Dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 tại TP.HCM tương đối thuận lợi, song thực tế biến động tăng của giá nhiên liệu, nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu khan hiếm đang khiến nhiều ngành hàng sản xuất, chế tạo, chế biến… vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành Đạt (Q.12, TP.HCM), cho hay, giá nguyên liệu đầu vào lại tiếp tục tăng khiến doanh nghiệp khá mệt mỏi.
"Dù doanh nghiệp chúng tôi đã được điều chỉnh giá trứng bình ổn tăng thêm khoảng 2.000 đồng/vỉ 10 quả từ ngày 15/6 vừa qua, nhưng hiện giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến cho giá trứng trên thị trường tiếp tục tăng và chúng tôi hiện tiếp tục phải "gồng". Nói chung là các doanh nghiệp bình ổn đang cố gắng giữ giá được lúc nào hay lúc đó, phải cố gắng thôi", ông Thiện thông tin.
Cũng theo ông Thiện, nếu giá thức ăn chăn nuôi so với cùng kỳ năm ngoái thì đã tăng tới hơn 50% nên rất áp lực cho các doanh nghiệp và cả hộ chăn nuôi.
"Khảo sát của doanh nghiệp ở nhiều khu vực thì giá trứng hiện đang cao hơn tử hơn 10% - 15% so với giá trứng của các doanh nghiệp bình ổn. Vì vậy, nếu giá thức ăn chăn nuôi không dừng lại thì sắp tới các doanh nghiệp bình ổn chúng tôi cũng phải kiến nghị để tăng giá chứ không thể "gồng" mãi được", ông Thiện chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, chịu ảnh hưởng dễ thấy nhất trong cơn bão giá hiện nay là các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chế biến thực phẩm.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, cho biết sức mua nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến đang giảm, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn phải tăng giá bán, do giá đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là các nguyên liệu nhập khẩu.
Không những thế, một số doanh nghiệp còn dự báo giá thực phẩm thời gian tới sẽ còn tăng mạnh do giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhiều người chăn nuôi bị thua lỗ, không tái đàn, thiếu nguồn cung… khiến giá tăng lên.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), cho hay, cách nay hơn 1 tháng thì giá thịt heo ở chợ Vĩnh Lộc B với mặt hàng thịt đùi khoảng 80.000 - 85.000 đồng/kg, ba rọi khoảng 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tuần nay thì tăng lên 90.000 - 95.000 đồng/kg thịt đùi, khoảng 125.000 - 130.000 đồng/kg ba rọi.
Giá trứng cũng tăng mạnh lên khoảng 6-8 nghìn đồng/chục, từ mức giá 34.500 -35.000 đồng/chục, lên khoảng 41.000 - 43.000 đồng/chục.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (H. Bình Chánh, TP.HCM), cho biết, thời gian qua do giá xăng dầu tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy kéo theo đó là nhiều thứ đều tăng giá, từ nguyên liệu chính, vật liệu, nhân công, chi phí máy móc thiết bị, chi phí cho việc vận chuyển hàng… khiến cơ cấu chi phí trên sản phẩm cũng tăng mạnh.
"Mặc dù công ty đã chủ động cắt giảm đi phần lớn lợi nhuận để cố gắng đưa ra một mức giá rất cạnh tranh cho khách hàng. Tuy nhiên, khi đưa ra giá thì khách hàng cũng giật mình, mà bản thân chúng tôi cũng giật mình vì sau khi tính toán kỹ thì thấy giá cũng đội lên mạnh", ông Quang Anh chia sẻ.
Cũng theo ông Phạm Quang Anh, hiện các doanh nghiệp sản xuất không chỉ cần sự ổn định của giá xăng dầu mà còn cần sự ổn định của chính sách nhà nước và nhiều thứ khác.
"Khi mọi thứ ổn định, doanh nghiệp mới có thể yên tâm sản xuất. Chính sách mà cứ nay ban hành mai thay đổi thì sẽ gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp"- ông Quang Anh, bộc bạch.
Do chi phí đầu vào tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết phải tăng giá đầu ra 5-6% tùy từng loại mặt hàng. Tuy nhiên, cái khó đối với các doanh nghiệp xuất khẩu là chưa thể đàm phán với các đối tác nước ngoài để nâng giá bù đắp chi phí, trong khi vì báo giá cao theo chi phí tăng lên của nguyên vật liệu nên đối tác cũng bắt đầu giảm đơn hàng.
"Đối với các đối tác nước ngoài, việc tăng giá đầu ra 5-10% cực kỳ khó. Chỉ có một vài đối tác họ hiểu tình hình chung là giá nguyên vật liệu tăng lên trên toàn thế giới nên còn đàm phán được, còn đa số vẫn khó để đàm phán tăng giá", ông Phạm Quang Anh, chia sẻ.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, hoạt động xuất nhập khẩu sau thời gian chững lại trong quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã tăng trở lại.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu cả nước ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so cùng kỳ.
Để đảm bảo duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng tìm các nguồn nguyên liệu mới có giá thành rẻ hơn. Ngoài ra, đa số các doanh nghiệp thì lại chọn phương án cắt giảm các chi phí chưa cần thiết thời điểm này để giữ công ăn việc làm cho công nhân.
"Những biến động của thị trường ở thời điểm này đều có thể tác động đến doanh nghiệp. Lạm phát cao vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu, doanh nghiệp cần tính toán cẩn thận về đơn hàng và thường xuyên nắm bắt thông tin để việc bán hàng đạt hiệu quả cao nhất", lãnh đạo một doanh nghiệp thực phẩm ở TP.HCM, chia sẻ về kinh nghiệm "vượt bão" giá hiện nay.
Ở góc độ chuyên gia, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, để bù đắp chi phí sản xuất, doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường, tăng sản lượng tiêu thụ.
Song song, doanh nghiệp cần từng bước thay đổi công nghệ, thay thế dây chuyền sản xuất cũ, năng suất thấp sang dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất cao; ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị để tối ưu hóa bộ máy vận hành toàn hệ thống.
"Việc thay đổi về công nghệ mới, quản trị hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp 'khỏe' hơn, có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, trong đó có vấn đề chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay" - ông Hưng, chia sẻ.