Bộ Y tế yêu cầu lập Hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân gây bệnh hoại tử xương hàm mặt
Bộ Y tế yêu cầu lập Hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân gây bệnh hoại tử xương hàm mặt
Diệu Linh - Bạch Dương
Thứ năm, ngày 14/07/2022 18:55 PM (GMT+7)
Về các tình hình gia tăng người bệnh hoại tử xương hàm mặt, ngày 14/7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu 2 BV Răng Hàm Mặt TƯ TP.HCM và BV Chợ Rẫy báo cáo và lập Hội đồng chuyên môn làm rõ nguyên nhân.
Những bệnh nhân hoại tử xương hàm mặt có nguy cơ tử vong cao
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (TP.HCM) cho biết, nếu như trước đây 3 tháng bệnh viện mới có 1 ca hoại tử xương hàm trên thì chỉ 5 tháng qua, có đến 16 ca nhập viện không xác định được nguyên nhân.
Các bệnh nhân có chung triệu chứng là đau răng, đau hàm, sưng mặt. Trường phát hiện sớm, hoại tử chưa lan rộng, bệnh nhân được phẫu thuật đục bỏ phần lớn xương hàm trên, lấy hết khối xương chết, dùng kháng sinh từ 3-6 tuần. Sau đó sẽ được phục hình lại xương hàm.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng rất lúng túng trước các ca bệnh hoại tử xương hàm mặt kỳ lạ này.
TS.BS Nguyễn Ngọc Khang, Phó khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, 2 trường hợp tử vong diễn ra rất nhanh. Khi nhận 3 bệnh nhân nặng được chuyển đến, kiểm tra thấy các bệnh nhân đều bị tổn thương sọ, hàm mặt, xoang lan rộng.
Mở xương sọ, thấy được mủ bám ở xương và da đầu, một phần bám trên màng não. Có trường hợp, mủ ở hàm trên xì ra, cả hàm răng lung lay dữ dội, ê-kip phải nhổ toàn bộ răng để khoét hết bộ xương chết.
"Do các bệnh nhân nhiễm nấm làm các ổ nhiễm trùng lan rộng nên sau khi bỏ phần xương hoại tử, chúng tôi không thể đặt vật liệu nhân tạo thay xương sọ được vì sẽ tạo nên những ổ nhiễm trùng mới. Các bệnh nhân phải được theo dõi ít nhất 6 tháng, nếu hết nhiễm trùng mới tính đến việc đặt lớp titan che não", bác sĩ Khang giải thích.
Một trong những giả thuyết được xem xét, là người mắc Covid-19 có tình trạng tăng đông, khiến các mạch máu nuôi xương bị tắc và hoại tử. SARS-CoV-2 bám vào thụ thể ACE-2, tập trung nhiều ở niêm mạc mũi, miệng, làm tắc vi mạch máu nuôi xương hàm.
Hoại tử xương hàm mặt cũng có thể gặp ở người suy giảm miễn dịch, dùng corticoid kéo dài… khi nhiễm vi khuẩn, nấm có thể dẫn đến viêm xương, gây hoại tử. Hoại tử xương hàm dưới phổ biến hơn xương hàm trên.
Lý giải hiện tượng bệnh lý này vẻ tăng hơn so với trước dịch Covid-19, chuyên gia cho rằng, môi trường xung quanh luôn có nhiều loại vi sinh vật, khi cơ thể suy giảm miễn dịch sẽ rất dễ bị tấn công.
"Có thể do cơ thể người mắc Covid-19 bị rối loạn miễn dịch kéo dài, suy giảm miễn dịch, cộng với bệnh đái tháo đường sẵn có, nấm phát triển nhiều hơn trong cơ thể, gây viêm nhiễm", bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy phân tích.
Tại Hà Nội, ngày 14/7, đại diện Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương và Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương tại Hà Nội đều cho biết chưa ghi nhận bệnh nhân bị hoại tử xương hàm sau mắc Covid-19 đến thăm khám.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng chưa tiếp nhận bệnh nhân như vậy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.