Khoảng năm 2000, anh Tân ra riêng được cha mẹ cho 2000 mét vuông đất ruộng, sau đó lên lớp trồng dừa, nhưng những năm trước giá cả của trái dừa không ổn định, thu nhập từ trái dừa không đủ nuôi sống gia đình 4 nhân khẩu.
Anh đi làm thuê ở nhiều nơi và cũng tìm hiểu nhiều mô hình làm kinh tế hay, có hiệu quả. Trong thời gian tìm hiểu anh vô tình bắt gặp mô hình nuôi trùn quế, qua tìm hiểu từ người nuôi được biết mô hình nuôi trùn quế mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi và đặc biệt là phù hợp với điều kiện của rất nhiều gia đình ở nông thôn như gia đình của anh Tân .
Một trong những rau củ được anh Tân trồng là cây gừng.
Bởi lẽ ở đó, anh Tân tận dụng được nguồn thức ăn của trùn quế có sẵn của gia đình đó là phân bò, gà, vịt…cũng như nguyên vật liệu để chăn nuôi.
Lúc đầu chưa có vốn và chưa có kinh nghiệm trong việc nuôi trùn quế nên anh chỉ mua 20 ký trùng sinh khối, với giá 1 ký 20.000 đồng. Sau đó anh xây dựng trại khép kín với diện tích khoảng 5 mét vuông, phía dưới trãi bạt để trung không đi ra ngoài được.
Anh Tân cho biết: “Qua thời gian chăm sóc tôi thấy trùn sinh sản rất nhanh, cứ 1 tháng số lượng trùn tăng gấp đôi, tiếp tục nhân giống rộng ra. Từ 5 mét vuông thì sau 1 năm tôi mở rộng t rại thêm 15 mét vuông nữa, cứ thế trùn phát triển theo thời gian càng ngày càng nhiều, bên cạnh đó, việc tìm kiếm thức ăn cho trùn cũng cần phải nhiều hơn nữa...".
Theo anh Tân, thấy những hộ xung quanh có chăn nuôi bò nhưng không sử dụng phân nên anh đến đặt mua, mỗi 1 bao phân bò tươi anh mua với giá 5 nghìn đồng. Phân bò đem về pha loãng vào nước rồi tưới lên ổ trùn cho trùn ăn, phân trùn thì lấy bón cho các loại cây trồng và dịch của trùn (nước tiết ra từ luống nuôi trùn) có thể phun tưới cho cây trồng.
Việc sử dụng phân trùn quế và dịch của trùn giúp bổ sung vi sinh vật có ít cho cây, cải tạo dinh dưỡng và độ phì nhiêu của đất và cải thiện năng suất cây trồng. Thời gian đầu do mọi người chưa biết nhiều về lợi ích của trùn quế nên anh bán còn chậm, mỗi tháng trừ chi phí ra tôi lời khoảng từ 1 đến 2 triệu đồng.
Khu nuôi trùn quế bán trùn thương phẩm, bán phân trùn quế của gia đình anh Tân.
Cho đến những năm gần đây diện tích trại của anh Tân khoảng 150 mét vuông, cứ mỗi ký trùn bán ra anh thu được 20 nghìn, bình quân hàng tháng trừ hết tất cả chi phí thu về được từ 5 đến 7 triệu đồng.
Còn về phân trùn quế thì cứ 3 đến 4 tháng lấy phân ra 1 lần; thấy phân trùn cũng rất tốt, phù hợp để trồng rau củ nên anh tận dụng bao xi măng mà mọi người làm nhà bỏ đi, đem về vô phân trồng gừng, trồng thêm rau.
Phân trùn quế ở đây chủ yếu lấy phân trùn trộn với đất tơi xốp và tro trấu. Còn gừng và rau anh trồng xen vào chút bóng mát của cây dừa để có độ ẩm, mỗi năm anh trồng khoảng 1.000 bao gừng. Tùy vào thời điểm gừng có năng suất và giá cả hợp lý thì sau 1 năm thu hoạch, trừ hết chi phí còn lời khoảng 45 triệu đồng/ năm.
Còn rau an toàn trồng bằng phân trùn quế thì hàng tháng bán ra trừ chi phí anh Tân còn lời khoảng 1 triệu đến 1 triệu rưỡi.
Gần đây để tạo thêm thu nhập từ trùn quế Anh Tân có nuôi thêm 25 con vịt xiêm đẻ, ngoài việc mua tấm cám cho vịt ăn còn trộn thêm trùn vào để đảm bảo chất dinh dưỡng cho vịt, vịt ăn trùn quế thấy có sức khỏe tốt, ít bệnh, đẻ sai, trứng to. Hàng tháng bán khoảng 100 con vịt con.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người biết đến mô hình nuôi trùn quế kết hợp trồng rau, trồng gừng trong vỏ bao xi măng của anh Tân, đã đến học hỏi, anh sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm nuôi trùn quế, trồng gừng cho họ.
Cụ thể là ông Trần Minh Hùng ở ấp số 4 đã đến học hỏi kinh nghiệm nuôi trùn quế mà từ đó ông cũng có một trang trại trùn quế khép kín cũng mang lại thu nhập ổn định cho bản thân.
Trong thời gian tới anh Tân sẽ sửa chữa trại được cơ bản hơn, đảm bảo độ thông thoáng cho trại, cũng như đảm bảo sự phát triển và sinh sản của trùn quế được nhiều hơn. Đồng thời tìm kiếm trên thị trường những nơi cần con trùn quế cũng như phân của nó để có thêm nguồn tiêu thụ, tiếp tục tham quan và học hỏi kinh nghiệm, cách nuôi hiệu quả của các mô hình nuôi trùn quế ở những nơi khác.
Đối với gia đình anh Tân từ 1 hộ khó khăn của ấp, nhờ vào nuôi trùn quế kết hợp trồng rau an toàn, trồng gừng trong vỏ bao xi măng đến nay đã cất được ngôi nhà khang trang đảm bảo được 2 mùa mưa nắng. Hai người con của anh được học hành đến nơi đến chốn.
Cũng nhờ vào sự cần cù siêng năng, chịu khó, ham học hỏi của mà nay gia đình đã khá hơn nhiều, đồng thời cũng góp phần nhỏ trong xây dựng nông thôn mới cho ấp nói riêng và cho xã nói chung.