Trao đổi với PV báo Dân Việt về điểm chuẩn đánh giá năng lực năm 2022, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM chia sẻ: "Năm 2022, trường đưa ra mức điểm sàn (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với hình thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức) là 700 điểm. Mức điểm này tương tự năm 2021 và nhà trường cũng cơ bản giữ nguyên các phương thức xét tuyển như năm 2021.
Chính vì vậy, mặc dù điểm thi của thí sinh có xu hướng thấp hơn năm 2021 nhưng do lượng thí sinh đăng ký và dự thi năm nay đông hơn nên rất có thể điểm chuẩn sẽ không có nhiều biến động. Theo tình hình chung, ở các ngành "hot" rất có thể có sự tăng nhẹ nếu số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển cao.
Hiện nay một số trường đã bắt đầu công bố điểm chuẩn xét tuyển bằng hình thức sử dụng kết quả thi kỳ thi đánh giá năng lực 2022. Qua theo dõi điểm chuẩn của các trường này, nhận thấy mặc dù điểm thi của thí sinh thấp nhưng điểm chuẩn một số ngành vẫn có xu hướng tăng và tăng mạnh. Tuy nhiên, cũng có một số ngành giảm, số ngành giảm và mức điểm giảm không thể hiện tính tiêu biểu.
Việc điểm thi thấp nhưng điểm chuẩn tăng có thể là do lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành đó khá cao, sức hút của các ngành "hot" vẫn thu hút thí sinh và tập trung các thí sinh có kết quả khá cao đăng ký xét tuyển. Mặt khác, có thể do các trường điểu chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển giữa các ngành, giữa các phương thức xét tuyển đã vô tình làm điểm chuẩn của phương này ở những ngành đó tăng lên".
Theo TS Trần Đình Lý: "Việc tổ thức kỳ thi đánh giá năng lực để bổ sung phương thức xét tuyển đại học rõ ràng là có nhiều mặt tích cực và đã được phân tích nhiều. Trong một kỳ thi/xét tuyển nếu có nhiều phương án thì thí sinh có nhiều cơ hội hơn để trúng tuyển ngành mà mình yêu thích, các trường tăng cao khả năng lựa chọn được những thí sinh phù hợp với yêu cầu, tiêu chí mà mình đặt ra và nâng cao chất lượng đầu vào của từng trường.
Mặt khác, thí sinh tham gia xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực đã giảm được áp lực vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sử dụng để xét tuyển đại học và với việc kỳ thi này tổ chức đánh giá kết quả tổng hợp nhiều lĩnh vực cũng giúp cho thí sinh thoát khỏi việc "học lệch" theo khối thi như trước đây. Thí sinh có thể phát huy khả năng tổng hợp vấn đề, kiến thức xã hội và năng lực học tập để xét tuyển vào ngành mà mình yêu thích, xét về góc độ hướng nghiệp sẽ tăng cơ hội học tập đúng ngành, ra trường làm đúng nghề hơn việc cố gắng vào một trường đại học/ngành học theo khối mà mình đã học tập nhưng không thực sự yêu thích.
Tuy nhiên, dù sao đây là một kỳ thi và ít nhiều thí sinh vẫn chịu áp lực của một kỳ thi, thí sinh, phụ huynh phải chịu một lần di chuyển, tốn kém khi phải di chuyển lên một khu vực nhất định để dự thi. Một vấn đề cần cân nhắc là nếu không có giải pháp đồng bộ, công tác truyền thông không phù hợp hoặc nhận thức của thí sinh, phụ huynh không đúng sẽ xảy ra hiện tượng "luyện thi" đánh giá năng lực. Nếu có các hiện tượng đó thì việc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học sẽ gặp các hạn chế như trước đây các trường từng tổ chức thi đại học".
Điểm chuẩn đánh giá năng lực một số ngành có thể lên đến 920-950
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Sinh học tại Hà Nội cho hay: "Mới đây, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm thi đánh giá năng lực (HSA). Thống kê dữ liệu cho thấy mức điểm cao nhất là 135/150 và chỉ một em đạt được, thấp nhất là 24. Điểm trung bình là 79,3. Ở nhóm thí sinh điểm cao, có 16 em trong khoảng 125-131 điểm. Số thí sinh đạt 75 điểm trở lên chiếm gần 62%, từ 80 trở lên là 48,3%, từ 90 là 23,9%. Chỉ 8% thí sinh đạt 100 điểm trở lên và 1,6% có điểm thi bằng hoặc cao hơn 110.
Với phổ điểm như vậy thì khả năng điểm chuẩn các trường sử dụng kết quả thi HAS có thể có điểm chuẩn từ 80 điểm trở lên. Những thí sinh trên 100 điểm có cơ hội rất lớn để đỗ vào các trường top giữa, trong khi đó để đỗ những trường top 1 thì các thí sinh có thể phải cần mức điểm khoảng 110 điểm. Đối với các trường sử dụng kết quả thi đánh giá giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, điểm bài thi đánh giá năng lực là 1.200 điểm, điểm chuẩn các trường sẽ rơi vào khoảng 550-900 điểm, những trường top đầu, ngành học hot như Y dược, Công nghệ thông tin, Kinh tế đối ngoại… thì điểm chuẩn có thể lên đến 920-950.
Các thí sinh cần lưu ý rằng năm 2022, các phương thức xét tuyển đều có chung lọc ảo, do đó sau khi thi THPT, có kết quả cần căn cứ với kết quả thi đánh giá năng lực để lựa chọn dùng phương thức nào xét tuyển vào ngành mình mong muốn, phương thức nào có điểm cao hơn, ưu thế hơn. Tuy nhiên các thí sinh cũng cần căn cứ cả vào số chỉ tiêu dành cho mỗi phương thức để đưa ra sự lựa chọn tối ưu nhất cho mình".
Hiện tại đã có một số trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học năm 2022.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố điểm trúng tuyển 4 phương thức, trong đó điểm xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực nhiều ngành trên 900 điểm, cao nhất là 950 điểm. Cụ thể, điểm chuẩn đánh giá năng lực 2022 với mức khá cao - trên 900 điểm thuộc về các ngành: Công nghệ truyền thông (910 điểm), ngành Tài chính Quốc tế và ngành Khoa học dữ liệu (920 điểm), ngành Kinh doanh quốc tế (930 điểm), ngành Marketing và ngành Thương mại điện tử (940 điểm). Cao nhất ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng với 950 điểm. Đây đều là những ngành "hot" được thí sinh yêu thích trong các năm gần đây.
Điểm chuẩn Học viện Hàng không là 750-800 điểm. Điểm chuẩn của Trường Đại học Nha Trang dao động ở mức từ 600 đến 725 và có áp dụng điểm tiếng Anh - điểm trung bình lớp 12 môn tiếng Anh đối với 18/39 ngành/chương trình đào tạo...