Tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật Nội soi của bệnh viện vừa sử dụng phương pháp mổ nội soi lồng ngực đốt hạch giao cảm để phẫu thuật thành công cho một cô gái 23 tuổi tăng tiết mồ hôi tay. Đây là một phẫu thuật mang lại hiệu quả cao, an toàn và hồi phục nhanh.
Bệnh nhân là T.N.A (23 tuổi) đến từ Vĩnh Phúc. T tâm sự dù bề ngoài khá xinh xắn, công việc ổn định nhưng cô thường tự ti vì chứng đổ mồ hôi tay rất nặng.
N.A có tiền sử hay ra mồ hôi tay từ khi còn là học sinh, tuy nhiên vì ít ảnh hưởng đến cuộc sống và không để ý nên để việc tăng tiết mồ hôi tay kéo dài đến tận bây giờ.
"Mỗi lần xúc động, căng thẳn, mồ hôi tay em lại đổ rất nhiều, có khi chảy thành giọt. Em phải lau tay liên tục.
Đáng nói, em làm nghề phiên dịch, hay phải tiếp xúc với nhiều người lại là người mới quen biết, thường phải xã giao bằng cách bắt tay. Tuy nhiên, việc đổ mồ hôi tay "như tắm" khiến em vô cùng tự ti. Nhiều khi em phải trốn việc vì sợ bàn tay đẫm mồ hôi của mình lại gây ra tình huống xấu hổ. Em cảm thấy rất áp lực", N.A chia sẻ.
Khi N.A đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cô bị đổ mồ hôi tay độ 3.
TS Bùi Thanh Phúc, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, với phương pháp y học tiên tiến như hiện nay, trường hợp đổ mồ hôi tay nặng như bệnh nhân N.A không khó điều trị.
Các bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật cho người bệnh bằng phương pháp mổ nội soi ngực đốt hạch giao cảm. Phẫu thuật viên tiếp cận lồng ngực người bệnh bằng 2 đường vào rất nhỏ khoảng 5mm.
Với phòng mổ và các phương tiện phẫu thuật nội soi hiện đại, bác sỹ có thể đánh giá các tạng trong lồng ngực, đồng thời xác định chính xác vị trí các hạch giao cảm để đốt cắt bằng tia laze, rất nhanh chóng.
Với thời gian phẫu thuật ngắn chỉ từ 20-30 phút, ngay sau mổ, bàn tay của N.A đã hoàn toàn khô ráo. Chỉ sau 1 ngày, N.A được ra viện, trở lại cuộc sống sinh hoạt và làm việc bình thường.
Theo TS Phúc, đổ mồ hôi là cơ chế tự làm mát của cơ thể. Hệ thống thần kinh tự động kích hoạt các tuyến mồ hôi khi nhiệt độ cơ thể tăng lên.
Đổ mồ hôi cũng thường xảy, đặc biệt là ở lòng bàn tay, khi lo lắng. Tùy theo nguyên nhân người ta phân ra các loại tăng tiết mồ hôi khác nhau. Trong các loại tăng tiết mồ hôi thì loại phổ biến nhất là tăng tiết mồ hôi tiên phát (hyperhidrosis).
Với loại tăng tiết mồ hôi tiên phát, các dây thần kinh chịu trách nhiệm khởi động các tuyến mồ hôi trở nên hoạt động quá mức, mặc dù các dây thần kinh không được kích hoạt bởi hoạt động thể chất hoặc tăng nhiệt độ.
Nếu có nhiều căng thẳng, cơ thể stress hoặc bị kích động thì tình trạng tăng tiết mồ hôi càng trở nên nặng hơn. Tăng tiết mồ hôi tiên phát thường gây tăng mồ hôi ở lòng bàn tay và lòng bàn chân (tăng tiết mồ hôi tay chân) và đôi khi là ở cả mặt.
TS Phúc chia sẻ, hiện nay nguyên nhân gây tăng mồ hôi tiên phát vẫn chưa được giải thích một cách đầy đủ. Nó có thể là một phần do di truyền vì đôi khi thường thấy ở những bệnh nhân có tiền sử gia đình.
Một loại tăng tiết mồ hôi khác ít phổ biến hơn nhưng đang có xu hướng tăng đó là tăng tiết mồ hôi thứ phát. Đây là tình trạng tăng tiết mồ hôi do một tình trạng bệnh lý nào đó của cơ thể. Khác với tăng tiết mồ hôi nguyên phát các trường hợp thứ phát thường gây tăng tiết mồ hôi toàn thân.
"Việc điều trị chứng tiết mồ hôi tay, mồ hôi chân không khó. Chúng tôi đã phẫu thuật thành công cho hàng trăm ca, mang lại cuộc sống bình thường cho người bệnh. Do đó, người dân bị chứng tiết mồ hôi nặng, ảnh hưởng đến chất lượng sống thì nên đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đừng chịu đựng mà đánh mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống", TS Phúc khuyến cáo.