Sơn là nghi phạm vụ trộm xe máy cùng hàng hóa chở theo trên xe của anh Nguyễn Khánh D. (25 tuổi, quê Hưng Yên, tạm trú quận Bình Thạnh, TP.HCM). Tại cơ quan công an, Sơn đã thú nhận hành vi của mình.
Clip nghi phạm trộm lấy xe máy cùng hàng hóa trên xe của anh D. bỏ chạy.
Trước đó, trưa 11/7, trong lúc giao hàng cho khách tại hẻm 113 đường Võ Duy Ninh, anh D. bất ngờ bị 1 nam thanh niên lấy xe máy tẩu thoát cùng thùng hàng phía sau ước tính khoảng 20 triệu đồng.
Vào cuộc điều tra, ngày 12/7, Công an phường 22 phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự quận Bình Thạnh mời bạn gái của nghi phạm là chị T.T.T (29 tuổi, quê An Giang) lên làm việc.
Qua đó, chị T. khai nhận, chiều 11/7, thấy Sơn mang về 1 giỏ đồ bên trong có nhiều gói hàng, nên mở ra xem.
Sau đó, công an mời anh D. đến. Anh D. xác nhận các gói hàng mà Sơn mang về nhà có mã trùng với mã hàng hóa anh bị lấy mất.
Tối 12/7, lực lượng chức năng kiểm tra hành chính 1 khách sạn trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), phát hiện chị T. và Sơn tại đây.
Vụ việc này gây xôn xao dư luận suốt mấy ngày qua. Biết được hoàn cảnh khó khăn của anh D. nhiều nhà hảo tâm đã trao tặng, ủng hộ 85 triệu đồng để nạn nhân vượt qua khó khăn.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ việc này có hai yếu tố quan trọng để xác định trách nhiệm pháp lý của nghi phạm đó là giá trị của tài sản và thủ đoạn chiếm đoạt được thực hiện như thế nào.
Ông Cường nêu quan điểm, trong trường hợp kết quả xác minh, điều tra cho thấy, nghi phạm đã lợi dụng tình thế không thể quản lý được tài sản của nạn nhân để lấy tài sản (lấy một cách công khai, không giấu diếm) rồi tẩu thoát, hành vi này sẽ có thể bị xử lý hình sự về tội "Công nhiên chiếm đoạt tài" sản theo quy định tại Điều 172 Bộ luật hình sự 2015.
Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản là chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai do người có tài sản đang ở trong tình thế không thể trực tiếp quản lý được tài sản.
Lợi dụng sự sơ hở đó đối tượng đã tiếp cận để chiếm đoạt tài sản trước mặt người chủ sở hữu tài sản nhưng họ không thể ngăn cản được vì đang trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt.
Bởi vậy, việc xác định nghi phạm lúc chiếm đoạt chiếc xe và hàng hóa trên xe có công khai hay không, nhân viên giao hàng có phát hiện ra không…là những yếu tố quan trọng để xác định hành vi của Sơn có bị xử lý về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hay không.
Trường hợp kết quả điều tra, xác minh cho thấy nghi phạm không lấy tài sản của một cách công khai mà lợi dụng sơ hở của nạn nhân để lén lút chiếm đoạt tài sản, sau khi nạn nhân phát hiện, nghi phạm đã bỏ chạy cùng với tài sản, đây là hành vi trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự.
Còn nếu hành vi chiếm đoạt tài sản không thuộc hai trường hợp trên mà diễn biến hành vi là đối tượng tiếp cận với nạn nhân, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát khiến nạn nhân không kịp trở tay, hành vi này có thể bị xử lý về tội "Cướp giật tài sản" theo quy định tại Điều 171 Bộ luật hình sự.
"Bộ luật hình sự dành một chương riêng để quy định về "nhóm các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản". Trong đó với những diễn biến hành vi khác nhau, phương thức thủ đoạn khác nhau, hoàn cảnh quản lý tài sản của nạn nhân khác nhau mà đối tượng có thể sẽ bị xử lý bởi các tội danh khác nhau" – ông Cường cho biết.
Như vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ phương thức, thủ đoạn, diễn biến hành vi của nghi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.