Dân Việt

Bí thư TP.HCM trực tiếp đến địa bàn có số ca sốt xuất huyết cao nhất thành phố

Bạch Dương 19/07/2022 19:12 GMT+7
Chiều 19/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường An Lạc A, quận Bình Tân. Đây là quận có số ca mắc sốt xuất huyết tăng 205%, cao nhất thành phố.
Bí thư TP.HCM trực tiếp đến địa bàn sốt xuất huyết cao nhất thành phố - Ảnh 1.

Bí thư Nguyễn Văn Nên hỏi thăm người dân tại trạm y tế phường An Lạc A. Ảnh: Hoàng Lan

Quận Bình Tân là một trong những địa bàn có tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, từ đầu năm đến nay, địa bàn có hơn 3.600 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 205% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất TP, trong đó có 2 ca đã tử vong.

Tại trạm y tế phường An Lạc A, Bí thư Nên đã hỏi thăm tình hình phòng chống sốt xuất huyết, tiêm vaccine phòng Covid-19 của người dân, Trao đổi với Bí thư Nên, BS Nguyễn Văn Minh, Trưởng trạm y tế phường An Lạc A, cho biết địa bàn có 50 điểm nguy cơ và 50 ca mắc sốt xuất huyết.

Phường An Lạc A hiện có khoảng 33.000 dân. Đây là địa bàn có dân cư vãng lai khá đông nên việc vận động, quản lý phòng dịch sốt xuất huyết gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhân sự của trạm y tế khá mỏng, chỉ có 7 nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ đa khoa, 1 bác sĩ y học dân tộc, 2 y sĩ, 2 y tá và 1 dược tá.

Nhân viên phụ trách phòng chống dịch của trạm y tế phường An Lạc A chia sẻ, thời gian gần đây, trạm y tế ngoài nhiệm vụ phòng chống dịch phải tăng cường tiêm phòng vaccine Covid-19 trong đợt cao điểm nên cần phải có thêm nhân sự để bao quát thêm công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, trạm y tế cũng gặp khó khăn khi không có nguồn kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên ở khu phố. Đây là lực lượng tuyên truyền và nắm sát sao các điểm nguy cơ hỗ trợ cho trạm y tế trong phòng dịch sốt xuất huyết.

Làm việc với UBND quân Bình Tân, Bí thư Nên cho biết, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát nhiều nơi, TP.HCM là nơi có số ca mắc và tử vong đang tăng. Trong khi đó, sự xuất hiện của biến thể phụ Covid-19 có nguy cơ làm số ca mắc tăng lên.

"Sốt xuất huyết và dịch Covid-19 nếu cùng tăng cao có khả năng gây quá tải hệ thống y tế, gây khó khăn cho công tác điều trị, TP không thể chủ động chăm sóc sức khỏe của người dân", Bí thư Nên cảnh báo và đề nghị quận Bình Tân cùng các sở ngành quyết liệt các biện pháp phòng dịch, báo cáo trung thực những khó khăn, vướng mắc để cùng giải quyết, không để dịch chồng dịch.

Báo cáo với Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, từ đầu năm đến ngày 15.7, trên địa bàn quận có 3.698 ca mắc sốt xuất huyết do các bệnh viện và phòng khám báo về, tăng hơn 205% so với cùng kỳ năm 2021 (1.210 ca), tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2019 (năm bùng dịch sốt xuất huyết). Trên địa bàn quận cũng đã có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết.

Qua điều tra của quận, chỉ có 2.477 ca có địa chỉ, có bệnh nhân; còn lại 1.221 ca khác không rõ địa chỉ, có địa chỉ nhưng không có bệnh nhân hoặc chuyển sang quận, huyện, tỉnh khác.

Tính đến nay, toàn quận Bình Tân có 93 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó còn 40 ổ dịch trong thời gian giám sát. Quận cũng đã ban hành 43 quyết định xử phạt với các hành vi để phát sinh muỗi, lăng quăng gây bệnh với số tiền gần 60 triệu đồng.

Bí thư TP.HCM trực tiếp đến địa bàn sốt xuất huyết cao nhất thành phố - Ảnh 3.

Bí thư Nên hỏi thăm người dân quận Bình Tân về sốt xuất huyết. Ảnh: Hoàng Lan

Về khó khăn trong phòng chống sốt xuất huyết, theo Chủ tịch UBND quận Bình Tân, có nhiều nền đất trống xen cài khu dân cư, khu nghĩa trang lớn, khu mộ tộc xen cài trong các khu dân cư. Đến mùa mưa, những nơi này trở thành các điểm nguy cơ phát sinh bệnh sốt xuất huyết, cần phải kiểm tra diệt lăng quăng thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, vẫn còn một số hộ dân, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu năm, công tác kiểm tra, giám sát tại các phường triển khai còn chậm, chưa sâu sát đến từng nhà, từng đơn vị.

Lãnh đạo UBND quận Bình Tân cho rằng công tác phòng, chống dịch bệnh là công việc thường xuyên, khi phát sinh cần phải xử lý gấp, kinh phí biến động lớn và khó dự báo. Nhưng khi thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận không còn cấp ngân sách, các nội dung chi phải thực hiện theo đúng danh mục dự toán đã được duyệt và bố trí vốn từ đầu năm, do đó, UBND quận, phường thiếu chủ động trong việc giải quyết các trường hợp phát sinh nhiệm vụ khẩn cấp, đột xuất.

Quận kiến nghị Sở Tài chính xem xét tham mưu UBND TP.HCM tăng nguồn kinh phí dự phòng trong phòng chống dịch cho quận để chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch; kiến nghị Sở Y tế sớm bàn giao Trung tâm y tế quận Bình Tân về UBND quận, đồng thời cấp bổ sung kinh phí hoạt động của Trung tâm y tế trong năm 2022 cho UBND quận để đảm bảo các hoạt động của Trung tâm và công tác phòng, chống dịch bệnh.