"Chúng tôi đã bán (số vàng này) để các nhà nhập khẩu của chúng tôi có thể mua hàng hóa cần thiết cho đất nước", Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Ukraine Kateryna Rozhkova thừa nhận với đài truyền hình quốc gia.
Theo Reuters, bà Rozhkova cho biết thêm rằng, ngân hàng không bán vàng để kéo đồng tiền hryvnia của Ukraine lên. Ngân hàng Trung ương Ukraine trước đó đã cố định tỷ giá giữa đồng hryvnia với USD, khiến họ phải bán hàng tỷ USD dự trữ ngoại hối kể từ khi xung đột nổ ra. Họ sẽ thả nổi đồng tiền này khi điều kiện cho phép.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, tình hình xung đột tại Ukraine hiện là "thách thức lớn nhất" đối với kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế Ukraine cũng đã thiệt hại nặng nề vì xung đột. Báo cáo của Trường Kinh tế Kiev cho biết tính đến ngày 8/6, thiệt hại trực tiếp về cơ sở hạ tầng của Ukraine đã lên tới 103,9 tỷ USD do nhiều tuyến đường, sân bay, cơ sở y tế, trường học, các tòa nhà... đã bị phá hủy hoặc hư hại.
GDP của Ukraine được dự báo giảm ít nhất một phần ba trong năm nay, do cuộc chiến khiến 40% doanh nghiệp phải đóng cửa, cơ sở hạ tầng bị phá hủy và các tuyến hàng hải tắc nghẽn.
Ngân hàng trung ương Ukraine ước tính lạm phát đã ở mức 17% trong tháng 5 và có thể lên hơn 20% năm nay, gấp đôi năm ngoái. Lạm phát tăng vọt do giá cả toàn cầu tăng cao và ảnh hưởng của chiến sự lên sản xuất cũng như chuỗi cung ứng trong nước.
Tuy nhiên, hiện Ukraine cũng đón tín hiệu tích cực khi hoạt động kinh doanh ở nhiều khu vực đang dần phục hồi. Số doanh nghiệp nhỏ phải ngừng hoạt động trong tháng 4 chỉ còn 26%, giảm từ 73% hồi tháng 3, theo một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Ukraine.