Bắt đầu từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ học chương trình giáo dục phổ thông mới. Nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.
Mới đây, sau khi tham khảo sách giáo khoa lớp 10 sắp được áp dụng, một số phụ huynh đã bất ngờ về nội dung liên quan đến chứng khoán ở sách Toán lớp 10.
Cụ thể trong phần Hoạt động thực hành trải nghiệp, bài Tiết kiệm và Đầu tư, sách có bài học về chứng khoán cũng như yêu cầu học sinh làm thế nào để đầu tư hiệu quả. Bài tập về cô Lan có 511 triệu đồng và dự định đầu tư vào chứng khoán của công ty A. Biểu đồ chứng khoán của công ty A được cho trong hình với những thời điểm khác nhau. Nhiệm vụ của học sinh là cô Lan nên đầu tư vào đâu để hiệu quả nhất và so sánh giữa tiết kiện với đầu tư thì nên chọn hình thức nào?
Tương tự với bài tập về anh Tiến có 898,2 triệu đồng muốn đầu tư vào chứng khoán và tính số tiền anh Tiến thu được sau khi bán cổ phiếu.
Ngay sau khi được chia sẻ, chủ đề này gây xôn xao. Nhiều người bày tỏ ý kiến phản đối vì "Học mà không có kiến thức thực tế chỉ thấy tính lãi và thu về" hay có ý kiến cho rằng: "Học thường đi đôi với hành. Có ai đảm bảo rằng các em thấy sẽ không ham và bằng mọi cách có tiền để chơi chứng khoán?". Tuy nhiên, nhiều người cũng ủng hộ việc học sinh được rèn luyện sớm thì sau này "ra đời" sẽ khỏi bỡ ngỡ.
Một số người lại bày tỏ nghi ngại vì giáo viên phổ thông chỉ biết dạy Toán. Còn để dạy về chứng khoán thì chắc phải đi học thêm một khóa mới giúp các em rõ ngọn ngành: "Chính thầy cô còn không hiểu thì làm sao dạy các em hiểu đúng".
Liên quan đến việc có nên dạy học sinh chứng khoán trong chương trình học, thầy Nguyễn Trọng Tùng, Trưởng ban Kinh doanh - Hướng nghiệp, Trường liên cấp Dewey cho hay: "Tôi nhận thấy đây là tín hiệu tốt cả về phía người làm chương trình sách giáo khoa lẫn học sinh thụ hưởng chương trình đào tạo.
Những ví dụ rất thực tế và đa dạng sẽ giúp thầy và trò ứng dụng kiến thức liên môn (Toán - Quản lý tài chính) và kỹ năng tổng hợp (Lập kế hoạch, tìm kiếm so sánh thông tin, phân tích, dự báo, thống kê...) để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hiệu quả.
Để làm tốt hơn, không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng cần có sự chuẩn bị về kiến thức chuyên môn, được hướng dẫn và đào tạo chuyên ngành. Ngoài ra, người ra đề có thể bổ sung thêm bối cảnh của sự kiện, ví dụ như năm 2018 thị trường đất đang theo xu thế nào, bất động sản ở khu vực nào, họ là nhà đầu tư chuyên nghiệp "lướt sóng" thị trường hay là người dân công sở đầu thư theo danh mục được gợi ý của các công ty môi giới chứng khoán...".
Trước vấn đề lo ngại của nhiều phụ huynh việc chứng khoán đang khiến nhiều người "toang" tại sao lại cho học sinh học, thầy Tùng cho biết: "Học sinh ít bị ảnh hưởng nếu được các thầy cô hướng dẫn chính xác. Việc đưa chứng khoán vào chương trình giúp học sinh rằng việc hiểu và tham gia thị trường hàng hoá, chứng khoán, hay các chứng chỉ có giá... là một lựa chọn/ hình thức đầu tư mà các bạn sẽ tham gia sau này. Quyền quyết định thuộc về các bạn khi các trưởng thành. Lo ngại đó không thể lớn hơn ý nghĩa của việc giáo dục tài chính (đầu tư) sớm cho học sinh".
Thầy Nguyễn Văn Nam, giáo viên Toán ở Hà Nội cho biết: "Tôi thấy học sinh học về chứng khoán trong chương trình giáo dục phổ thông mới là bình thường và hợp lý. Không hiểu vì sao mọi người lại tranh cãi".
Theo NXB Giáo dục Việt Nam - đơn vị thực hiện cuốn sách đã chia sẻ: "Mục tiêu của bài học là giúp học sinh hiểu sự khác biệt giữa tiết kiệm và đầu tư. Thực hành thiết lập kế hoạch đầu tư cá nhân để đạt được tỉ lệ tăng trưởng như mong đợi.
Tiết kiệm và đầu tư là các phương thức khác biệt đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch xây dựng tài sản và phân bổ ngân sách chi tiêu. Bài học này giúp các em thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn, đặc biệt là trong quản lý tài chính".