phê bình trong Đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Tự chỉ trích tức là tự phê bình nhưng dùng từ "chỉ trích" mạnh mẽ hơn.
Việc tự chỉ trích trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ có một số điểm rất quan trọng. Thứ nhất, Đảng không giấu giếm khuyết điểm, thời điểm đó có một số cán bộ của Đảng có những khuyết điểm, nhất là trong công tác mặt trận, vận động quần chúng, khuyết điểm về bầu cử Hội đồng Quản hạt ở Nam Kỳ.
Trước khuyết điểm đó Đảng đã công khai thừa nhận và tự phê bình, tìm ra nguyên nhân vì sao mắc phải và tìm cách sửa chữa. Có thể nói đó là thái độ rất nghiêm túc của một đảng chân chính, lúc đó người ta gọi là tự chỉ trích Bônsêvich, theo đúng tinh thần cộng sản.
Sau này Bác Hồ viết trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Người cũng nói một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm là một Đảng hỏng, phải công khai thừa nhận khuyết điểm. Có thể thấy việc công khai thừa nhận khuyết điểm của Đảng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ làm từ năm 1939.
Điểm quan trọng thứ hai, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nhấn mạnh việc tự chỉ trích những khuyết điểm của mình không có nghĩa làm cho Đảng yếu đi mà làm cho Đảng mạnh hơn, đoàn kết hơn, hướng tới những tới những nhận thức đúng đắn hơn để tiếp tục sự nghiệp lãnh đạo cách mạng.
Điểm quan trọng thứ ba, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nói, kẻ thù của những người cộng sản chớ có hí hửng, vui mừng khi thấy những người cộng sản có những khuyết điểm, mong rằng những người cộng sản chia rẽ. Việc tự chỉ trích là thái độ rất đúng đắn để thừa nhận khuyết điểm và từ đó sửa chữa. Kẻ thù không thể lợi dụng được việc Đảng tự chỉ trích những khuyết điểm của mình để gây chia rẽ phá hoại Đảng. Có thể nói đó là những điểm rất đặc sắc trong tác phẩm.
Mặc dù thời điểm đó Đảng ta còn hoạt động bí mật, chưa phải đảng cầm quyền, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm đó, đây thể hiện là tầm trí tuệ, thưa PGS?
- Đúng như vậy, tác phẩm Tự trích trích thể hiện tầm trí tuệ, trình độ lý luận và sự cống hiến rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Tác phẩm có giá trị sâu sắc lý luận và thực tiễn trên nhiều phương diện, đặc biệt là xây dựng Đảng. Các nhà nghiên cứu khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là nhà lý luận của Đảng.
Còn về đường lối, ông nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc hoàn toàn thống nhất với tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc, mặc dù Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chưa bao giờ gặp nhau nhưng tư tưởng lớn "gặp nhau".
Ông là một trong những người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương họp tại Bà Điểm (Gia Định), quyết định việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để giương cao ngọn cờ giải phóng mặt dân tộc. Sau này lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước tiếp tục ngọn cờ giải phóng dân tộc và đi tới cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, việc tự chỉ trích được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nêu ra từ rất sớm đã để lại bài học gì thưa PGS?
Tự phê bình và phê bình là phương pháp rất cần thiết, không che giấu khuyết điểm, có khuyết điểm thì thừa nhận rồi tìm ra nguyên nhân của khuyết điểm và sửa chữa, đó là thái độ đúng đắn của một đảng chân chính.
Qua tự phê bình và phê bình hiện nay góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nhận thức đúng và hành động đúng. Cần khắc phục những biểu hiện tự phê bình và phê bình một cách hình thức. Điều quan trọng là tự phê bình và phê bình để phát huy được ưu điểm, khắc phục khuyết điểm.
Cần phải hiểu, tự phê bình và phê bình trong Đảng không phải chỉ bới móc, đi tìm những khuyết điểm, mà là khẳng định những cái tốt, cái đúng rồi chỉ ra những hạn chế để sửa chữa.
Ngay tác phẩm Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cũng nói tới những thành tựu, công lao rất lớn trong lãnh đạo của Đảng, nhưng bên cạnh đó có một bộ phận có khuyết điểm phải sửa chữa.
Hiện nay trong tự phê bình và phê bình của chúng ta cũng vậy, cần phải khẳng định những thành tích, những điều tốt, những việc đúng, rồi thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên, của một số tổ chức Đảng. Tất nhiên việc tự phê bình và phê bình của Đảng hiện nay gắn với nhiệm vụ chính trị của thời đại mới, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước, gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ngày nay việc xây dựng Đảng gắn với yêu cầu mới, bên cạnh những thuận lợi thì cũng xuất hiện những nguy cơ mới, ví dụ như quan liêu, xa rời quần chúng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tham nhũng, tiêu cực, cần phải chống những nguy cơ đó bằng nhiều giải pháp, trong đó có đấu tranh tự phê bình và phê bình. Việc tự phê bình và phê bình là cách thức để xây dựng Đảng tốt hơn.
Ngày 18/1/1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại Sài Gòn (nay là TP.HCM).
Ngày 23/11/1940: Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, thực dân Pháp khép ông vào tội là người đã thảo ra "Nghị quyết thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương", "Chủ trương bạo động" và là người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Thực dân Pháp kết án tử hình đồng chí
-Ngày 28/8/1941: nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp xử bắn tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định.
Xin cảm ơn ông (!)