Vợ chồng trẻ Hà Nội chi hàng trăm triệu đồng làm căn hộ "giấu đồ" độc đáo
Thứ ba, ngày 19/07/2022 14:46 PM (GMT+7)
Hệ phản rộng 11m2 là nơi sinh hoạt chính của cả gia đình. Công năng chính của hệ phản là nâng lên thành bàn trà, bàn broardgame dành cho bốn người, hạ xuống thành phản ngủ, dưới phản là kho chứa đồ.
Vợ chồng chị Minh Ngọc (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sở hữu căn hộ đẹp rộng 103m2. Đây là không gian sinh sống của gia đình bốn người.
Do từng sinh sống và làm việc tại Nhật Bản nên chị Ngọc mong muốn căn hộ đẹp là không gian sống hiện đại, đơn giản, mang đậm phong cách của đất nước mặt trời mọc.
Đặc biệt, chị đã sưu tầm rất nhiều đồ trang trí và gia dụng ở Nhật. Về nước, chị quyết tâm sẽ hoàn thiện một căn nhà có thể cất giữ những ký ức đẹp, những góc đáng nhớ để vợ chồng chị trân quý những gì đã trải qua cùng nhau.
Chị Ngọc đem những câu chuyện và trải nghiệm của mình ở Nhật Bản chia sẻ với kiến trúc sư Phương Bùi. Sau khi bàn bạc, đôi bên đã đưa ra được những ý tưởng vô cùng độc đáo cho căn hộ.
Điểm nhấn đầu tiên của căn hộ là hệ phản rộng 11m2. Đây là nơi sinh hoạt chính của cả gia đình. Công năng chính của hệ phản là nâng lên thành bàn trà, bàn broardgame dành cho bốn người, hạ xuống thành phản ngủ, dưới phản là kho chứa đồ.
Kiến trúc sư Phương Bùi chia sẻ: "Bàn trà thông minh là mong muốn của gia chủ. Vì đây là nơi sinh hoạt chính của gia đình. Tuy nhiên, bàn trà cố định dễ gây vướng víu.
Bởi vậy bộ phụ kiện nâng hạ thông minh là giải pháp tối ưu. Bàn trà rộng 1m2 có cả điều khiển từ xa và cố định, nâng hạ từ từ nên xử lý nhanh nếu phát sinh sự cố. Ngoài ra, gia chủ có thêm hai bàn trà phụ khác đặt trên phản và ban công nên bàn trà nâng hạ thi thoảng mới dùng đến".
Căn hộ đẹp không có tivi
Vì không muốn để tivi trong nhà nên cuối tuần gia đình sẽ quây quần trên phản xem phim bằng hệ thống máy chiếu.
Khoảng không gian dùng cho máy chiếu rộng 5,5m2, là một hệ vách ốp gỗ phẳng chắc chắn với kết cấu tủ, màu đơn sắc nhằm hiển thị hình ảnh trên máy chiếu rõ nét nhất.
Hệ kệ trang trí hình tròn âm nằm giữa mảng tường ngăn cách giữa phòng khách và phòng bé trai. Phía sau ô tròn là một bức tranh phong cách Nhật, có thể nhấc ra vệ sinh và bày biện đồ trang trí khi cần.
Gỗ MDF chống ẩm là vật liệu nội thất chính sử dụng trong căn hộ của chị Ngọc. Ảnh các thành viên gia đình được ghim lại trên một chiếc bảng, cũng trở thành điểm nhấn của căn hộ.
Nối liền mảng tường sảnh vào bếp là hệ vách ốp gỗ, với tác dụng làm cho mảng tường khu phòng khách - bếp được liền mạch, liên thông. Khu vực sảnh có ghế ngồi đi giày. Kiến trúc sư đã thiết kế thêm gương soi toàn thân giúp thành viên trong gia đình tự tin nhất trước khi ra ngoài.
Khu vực bếp bỏ hoàn toàn hệ tủ bếp trên. Tất cả các công năng dồn về bếp dưới và tủ để thiết bị, tủ kho và quầy bar.
Quầy bar dáng cong không chỉ để trang trí mà có thể mở ra cất trữ nồi cơm điện, ấm siêu tốc, máy xay sinh tố...
Thiết kế này đòi hỏi gia chủ phải thường xuyên dọn dẹp ngăn nắp, sắp xếp khoa học và tối giản đồ bếp.
Điều đặc biệt của căn hộ là việc gia chủ đảo ngược quy trình: Thay vì làm nhà xong mới mua đồ trang trí thì kiến trúc sư phải thiết kế nhà phù hợp để chứa những vật dụng có sẵn, được xách tay từ Nhật về.
Ngay từ đầu, gia chủ đã lên bố cục cho từng góc nhà, từ mặt bằng công năng đến quy trình làm việc, thao tác khi sinh hoạt... để tạo thành một tổng thể xuyên suốt, "đo ni đóng giày" với những đồ đã mua.
Phòng của con gái có tới ba hệ cửa nhìn ra bên ngoài nên kiến trúc sư đã thiết kế rèm cầu vồng giúp thuận tiện khi thay đồ.
Đơn vị kiến trúc, thi công đã dành 45 ngày để cải tạo và hoàn thiện căn hộ. Tổng chi phí hết 350 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.