Dân Việt

Vì sao siêu pháo phản lực Mỹ HIMARS khiến các tướng Nga 'toát mồ hôi' trên chiến trường Ukraine?

Minh Nhật (theo 19 Forty Five) 17/07/2022 08:54 GMT+7
Điện Kremlin đã công khai bày tỏ sự giận dữ và yêu cầu Mỹ ngừng gửi pháo phản lực phóng loạt HIMARS cho Ukraine, trong khi Kiev cho biết, các cuộc trò chuyện mà họ chặn được cho thấy, binh lính Nga đang mất tinh thần, lo sợ loại vũ khí tầm xa chết chóc này.
Vì sao siêu pháo phản lực Mỹ HIMARS khiến các tướng Nga 'toát mồ hôi' trên chiến trường Ukraine? - Ảnh 1.

Pháo phản lực phóng loạt HIMARS tối tân do Mỹ sản xuất và viện trợ cho Ukraine được kỳ vọng trở thành "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong cuộc chiến ác liệt giữa Nga và Ukraine ở miền Đông Ukraine. Ảnh do quân đội Mỹ công bố cho thấy binh sĩ Mỹ đang phóng tên lửa từ hệ thống HIMARS tại Daecheon, Hàn Quốc, ngày 21/9/2017.

Ukraine sử dụng hiệu quả pháo phản lực HIMARS của Mỹ

Lực lượng Nga ở Ukraine vốn có lợi thế lớn về số lượng pháo tầm xa trên chiến trường Donbass, nơi được xem là trọng tâm trong chiến lược quân sự của Nga ở Ukraine. Nhưng lợi thế đó đã bị thu hẹp khi Ukraine sở hữu pháo phản lực tầm xa HIMARS được Mỹ viện trợ, theo 19 Forty Five.

Bằng cách sử dụng hiệu quả HIMARS trên chiến trường, lực lượng vũ trang Ukraine đã giành được một loạt các lợi thế của riêng họ.

Được Mỹ đào tạo, các lực lượng vũ trang Ukraine gần đây đã thành thạo sử dụng HIMARS để tấn công các kho đạn và trung tâm chỉ huy của Nga nằm ở sâu sau chiến tuyến một cách chính xác.

Với việc sử dụng thành công hệ thống HIMARS, các quan chức Ukraine tuyên bố rằng, điều này sẽ tạo điều kiện cho họ phản công và đánh bật quân đội Nga khỏi đất nước.

Phản ứng của Nga

Trong khi đó, các quan chức của Moscow và truyền thông Nga đã tìm cách làm giảm hiệu quả của pháo phản lực HIMARS trên chiến trường Ukraine.

Ukraine cũng đưa tin rằng, theo các cuộc trò chuyện giữa các sĩ quan Nga mà Kiev chặn được, thì binh lính Nga trên chiến trường đang ngày càng tỏ ra lo lắng và mất tinh thần trước tác động của các cuộc tấn công bằng HIMARS của quân đội Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga hiện vẫn cố gắng duy trì luồng thông tin tích cực về việc Ukraine sở hữu HIMARS, chỉ đề cập đến HIMARS trong tuyên bố vào ngày 6/7 rằng các lực lượng vũ trang nước này đã tiêu diệt 2 chiếc HIMARS của Ukraine - dù cả Kiev lẫn Washington đều phủ nhận thông tin này.

Nhưng ở một cách tiếp cận khác, người theo chủ nghĩa dân tộc Nga, cựu Đại tá Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Igor Girkin, từng tham gia chỉ huy lực lượng ly khai thân Nga chiến đấu ở miền đông Ukraine đã bày tỏ lo ngại về hỏa lực mà HIMARS tạo ra trên chiến trường.

Ông Girkin viết trên Telegram rằng trong vòng chưa đầy một tuần, Nga đã phải hứng chịu "tổn thất lớn cả về binh sĩ và thiết bị" trong các cuộc tấn công bằng HIMARS của Ukraine nhằm vào ít nhất 10 kho pháo và đạn dược lớn cũng như một số kho dầu, sở chỉ huy của Moscow ở Ukraine.

Ông Girkin thậm chí thừa nhận rằng các hệ thống phòng không của Nga đã "không hiệu quả trước các cuộc tấn công của tên lửa HIMARS".

Theo đó, ông Girkin cảnh báo rằng, các vị trí của lực lượng Nga ở Ukraine đang bị HIMARS tấn công nhưng họ không có biện pháp phòng thủ hoặc chống lại.

Đại biểu Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Maria Butina đã công khai cáo buộc rằng, Ukraine đã sử dụng HIMARS để tấn công cơ sở hạ tầng dân sự và yêu cầu Mỹ ngừng cung cấp các hệ thống vũ khí tương ứng cho Ukraine.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Ukraine dùng HIMARS để tấn công lãnh thổ Nga?

Đến nay, bất chấp HIMARS chắc chắn đã gây xáo trộn lớn cho các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, Kiev vẫn đang tiếp tục kiềm chế, không dùng hệ thống vũ khí tối tân này để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga theo lời hứa với Washington.

Nhưng nếu Ukraine tấn công các mục tiêu nằm trong biên giới Nga trong tương lai, Kiev sẽ có nguy cơ hứng chịu sự giận dữ của Mỹ. Washington không muốn vũ khí do họ sản xuất liên quan đến các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Nga vì điều này sẽ làm leo thang căng thẳng với Moscow, có thể dẫn đến hành động trả đũa nhằm vào các lực lượng Mỹ của Nga.

Các cuộc tấn công như vậy cũng có thể làm phức tạp bức tranh chính trị bên trong nước Nga, khi mà cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến Nga. Điều này có thể khiến Moscow giận dữ trút thêm đòn tấn công trả đũa vào Ukraine.

Hiện tại, HIMARS được cho là đã chứng tỏ nó là vũ khí mạnh mẽ, hiệu quả giúp Ukraine phá hủy các hệ thống chỉ huy và hậu cần của Nga phục vụ trong cuộc chiến ở Ukraine. Dù vậy vẫn cần thêm thời gian để đánh giá tác động thực tế của chúng đối với các hoạt động của Nga ở Ukraine.