Như Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải, hiện trên địa bàn huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) có 5 mỏ đá đã hết hạn khai thác khoáng sản gồm của Công ty CP XD và XSTM Hà Tây; Công ty TNHH đầu tư khai thác khoáng sản SOTRACO; Công ty TNHH MTV ĐTXD khai thác mỏ Thuận Phát; Công ty cổ phần VIMECO; Công ty TNHH Bình Minh.
Tuy nhiên, sau khi hết hạn khai thác, các chủ mỏ không thực hiện nghĩa vụ là lập đề án đóng của mỏ, không nộp hồ sơ đóng của mỏ, phục hồi môi trường và đất đai theo quy đinh.
Nhiều chủ mỏ không thực hiện chỉ đạo của Sở TNMT Hà Nội
Thông tin cho Báo điện tử Dân Việt, lãnh đạo Sở TNMT Hà Nội cho biết: Ngày 22/4/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có Văn bản số 2788/STNMT-KS gửi UBND huyện Quốc Oai và các tổ chức, cá nhân có giấy phép khoáng sản hết thời hạn (đã ký quỹ phục hồi môi trường) để yêu cầu các đơn vị tổ chức quản lý, bảo vệ mỏ, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong ranh giới khu vực mỏ.
Đồng thời, văn bản cũng yêu cầu các đơn vị khai thác mỏ thực hiện các nghĩa vụ khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực theo quy định theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 và Khoản 3, Khoản 4 điều 58 của Luật Khoáng sản.
Sở TNMT cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương lập Đề án đóng cửa mỏ và gửi hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ về Sở TNMT trước ngày 30/6/2021 để thẩm định, trình UBND Thành phố.
Văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã liên quan phối hợp, chỉ đạo UBND các xã tại vị trí có mỏ khai thác khoáng sản có giấy phép đã hết hiệu lực đôn đốc các đơn vị thực hiện theo quy định.
Tiếp đó, ngày 16/7/2021, Sở TNMT Hà Nội tiếp tục có các văn bản số 5551/STNMT-KS đôn đốc các đơn vị thực hiện nghĩa vụ khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực và đề nghị UBND huyện Quốc Oai đôn đốc, giao UBND các xã yêu cầu các đơn vị khẩn trương lập Đề án đóng cửa mỏ.
Sở TNMT Hà Nội cho biết, đối với trường hợp khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực mà tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản bị giải thể, phá sản hoặc không liên hệ được, đề nghị UBND quận, huyện, thị xã căn cứ quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 46 Nghị định 158/2016/CP-NĐ ngày 29/11/2016 của Chính phủ để rà soát, nghiên cứu và đề xuất UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo theo quy định.
Tuy nhiên đến ngày 29/9/2021, Sở TNMT Hà Nội mới tiếp nhận được 1 hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản tại mỏ đá bazan khu vực Đồng Vỡ II, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội của Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát.
Sau khi kiểm tra, rà soát hồ sơ, Sở TNMT đã có Thông báo số 775/TB-STNMT-KS ngày 4/10/2021 đề nghị Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát hoàn thiện hồ sơ; đến hết thời hạn Công ty vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ nên Sở TNMT Hà Nội đã Thông báo hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết số 10/TB-STNMT-KS ngày 7/01/2022.
Sẽ cưỡng chế việc đóng cửa mỏ và hoàn nguyên môi trường của các doanh nghiệp
Trước đó, năm 2019, Sở TNMT Hà Nội đã phối hợp Quỹ Đầu tư Phát triển Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra các đơn vị có Giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực yêu cầu các đơn vị thực hiện lập hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã đôn đốc các đơn vị.
Năm 2021, Sở TNMT đã tiếp tục có các văn bản đôn đốc các đơn vị thực hiện và đã đưa vào Kế hoạch thanh, kiểm tra năm 2022 để tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với những đơn vị không thực hiện theo quy định.
Trước những vi phạm kéo dài, Sở TNMT đã có Kế hoạch triển khai, đôn đốc, cưỡng chế việc đóng cửa mỏ và hoàn nguyên môi trường của các doanh nghiệp.
"Sau khi thực hiện kiểm tra để tiến hành xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu thực hiện biện pháp khắc phục đối với những đơn vị không thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản theo Kế hoạch thanh, kiểm tra năm 2022, Sở TNMT sẽ xin ý kiến Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã liên quan để tổng hợp báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố" - đại diện Phòng Khoán sản, Sở TNMT Hà Nội nói.
Điều đáng nói, đến nay Sở TNMT chưa nhận được văn bản nào của UBND các quận, huyện, thị xã về việc các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nêu trên đã giải thể, phá sản hoặc không liên hệ được.
Trước câu hỏi về trách nhiệm để xảy ra tình trạng như Báo điện tử Dân Việt phản ánh, trách nhiệm thuộc về đơn vị nào?
Sở TNMT Hà Nội cho rằng: "Theo quy định về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện được quy định tại Khoản 3 Điều 17 Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính Phủ và các quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 46 Nghị định 158/2016/CP-NĐ ngày 29/11/2016 của Chính phủ.
Được biết, hiện nay Quỹ Đầu tư Phát triển Thành phố đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã liên quan để tiến hành rà soát hiện trạng các mỏ khoáng sản của các đơn vị và đề xuất UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo thực hiện".
Trước đó, Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải loạt bài viết phản ánh sau quá trình khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quốc Oai (Hà Nội), các doanh nghiệp chưa thực hiện việc hoàn nguyên, để lại "hố tử thần" khổng lồ ở tại khu vực khai thác mỏ gây nguy hiểm cho con người, gia súc, ảnh hưởng tới địa chất, môi trường…
Dù UBND huyện Quốc Oai, TP Hà Nội đã ra nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc doanh nghiệp hết hạn khai thác đóng cửa mỏ, hoàn thổ môi trường nhưng đến nay các chủ mỏ vẫn chưa thực hiện, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
PV Dân Việt cũng đã liên hệ với các doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn huyện Quốc Oai nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ hoàn thổ, tuy nhiên đến nay chưa nhận được phản hồi chính thức.