Ngày 19/7, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa phẫu thuật lấy thành công 3 viên bi nam châm xếp hình nằm trong ruột một bé gái 3 tuổi.
Người nhà cho biết, đây là đồ được gia đình đặt mua cho bé chơi, gồm nhiều viên bi màu sắc hấp dẫn. Các viên bi này có thể xếp thành các khối vật theo ý muốn như vòng tay, vương miện…
Trước đó, trong lúc đang chơi, bé gái đã nuốt 3 viên bi nam châm nhưng gia đình không hay biết. Sau khi nuốt, bé bị đau bụng và gò từng cơn, nôn ói nhiều lần. Khi gia đình hốt hoảng chuyển bé đến bệnh viện, các bác sĩ cho chụp X-quang và phát hiện ngay dị vật. May mắn là dị vật được lấy ra thành công. Hiện sức khỏe bé đã dần ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn Vũ, khoa Ngoại Tổng hợp của bệnh viện chia sẻ, đây là một trong những trường hợp đặc biệt, khi bệnh nhi đã nuốt nhiều viên bi nam châm. Các viên bi này sẽ hít vào nhau, khó theo phân ra ngoài. Nếu không kịp thời phát hiện, dị vật có thể gây nhiễm trùng và nguy hiểm đến tính mạng.
"Các viên bi đã hít hai mép ruột lại vào nhau, dẫn đến thủng ruột. Ekip mổ đã mở rộng chỗ lỗ thủng để lấy các viên bi nam châm ra ngoài và khâu lại đoạn ruột..." - bác sĩ nói.
Sau sự cố, người mẹ bày tỏ hối hận vì đã cho con nhỏ chơi bi nam châm xếp hình. Theo người mẹ, dù đồ vật trên có tính giải trí và nâng cao trí tuệ, nhưng các phụ huynh nên cẩn thận khi cho các con chơi. Hoặc nên lựa chọn các kích thước lớn hơn để bảo đảm an toàn cho bé.
Thống kê cho thấy, trung bình hằng năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 2-3 trường hợp trẻ nuốt bi nam châm xếp hình hoặc hóc vào mũi. Riêng với vật dụng, đồ chơi trẻ em nói chung, các bác sĩ của bệnh viện đã nhiều lần nội soi tiêu hóa để lấy dị vật mà bé vô tình nuốt phải.
Gần nhất, bệnh viện tiếp nhận một bé trai 2 tuổi nuốt dị vật là chiếc chìa khóa rơi vào thực quản nguy hiểm. Hay một trường hợp trẻ hóc hạt điều vào đường thở khi đang ăn cùng cậu, khiến bác sĩ phải vất vả cứu chữa.
Bác sĩ khuyến cáo các gia đình cần chọn lựa đồ chơi phù hợp, quan sát trong lúc các con đang chơi, không nên cho các bé dưới 4 tuổi ăn những thức ăn cứng hoặc tròn (như kẹo, đậu phộng, nho và các loại hạt…) để ngăn ngừa những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Trong trường hợp trẻ không may nuốt hay hóc dị vật, người nhà không sơ cứu được cần đem trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa.