Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mặc dù thời gian gần đây, giá lợn hơi đã "nhích" hơn trước, song, giá cám cũng không ngừng tăng “phi mã” đã đẩy giá thành sản xuất tăng cao, khiến người chăn nuôi lợn không có lãi, thậm chí là bị lỗ.
Theo nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục được điều chỉnh, hầu như tháng nào cũng tăng giá, thậm chí có tháng tăng đến 2 lần.
Lý do dẫn đến tăng giá, theo các công ty là do nguyên liệu sản xuất và chi phí vận chuyển tăng khi giá xăng, dầu tăng và quan trọng hơn cả là phần lớn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước hiện phải nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine khiến tình hình nguồn nguyên liệu càng khan hiếm.
Thông tin từ các đại lý, trong đầu tháng 7/2022, giá cám sẽ còn tiếp tục tăng, khiến giá lợn hơi xuất chuồng tăng. Ghi nhận của phóng viên, giá lợn hơi xuất bán ra trên địa bàn tỉnh những ngày cuối tháng 6/2022 đã "nhích" lên từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, hiện ở mức trên 60.000 đồng/kg.
Tuy nhiên giá lợn hơi vẫn không theo kịp đà tăng của giá cám, khiến người chăn nuôi không có lãi. Thậm chí với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không tự chủ được về con giống còn bị lỗ.
Vừa xuất bán đàn lợn không lâu với giá 56.000 - 57.000 đồng/kg, những ngày gần đây, mặc dù giá lợn đã tăng lên 59.000 đồng/kg nhưng anh Phạm Văn Hải, hộ chăn nuôi lợn lâu năm tại thôn Tân Cương, xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch) cũng không phấn khởi hơn.
Theo anh Hải, chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, các đại lý đã thông báo điều chỉnh giá cám tăng tới 6 lần đã đẩy giá thành sản xuất lên 56.000 - 57.000 đồng/kg. Mức giá này đối với những hộ phải đi mua lợn giống thì hầu như mới chỉ hòa vốn.
Anh Hải hiện có đàn lợn hơn 2.000 con, trong đó, có hơn 200 con nái. Mặc dù đã giảm đáng kể chi phí con giống, nhưng nếu tính cả tiền lương cho 12 công nhân với mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng..., chi phí các loại vắc xin phòng bệnh, dung dịch vệ sinh chuồng trại, chưa kể rủi ro dịch bệnh... thì với giá lợn hiện tại, anh Hải mới xem như hòa vốn, không có lãi, trong khi số vốn đầu tư ban đầu khá lớn.
Là hộ chăn nuôi đồng thời là đại lý phân phối của các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn như Japfa Comfeed, C.P..., có lợi hơn khi giá cám nhập tại gốc, sau khi bán đi nhiều lứa lợn kể từ đợt dịch Tả lợn châu Phi từ năm 2021 đến nay, tổng đàn lợn đã giảm còn một nửa so với trước, hộ anh Nguyễn Văn Ngọ (xã Lãng Công, huyện Sông Lô) không có ý định tăng đàn, bởi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, càng nuôi càng lỗ vốn.
Anh Ngọ cho biết, hiện, sau 6 lần điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi với hơn 600 con lợn, do nuôi theo phương thức chuồng kín, chi phí tiền điện lớn nên sau khi trừ đi mọi chi phí sản xuất, gia đình cũng không thu lãi được là bao.
Hiện, thức ăn chiếm 70 - 80% trong tổng cơ cấu giá thành chăn nuôi. Trước giá cám tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã tìm cách tự phối trộn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để giảm chi phí sản xuất, nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt và phù hợp với hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ (từ vài chục con lợn trở xuống).
Do đó, nếu giá cám tiếp tục tăng và giá lợn vẫn ở mức thấp thì nguy cơ rất nhiều hộ chăn nuôi lớn phải giảm đàn để giảm bớt chi phí, hộ nuôi quy mô nhỏ có thể phải "treo chuồng".
Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), để giảm gánh nặng cho người chăn nuôi, về lâu dài, cần giải quyết vấn đề nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tránh lệ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay; giải pháp trước mắt là Cục đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với ngô từ 5% còn 3%, lúa mì từ 3% xuống 0%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.