Theo đánh giá của TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), trong 6 tháng cuối năm, "tiền mặt là vua", ai giữ càng nhiều tiền mặt càng có lợi thế và gửi tiết kiệm là một lựa chọn tốt.
Thực tế, gửi tiết kiệm là kênh sinh lời tốt nhất trong 6 tháng đầu năm, trong khi các kênh đầu tư tài sản khác hầu hết đều thua lỗ, khi lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng "nóng" theo sức nóng của lạm phát và những biến động của thị trường thế giới.
Thống kê cho thấy, lãi suất huy động tăng trung bình khoảng 0,5 – 1 điểm % , hút dòng tiền nhàn rỗi đổ về ngân hàng.
Cụ thể, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng mạnh. Đặc biệt, riêng quý I năm nay, số dư đã tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm huy động vốn đạt 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 4,09%
Nhiều dự báo cho rằng, áp lực lạm phát hiện hữu, cùng với tăng trưởng tín dụng cao ( theo ước tính của SSI tăng trưởng tín dụng có thể lên tới 15%- 16%), cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm sẽ còn kéo dài, đặc biệt là kể từ tháng 10 khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% về 34% sẽ có hiệu lực.
Do đó, đối với nhà đầu tư ưa thích thanh khoản và an toàn, gửi tiết kiệm vẫn là một lựa chọn tốt nhất.
Ngoài kênh tiền gửi tiết kiệm, hiện nhiều nhà đầu tư có xu hướng quay lại "phòng thủ" với vàng.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, vàng chỉ nên được coi là kênh trú ẩn thay vì kênh kiếm lời. Trên thế giới, giá vàng từ đầu năm đến nay chỉ tăng 1,2%, còn giá vàng trong nước biến động khó lường do chênh lệch quá cao so với giá thế giới.
"Nhà đầu tư vẫn nên có vàng trong danh mục đầu tư của mình, nhưng vàng chỉ nên chiếm 10-20% tổng tài sản", ông Phan Dũng Khánh – chuyên gia phân tích khuyến nghị.
Nếu như 2021 được coi là năm thăng hoa của thị trường chứng khoán thì đầu năm 2022, giới đầu tư chứng khoán đã phải trải qua một cuộc "khủng hoảng" khi chứng kiến chuỗi ngày giảm điểm kỷ lục kéo dài của thị trường.
Vốn hóa thị trường "bốc hơi" và thanh khoản của thị trường phổ biến dưới mức 20.000 tỷ đồng/phiên, giảm đáng kể so với mức 40.000 tỷ đồng/phiên thời điểm cuối năm 2021.
Ông Phan Dũng Khánh cho rằng, trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh trên toàn cầu, cuộc đua tăng lãi suất ngày càng gay gắt, những dự báo về đình lạm của các nền kinh tế lớn được đưa ra ngày một nhiều..., thì triển vọng của thị trường chứng khoán, bất động sản Việt Nam 6 tháng cuối năm không mấy sáng sủa.
Cũng không có nhiều lạc quan vào thị trường này dù những dấu hiệu hồi phục đã xuất hiện trong tháng 6, song chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu dự báo, thị trường có nguy cơ quay đầu về 1.100 điểm cuối năm nay và khuyến nghị nhà đầu tư lựa chọn chiến lược đầu tư bảo thủ. "Chọn ngủ yên hơn là chọn ăn ngon", ông Hiếu khuyến nghị nhà đầu tư.
Lạc quan hơn, bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán VNDirect cho rằng, thị trường đang có nhiều yếu tố nội tại rất thuận lợi, kỳ vọng sẽ là chất xúc tác lớn hỗ trợ thị trường hồi phục tích cực hơn.
Cũng theo phân tích của các chuyên gia này, mức chênh lệch giữa lợi suất thu nhập của thị trường Việt Nam và lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại đang được nới rộng, hàm ý rằng thị trường hiện tại có thể đang bị định giá thấp. Trong kịch bản cơ sở, VNDirect kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.330 - 1.500 điểm trong năm 2022; với P/E (giá/lợi nhuận một cổ phiếu) mục tiêu cho năm 2022 là 12,5 - 14 lần.
Đối với bất động sản, chuyên gia đầu tư bất động sản nhận định, hiện nay, thanh khoản của thị trường bất động sản hạn chế, nguồn cung khan hiếm. Tình hình này có thể kéo dài tới cuối năm nay.
Điểm sáng nhất của thị trường bất động sản thời gian tới là dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào bất động sản có thể gia tăng khi việc đi lại đã được bình thường hóa sau dịch bệnh, đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản khu công nghiệp.
Còn thống kê của Dragon Capital, trong các kênh đầu tư có triển vọng dài hạn, chứng khoán vẫn đứng đầu về độ hấp dẫn, tiếp theo là bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi ngân hàng, vàng, USD...