Chia sẻ với PV báo Dân Việt, anh Đỗ Quốc Bình, sống tại Hà Nội không giấu được cảm xúc chia sẻ về thành tích con con trai là Đỗ Quang Vinh trong kỳ thi vào lớp 6 vừa qua.
Anh Bình cho hay: "Trước kỳ thi vào lớp 6, nhờ tấm Huy chương Vàng trong kỳ thi Toán Đồng đội Thế giới WMTC và điểm TOEFL Primary 230/230, một số trường cộng điểm đầu vào nên con có sự tự tin nhất định khi liên tiếp nhận thông báo trúng tuyển.
Tuy nhiên, ngay từ đầu con đã xác định mục tiêu là đỗ Trường THCS Cầu Giấy. Đây cũng là trường cuối cùng thông báo kết quả nên khi biết thông tin trúng tuyển, gia đình đã rút hồ sơ của con từ một trường chất lượng cao khác đã nộp trước đó khoảng 2 tuần".
Anh Bình chia sẻ bí quyết con thi đỗ vào lớp 6 trường yêu thích. Clip: Tào Nga
Để có thành công này, ngay từ khi con còn nhỏ, vợ chồng anh Bình đã có "chiến thuật" riêng. Anh Bình tiết lộ, gia đình xác định cho con học tốt các môn và đầu tư thời gian hơn cho 3 môn Toán, Tiếng Anh, Tiếng Việt.
Anh cho biết, từ lúc 2 tuổi, con trai đã tiếp xúc và làm chủ những con số rất nhanh. Cậu bé làm quen với số học, đọc được số dự báo thời tiết và thuộc biển số xe của 63 tỉnh thành. 2 tuổi rưỡi, bé biết làm toán cộng trừ. Chính điều này đã khiến gia đình sớm nhận thấy điểm mạnh của con và tạo điều kiện để con phát triển.
Khi thấy con thích Toán, gia đình cũng cho con tiếp xúc với Toán nhiều hơn. Bước chân vào lớp 1, bố mẹ mua cho con vài cuốn toán logic của Singapore, có quyển hoàn toàn bằng tiếng Anh, có quyển song ngữ để con vừa học Toán, vừa rèn luyện tiếng Anh.
Khi con lớn hơn, anh đã cho con tham gia các kỳ thi như Kangaroo, TIMO, WMTC,… là những kỳ thi có uy tín để con phát triển tư duy logic, có động cơ phấn đấu và làm quen dần với áp lực thi. Với Toán thi vào lớp 6 chất lượng cao, anh cũng đã sưu tầm được rất nhiều đề thi những năm trước, đề thi thử hoặc những đề ôn tập được xây dựng theo format, độ khó của mỗi trường. Đặc biệt nhất là khi con làm đề nào thì bố cũng song hành cùng làm với con đề đó. Kết thúc thời gian (thường là 45 phút/đề) hai bố con sẽ so sánh kết quả. Đây là điều không phải bố mẹ nào cũng thực hiện được.
Với Tiếng Anh, mẹ giảng và ôn cho con các nội dung thi thường gặp như đọc hiểu, điền từ, chia động từ các thì, viết lại câu, trọng âm,… Đồng thời con tự luyện đề online sau khi hoàn thành bài tập về nhà.
Đối với môn tiếng Việt, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, gia đình cho con làm thêm các bài văn miêu tả, cảm thụ văn học, nghị luận là những dạng gặp phổ biến nhất trong đề thi. Bên cạnh đó là làm những đề tiếng Việt online.
"Khi con còn nhỏ, bố mẹ phải sát sao. Lớn dần, theo sát việc học của con sẽ ít hơn, thay vào đó là quan tâm đến tâm sinh lý, thể chất, nhất là tuổi dậy thì – tuổi thích thể hiện cái tôi. Cá nhân tôi không muốn con học nhiều, song giáo dục Việt Nam là chế độ khoa bảng, học ít thì không vào được trường tốt. Tôi mong muốn giáo dục Việt Nam thay đổi theo hướng tăng cường các môn học thể chất, các môn hướng ngoại, trải nghiệm, khám phá, sáng tạo,… thay vì dạy nhiều "chữ" như hiện nay", anh Bình nêu quan điểm dạy con.
Chia sẻ thêm về cậu con trai, anh Bình nhận xét ưu điểm của con là khả năng tiếp thu nhanh nên chỉ cần giảng 1-2 lần các công thức, dạng bài mới. Con cũng có mục tiêu phấn đấu nên việc học và ôn thi phần nào mang tính tự nguyện thay vì ép phải học. Tuy nhiên, nhược điểm của con là khả năng tập trung chưa tốt, nên khi làm bài có những lỗi về tính toán, dính những "bẫy" trong bài thi, môn cuối cùng dễ bị mất điểm (nếu thi 2, 3 môn trong một buổi).
