Với bàn tay khéo léo duyên dáng của bà con xứ An Giang, món xôi phồng sẽ khiến thực khách ăn rồi lại muốn ăn nữa.
“Cái chợ có từ hồi nào và bao nhiêu tuổi,
Mà ai cũng bảo là chợ Mới quê em
Ca từ quen thuộc trong bài vọng cổ “Chợ Mới quê em” của soạn giả Trọng Nguyễn nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc. Nghe nói cái tên Chợ Mới ban đầu dùng để chỉ cho một ngôi chợ tại làng Long Điền tỉnh Long Xuyên xưa. Thời Pháp thuộc, khi lập đơn vị hành chính mới chính quyền thực dân chọn đặt cho tên quận mới. Cái chợ xa xứ quê xưa nay là chợ huyện, nhộn nhịp hơn nhiều thời “Dòng sông thơ ấu” những năm 1940 của cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng, mới hơn những cuộc hẹn hò bến nước dưới sông trước nhà của thằng Tâm, con Hồng – 2 nhân vật trong bài ca cổ miền Tây.
Món xôi thì nơi nào cũng có. Người Việt tài hoa sản sinh ra nhiều loại hoa trứ danh. Xôi bảy màu, xôi ngũ sắc như bức họa ngũ hứng của chàng họa sĩ lãng tử. Xôi lá cẩm tím màu nhớ nhung, xôi gấc đỏ màu son hấp dẫn, xôi màu nghệ vàng tươi, nhìn thấy đã thèm ăn. Xôi đúng là món “ăn chơi” , không phải món chính, nhưng nó không thể thiếu trong mâm lễ thôi nôi, đầy tháng của trẻ con, và là thực đơn thêm phần “gia vị” trong các tiệc đám cưới, đám giỗ, cúng rằm
Xôi phồng Chợ Mới thuộc họ nhà xôi, nhưng vẫn tạo ra cái chất riêng, độc đáo từ cách làm, hình thức trình bày đến hương vị, tạo nên danh tiếng cho một món ăn dân gian miền Tây Nam Bộ mộc mạc, đậm tình quê: xôi phồng Chợ Mới, An Giang.
Huyện Chợ Mới được bao bọc bởi ba nhánh sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao nối đôi dòng, tạo ra vị trí rất riêng của một huyện vùng sông nước. Hai dãi đất xứ cồn nổi tiếng là cù lao Ông Chưởng và cù lao Giêng cũng thuộc địa bàn huyện Chợ Mới. Vùng đất Chợ Mới được phù sa bồi đất quanh năm, tạo ra nhiều loại nông sản có giá trị, đặc biệt là lúa, nếp. Hạt nếp Chợ Mới dẻo thơm, căng tròn , bóng đẹp. Đây là nguyên liệu chính cùng với đậu xanh để tạo nên món xôi phồng đặc sản Chợ Mới, An Giang.
Bằng bàn tay khéo léo của con gái xứ cù lao, đậu và nếp được nấu chín như nấu xôi truyền thống. Cơm, nếp, đậu chín đều, không nhão cũng không được khô, để nguội, rồi dùng chày quết nhuyễn, cho thêm chút dầu ăn vào để chống dính và tạo độ bóng. Nếp, đậu càng quết càng dẻo dai. Xôi phồng Chợ Mới có màu vàng ươm tự nhiên của hạt đậu xanh, sau khi quết, thường được cho vào khay hay quấn tròn để tiện bảo quản. Khi dùng, chỉ cần cắt từng khoanh vừa ăn, chiêng phồng.
Công đoạn chiên xôi cho phồng cũng là một điệu nghệ. Phải dùng dầu chiên vừa phải, canh lửa vừa để xôi phồng đều. Người chiên xôi phải kiên nhẫn, khéo léo. Khi chiên phải vừa tay thì xôi mới chín vàng, phồng đều. Xôi chiên xong phồng lên như quả bóng màu vàng, cắt ra từng miếng mỏng thơm ngon.
Món ngon không chỉ đậm đà hương vị mà còn bắt mắt, ưa nhìn. Thực khách có thể thưởng thức xôi phồng riêng hoặc ăn kèm với món gà thả vườn luộc, hấp rượu đề hay đem quay, chấm với nước tương. Đúng điệu phải là nước tương ủ lên men truyền thống làm bằng đậu nành xứ này.
Thời nay các món ăn Tây như Hamburger, gà rán KFC, thức ăn nhanh, Mc Donald’s. Ở cái thời của mang hơi hướng của “công nghiệp hóa”, người ta phải vừa ăn vừa chạy theo công việc. Song trong mỗi người dân đô thị, dường như vẫn còn trong mình nỗi “thương nhớ đồng quê”, nhiều người khó có thể dung nạp hoàn toàn các món ăn nhanh đặc sệt khẩu vị của người Tây, nên vẫn không quên các món “ăn chơi” như xôi phồng Chợ Mới.