Dân Việt

Long An: Đưa trường học đến học sinh học nghề

Trần Đáng thực hiện 05/08/2022 14:00 GMT+7
Dạy nghề nông thôn để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tái cơ cấu nông nghiệp đang được tỉnh Long An rất quan tâm.

Trong đó công tác phân luồng dạy nghề nông thôn đóng vai trò rất quan trọng.Báo Nông thông Ngày nay đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Long An xung quanh nội dung này.

Long An: Đưa trường học đến học sinh học nghề - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An. Ảnh: Trần Đáng

-Thưa ông, thời gian qua công tác đào tạo nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT trên địa bàn tỉnh ra sao?

Tôi đánh giá, các trường đào nghề trên địa bàn có chất lượng, học sinh ra trường có việc làm, ổn định, phù hợp. Thời gian qua, các trường dạy nghề thu hút được rất nhiều học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy trong giai đoạn hiện nay, các cơ sở đào tạo nghề ở các huyện còn thiếu.

-Xin ông cho biết, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT trên địa bàn tỉnh hiện nay thế nào?

Giai đoạn 2018-2020, ngành GDĐT tỉnh thực hiện đề án 522 của Chính phủ và Kế hoạch 134 của UBND tỉnh Long An về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT. Theo đánh giá, có 6 nội dung thì ngành giáo dục đạt và vượt 4 nội dung. 2 nội dung còn hạn chế. Tuy nhiên, 2 nội dung hạn chế này có sự tiến bộ qua từng năm. Đặc biệt, chất lượng đào tạo nghề đã góp phần nâng tỷ lệ đào tạo nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT.

-Làm thế nào để chất lượng phân luồng học sinh được tốt hơn, thưa ông?

Đối với ngành GDĐT tỉnh, đề thực hiện được đề án 522 và Kế hoạch 134, đồng thời nâng cao chất lượng phân luồng, cũng như đào tạo nghề cho học sinh, trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ phối hợp ngành LĐ-TB&XH trong công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh và cho cha mẹ học sinh ở cấp THCS và THPT theo hướng "đưa trường học đến học sinh".

Phân luồng học sinh mang ý nghĩa quan trọng, góp phần cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển KT - XH của tỉnh Long An. Ảnh: Trần Đáng

Phân luồng học sinh mang ý nghĩa quan trọng, góp phần cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển KT - XH của tỉnh Long An. Ảnh: Trần Đáng

Theo đó, trong công tác tuyên truyền, phổ biến, định hướng nghề nghiệp, phân luồng sẽ mời các trường có đào tạo trung cấp, cao đẳng, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động đến để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh ở các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh.

Thêm nữa, sẽ phân chia giai đoạn hướng nghiệp. Một mặt tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp theo yêu cầu chung của Bộ GD-ĐT. Mặt khác, tách đối tượng tuyên truyền, như: có khả năng không đổ vào lớp 10 và không có khả năng học tiếp THPT.

-Phụ huynh rất mong con em vừa được học nghề vừa học văn hóa. Vấn đề này, ngành GDĐT tỉnh triển khai ra sao?

Ngành GDĐT sẽ phối hợp ngành lao động làm sao đáp ứng mong mỏi của cha mẹ học sinh là vừa học nghề và vừa học văn hóa. Đảm bảo học sinh học vừa học nghề vừa học song song văn hóa. Chỉ làm tốt giải pháp này thì phân luồng mới đạt hiệu quả.

Sở GDĐT sẽ phối hợp ngành LĐ-TB&XH khai thác hiệu quả cơ sở vật chất tại các trường. Tổ chức các lớp học nghề tại các trường THCS và THPT để học sinh hạn chế di chuyển. Các trường tổ chức dạy nghề sẽ tổ chức dạy lý thuyết ở các cơ sở giáo dục. Còn các môn thực hành sẽ phối hợp đưa đón học sinh đến các trường dạy nghề để đảm bảo việc học tập.

-Hiện nay, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp chỉ đạt 13,19% so với mục tiêu 21,39% (kết quả phân luồng năm 2021) và khá xa mục tiêu 40% vào năm 2025; đối với học sinh tốt nghiệp THPT theo học cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng đạt 14,51% khá thấp so với mục tiêu 45% vào năm 2025, trong khi đó học sinh tốt nghiệp THPT theo học các trường ĐH-CĐ là 64,43% (chỉ tiêu đặt ra năm 2021 là 42%). Giải pháp đặt ra trong năm tới là gì, thưa ông?

Theo đề án 522 và Kế hoạch 134 của UBND tỉnh, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 là đạt tối thiểu 40% học sinh sau THCS vào trường nghề và các loại hình học khác. Trên cơ sở đó, tỉnh có kế hoạch 134 có lộ trình theo Đề án 522.

Hiện nay, theo quan điểm của ngành GDĐT kiên quyết thực hiện cho được Đề án 522 và kế hoạch 134. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có thể thay đổi phù phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Riêng số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không tiếp tục học THPT thì vận động học nghề. Tuy nhiên, thực tế có một số trường hợp phụ huynh do yếu tố con còn nhỏ, quảng đường di chuyển từ nhà đến nơi học nghề xa nên không cho các em đi học nghề. Để đào tạo nghề cho triệt để phải tận dụng các cơ sở trường học để tổ chức các lớp dạy nghề tại trường cho các em có điều kiện đi học.

-Xin cảm ơn ông