"Gia đình biết nhược điểm đó nhưng cũng chỉ nhắc nhở và chỉ ra những lỗi mắc phải trong từng bài thôi. Còn việc con chưa cẩn thận khi làm bài, thiếu khả năng tập trung cao độ thì gia đình không can thiệp được. Việc con phản ứng lại với ý kiến của bố mẹ là điều rất tự nhiên mà tôi khẳng định gia đình nào cũng gặp, ít hay nhiều mà thôi. Khi con phản ứng lại, tôi không giải quyết theo kiểu áp đặt mà theo kiểu đặt câu hỏi cho con. Việc trả lời những câu hỏi đó sẽ làm con tự nhận thấy được mình đúng ở đâu, sai ở đâu và cần chỉnh sửa như thế nào", anh Bình nói.
Sau thành công bước đầu là con được vào học ngôi trường yêu thích, anh Bình cho hay, trước mắt là 4 năm học THCS, anh sẽ định hướng cho con học đều các môn, tăng cường các hoạt động thể thao, ngoại khóa để tăng cường sức khỏe và giao tiếp xã hội. 2 năm cuối cấp, anh sẽ định hướng chuyên sẽ rõ ràng hơn. Việc thi vào trường THPT nào sẽ do con quyết định. Gia đình sẽ tư vấn để con có cái nhìn tổng quát và lượng sức mình.
Anh Bình nêu quan điểm: "Con sẽ không chịu sức ép quá lớn từ gia đình về việc học, mục đích để cho con có một tâm trạng thoải mái, tự chịu trách nhiệm về bản thân. Tuy nhiên, con sẽ được học trong một môi trường cạnh tranh, sẽ phải luôn nỗ lực. Năm cuối cấp luôn là năm tăng tốc, phải cố gắng hết khả năng của mình. Ngành học sẽ được xác định dựa trên thế mạnh của con sau này".
Từ trải nghiệm bản thân và dạy con thời gian vừa qua, anh Bình đang có dự định chia sẻ kiến thức toán cho học sinh cấp 1, 2 muốn thi vào lớp 6. Anh cho biết: "Tôi đã sưu tầm được nhiều đề thi toán quốc tế những năm trước, tổng hợp các dạng tư duy logic. Đối với kiến thức toán thi vào 6 chất lượng cao, tôi dành 3 năm để sưu tầm đề của các trường chất lượng cao, các sách toán bồi dưỡng học sinh giỏi tiểu học, từ đó tổng hợp thành các dạng toán thường gặp và cách giải với mỗi dạng. Với thế mạnh 23 năm về đào tạo, bản thân tôi đã có chứng chỉ sư phạm của Đại học Quốc gia từ năm 1999, tôi muốn truyền thụ kiến thức này đến các em học sinh.
Tôi sẽ tạo các video clip hướng dẫn giải các dạng Toán thường gặp khi thi vào lớp 6, mỗi dạng sẽ chia thành các phần khác nhau. Các em học sinh có thể tự học theo những video này. Video sẽ được đưa lên kênh Youtube, Fanpage và trang Facebook cá nhân của tôi. Tôi cũng sẽ tạo các đề tổng hợp để các em ôn luyện và thi thử, với mục tiêu thành thạo với các dạng Toán, làm quen với giới hạn thời gian. Tôi hi vọng sẽ giúp ích cho các bố mẹ đang có những trăn trở, lo lắng khi con vào lớp 6".
Được biết, anh Bình xuất thân từ học sinh chuyên Toán từ tiểu học. Anh từng học lớp Chuyên Toán, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và có những đam mê nhất định về Toán. Thời sinh viên, anh cũng thường xuyên làm gia sư cho học sinh trung học. Có học sinh 7x lúc đầu kiến thức về toán rất hổng, sau khi học anh đã thi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân được 10 điểm toán. Vào thời đó toàn bộ thi tự luận nên điểm tuyệt đối rất khó. Anh cũng thường xuyên dạy cho học sinh tiểu học, chủ yếu do bố mẹ là người quen gửi. Anh Bình hiện là giám đốc điều hành Công ty CP Dịch vụ Nhân lực HRL.
Là người quan tâm đến giáo dục, anh Bình nhận xét, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam là những nước châu Á mà áp lực học đối với học sinh là rất lớn. Các em học vì mình và học vì bố mẹ.
Xã hội phát triển, học sinh tiếp cận với máy tính, điện thoại thông minh sớm vô tình khiến trẻ em phần nào mất đi tuổi thơ. Thế giới ảo cũng khiến những bệnh tâm lý ở trẻ em gặp thường xuyên hơn, trẻ em phát triển mất cân đối. Giáo dục Việt Nam tập trung vào dạy chữ, là "Trí", ít chú trọng "Thân" và "Tâm", nên học sinh bị mất cân bằng.