Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chúc mừng những kết quả nổi bật của Phú Thọ trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch Covid-19, kinh tế - xã hội của Phú Thọ vẫn phát triển ấn tượng, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 cao hơn bình quân của cả nước.
Đặc biệt, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt hơn 80% dự toán, là cơ sở để Phú Thọ có thể gia nhập "Câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng". Đồng thời, Phú Thọ là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, Phú Thọ có nhiều tiến bộ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhờ đó, Phú Thọ đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Phú Thọ thu hút đầu tư 11,7 tỷ USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, xây dựng nông thôn mới đạt thành tích ấn tượng với 4/13 huyện đạt nông thôn mới, 122/225 xã đạt nông thôn mới. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Các hoạt động văn hóa thể thao được chú trọng, tổ chức tốt các sự kiện chính trị, văn hóa. Trong đó, các sự kiện của SEA Games 31 tổ chức tại Phú Thọ đã để lại hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế, nhân dân cả nước.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, chú trọng. Công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ và tỉnh được thực hiện nghiêm. Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND, UBND các cấp được thực hiện chủ động, chất lượng được nâng cao. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ rõ một số hạn chế tại Phú Thọ.
Cụ thể, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện song còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Phú Thọ chưa tự cân đối được chi thường xuyên, cơ cấu nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.
Phát triển đô thị tại Phú Thọ còn chậm, tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn so bình quân chung cả nước. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Phú Thọ còn gặp nhiều vướng mắc.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Phú Thọ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, thế mạnh phát triển của địa phương. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý vị trí nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô, cửa ngõ trung tâm kinh tế liên tỉnh phía Bắc, nằm trong hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng...
"Tỉnh Phú Thọ đóng vai trò kết nối trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc nên càng cần quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 thật hiệu quả; đánh giá kỹ lưỡng các tiềm năng, lợi thế của địa phương trong vùng, tính toán xác định các nhiệm vụ phát triển hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, kết nối chính sách, kết nối hạ tầng với các tỉnh trong vùng để tạo sự bứt phá trong thời gian tới", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, Phú Thọ cần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, liên kết vùng.
Phú Thọ cần tập trung thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh; chú trọng phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
"Việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch mà tỉnh Phú Thọ đạt được thời gian qua sẽ là động lực để tỉnh tận dụng, tranh thủ mọi nguồn lực để bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh dẫn đầu trong khu vực", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã nêu một số đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn phát triển, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đề nghị Quốc hội, Chính phủ phân cấp, giao HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng TP.Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội...
Tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị Trung ương tạo điều kiện để tỉnh triển khai dự án trung tâm logistics tại TX.Phú Thọ; bố trí từ nguồn vốn phục hồi kinh tế giai đoạn 2021- 2025, tạo điều kiện cho tỉnh Phú Thọ triển khai thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện sớm khởi công các dự án nhằm đảm bảo giải ngân trong năm 2022 và 2 năm 2022 - 2023 từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội; điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025...