Xử lý thế nào vụ xua chó dữ tấn công hàng xóm ở Đà Nẵng?

Quang Trung Thứ tư, ngày 13/07/2022 08:01 AM (GMT+7)
Ngày 12/7, Công an quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho biết, đang điều tra vụ mâu thuẫn đánh nhau và thả chó dữ tấn công người trên địa bàn phường Thọ Quang. Hành vi thả chó dữ cắn người có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Đánh nhau với hàng xóm đánh, về nhà thả chó dữ cắn trả thù

Theo điều tra ban đầu, vào trưa 29/5, Đ.V.N (36 tuổi, trú phường Thọ Quang) nhậu cùng T. (39 tuổi) tại nhà của N.

Trong cuộc nhậu, T. tình cờ biết trước đây giữa N. và T.Đ.Th (46 tuổi, hàng xóm Ngọc) có xảy ra mâu thuẫn. Khoảng 15h30 cùng ngày, ông T. gọi Th. đến nhà N. nói chuyện để giải quyết mâu thuẫn.

Xử lý thế nào vụ đánh nhau với hàng xóm, thả chó pitbull, becgie tấn công đối thủ ở Đà Nẵng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, lúc này, N., T. và Th. tiếp tục xảy ra mâu thuẫn, cự cãi và xảy ra xung đột.

Sau đó, Th. quay về nhà, thả rông hai con chó, gồm một pitbull,  cao khoảng 70cm, nặng khoảng 40kg và một becgie cao khoảng 60 cm nặng khoảng 30 kg qua nhà cắn N. gây thương tích.

Theo Công an quận Sơn Trà, cơ quan này đang lấy lời khai, xác định thương tật các bên sau đó mới có bước xử lý tiếp theo về việc có hay không khởi tố vụ án.

Thả chó dữ cắn người bị xử lý hình sự hay hành chính?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trong vụ việc này nếu có thương tật với tỉ lệ từ 11% trở lên, có thể Th. sẽ bị khởi tố tội cố ý gây thương tích. Khi đó, hai chú cho sẽ được xác định là phương tiện gây án.

Theo ông Bình, cố ý gây thương tích là hành vi dùng vũ lực (có sử dụng hung khí hoặc không sử dụng hung khí) hoặc thủ đoạn khác tác động lên cơ thể người khác gây tổn thương cho họ. Các thương tích nhìn chung có thể thấy rõ và hoàn toàn có thể giám định được.

Hành vi này được thực hiện với lỗi cố ý. Tức là họ nhận thức rõ hành vi đánh người gây thương tích của mình nhất định hoặc có thể gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ cho người khác, song mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

Một yếu tố quan trọng để xác định hành vi cố ý gây thương tích là tỉ lệ thương tật hay tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân. Cách xác định tỉ lệ thương tật được quy định tại Thông tư 22/2019/TT-BYT.

Luật sư Bình nói, nếu hành vi cố ý gây thương tích chỉ khiến nạn nhân bị thương tật dưới 11%, không rơi vào trường hợp đặc biệt trong bộ luật hình sự, người phạm tội chỉ bị xử phạt hành chính.

Còn nếu gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Mức phạt của tội danh này phụ tuộc vào tỉ lệ thương tật, tỉ lệ càng cao mức phạt càng nặng. Nếu gây chết người sẽ bị phạt từ 7 đến 14 năm.

Ngoài việc bị truy cứu hình sự, người phạm tôi này còn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân có sức khỏe bị xâm hại. Mức bồi thường theo thỏa thuận các bên và dựa trên quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Các chi phí phải bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại, nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được sẽ áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại…

Ngoài ra, nạn nhân còn được bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận.

Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

"Như vậy, tùy tính chất mức độ mà hành vi thả chó cắn đối thủ có thể bị xử lý hình sự hoặc hành chính" – luật sư Bình nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem