Bạch Dương
Thứ ba, ngày 19/07/2022 16:20 PM (GMT+7)
Sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh TP.HCM thừa 5.700 biên chế, nhiều ý kiến của lãnh đạo, đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, TP không thừa mà còn đang thiếu công chức, viên chức.
Tại buổi góp ý dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 54/2017 của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhiều ý kiến nhấn mạnh: Khối lượng công việc mà cán bộ công chức ở TP.HCM phải giải quyết rất nhiều, đến 2-3 giờ sáng mới về đến nhà nhưng 7 giờ sáng phải quay trở lại công việc.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, thành phố là địa phương đông và có mật độ dân số lớn nhất cả nước. Không chỉ vậy, 1km2 của TP.HCM tạo ra GDP gấp 38 lần bình quân cả nước, tức là sản phẩm tạo ra của thành phố trong 3 năm bằng bình quân cả nước làm trong 100 năm.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng là địa phương mà hệ thống công chức phục vụ số lượng người dân lớn nhất cả nước. Trong khi một quận, huyện của cả nước bình quân có 137.000 dân thì con số này ở thành phố là 441.000 dân.
"Tức là một biên chế của thành phố phải phục vụ người dân gấp 3,2 lần cả nước. Tất nhiên có rất nhiều áp lực thì chắn chắn sẽ có sai sót. Biên chế của quận và phường phải xét đến yếu tố dân số", ông Nhân nói.
Ông cũng cho rằng TP.HCM cũng có những phường có dân số cực lớn. Ví dụ như quận Bình Tân có 811.000 người, gấp khoảng 5 lần bình quân cả nước. TP.HCM có 10 quận, huyện dân số từ 450.000 người trở lên.
"Như có lần tôi xuống Bình Chánh, 18h30 vẫn thấy anh em sáng đèn làm việc. Chồng con ở nhà làm sao chịu nổi. Vậy là không ổn", ông Nhân dẫn chứng và chỉ ra TP.HCM phải lấy số liệu từ thực tiễn để đề xuất lượng biên chế hiệu quả nhất.
Từ đó, ông Nhân đề xuất cứ mỗi đơn vị hành chính có dân số gấp đôi bình quân cả nước thì tăng 15% biên chế.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Kim Yến, Bí thư quận 1 cho rằng, hiện có nhiều ý kiến cần phân bổ số lượng cán bộ công chức dựa theo dân số tại địa bàn. Tuy nhiên, không chỉ theo địa bàn mà còn theo đặc thù mỗi đơn vị, địa phương.
Không phải chỉ vấn đề đông dân mà có những quận, huyện số dân của họ không đông, số người thường trú, cư ngụ thực tế không đông nhưng số người đến làm việc lại đông.
Đơn cử như ở quận 1, dân cư ngụ không đông nhưng một ngày quận 1 có khoảng 1 triệu người đến làm việc, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, các sự kiện tại địa bàn.
"Khối lượng công việc cán bộ công chức phải giải quyết rất nhiều, đến 2-3 giờ sáng mới về đến nhà nhưng 7 giờ sáng phải quay trở lại công việc", bà Yến nói và cho rằng việc phân bổ còn cần phải dựa theo khối lượng công việc chứ không chỉ dựa vào số dân.
Thời gian tới, TP.HCM triển khai thực hiện dự án Vành đai 3 thì cán bộ công chức tại nơi chịu ảnh hưởng phải giải quyết rất nhiều đầu việc, rất áp lực; cần có tính toán để phân bổ phù hợp, tránh quá tải.
Tại toạ đàm góp ý, nhận xét về Nghị quyết 54 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, TS Thái Thị Tuyết Dung, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cho rằng, cần cho phép HĐND TP quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp.
Việc quy định cho phép HĐND TP xác định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tăng thêm để bổ sung đối với các phường, xã, thị trấn đông dân ngoài số lượng quy định của Chính phủ; số lượng tăng thêm không quá 3 công chức cho 1 đơn vị hành chính cấp xã là chưa phù hợp với thực tiễn.
Cần thiết phải căn cứ vào số dân cư, khối lượng công việc mà UBND cấp xã đang phải xử lý. Bởi lẽ, tinh thần của Dự thảo Nghị quyết là sẽ phân cấp, ủy quyền cho cấp xã nhiều hơn, thì lượng công việc sẽ nhiều, việc tăng thêm 3 biên chế không giải quyết tận gốc của vấn đề, nên để TP.HCM chủ động trong việc sắp xếp biên chế cấp xã.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, con số 5.700 cán bộ mà Bộ Nội vụ đưa ra không phải là cán bộ dôi dư, mà là số biên chế thực tế, cần thiết nhưng chưa có sự phê duyệt chính thức của Trung ương. Với khối lượng công việc ngày một tăng, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách và người lao động làm việc tại TP.HCM ngày càng bị áp lực.
Không tính khách vãng lai, trung bình theo số biên chế được HĐND giao hiện nay, mỗi công chức phục vụ khoảng 844 người dân; tính cả biên chế phường xã, mỗi công chức phục vụ 346 người dân. Nếu HĐND không phê duyệt số người làm việc như hiện nay sẽ khó đủ nhân sự hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề cập đến số biên chế chênh lệch này, TP đã báo cáo và Bộ trưởng cũng thống nhất TP.HCM sẽ có giải trình, phân tích trên hiện trạng, nhu cầu, đặc điểm của thành phố để đưa ra đề xuất trên cơ sở TP không đòi nhiều nhưng phải đủ, phù hợp để đảm đương được công việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.